Giải Toán 10 (t1) [Chương 4] Bài 8 – TỔNG VÀ HIỆU CỦA HAI VECTƠ. (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống)

Sau đây là Hướng dẫn và lời giải chi tiết các bài tập của Bài 8 – Chương 4, trong sách giáo khoa môn Toán lớp 10 – tập 1, thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Luyện tập 1 (Trang 52 / Toán 10 – tập 1 / Kết nối tri […]

Sau đây là Hướng dẫn và lời giải chi tiết các bài tập của Bài 8 – Chương 4, trong sách giáo khoa môn Toán lớp 10 – tập 1, thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Luyện tập 1 (Trang 52 / Toán 10 – tập 1 / Kết nối tri thức với cuộc sống) Cho hình thoi $ABCD$ với cạnh có độ dài bằng $1$ và $\widehat{BAD} = 120^o.$ Tính độ dài của các vectơ $\overrightarrow{CB}+ \overrightarrow{CD},$ $\overrightarrow{DB}+ \overrightarrow{CD}+ \overrightarrow{BA}.$

Luyện tập 1 - Trang 52 - Toán 10 tập 1 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Giải

Do $ABCD$ là hình thoi có $\widehat{BAD} = 120^o$ nên các tam giác $ABC, ADC$ là các tam giác đều. Do đó, $CA = CB = CD = 1.$

+) Tính độ dài của vectơ $\overrightarrow{CB}+ \overrightarrow{CD}$

Luyện tập 1 - Trang 52 - Toán 10 tập 1 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

$ABCD$ là hình thoi nên nó cũng là hình bình hành. Theo quy tắc hình bình hành, ta có: $\overrightarrow{CB} +\overrightarrow{CD} = \overrightarrow{CA}.$

Suy ra: $\vert \overrightarrow{CB} +\overrightarrow{CD} \vert = \vert \overrightarrow{CA} \vert = CA = 1.$

+) Tính độ dài vectơ $\overrightarrow{DB}+ \overrightarrow{CD}+ \overrightarrow{BA}$

Ta có:

$$\overrightarrow{DB}+ \overrightarrow{CD}+ \overrightarrow{BA}$$

$$= \overrightarrow{CD} + \left(\overrightarrow{DB} + \overrightarrow{BA}\right)$$

$$= \overrightarrow{CD} + \overrightarrow{DA}$$

$$= \overrightarrow{CA}.$$

Suy ra: $\vert \overrightarrow{DB}+ \overrightarrow{CD}+ \overrightarrow{BA}\vert = |\overrightarrow{CA}| = 1.$

Luyện tập 2 (Trang 53 / Toán 10 – tập 1 / Kết nối tri thức với cuộc sống) Cho tứ giác $ABCD.$ Gọi $M, N$ lần lượt là trung điểm của các cạnh $AB, CD$ và $O$ là trung điểm của $MN.$ Chứng minh rằng $\overrightarrow{OA} + \overrightarrow{OB} + \overrightarrow{OC} +
\overrightarrow{OD} = \vec{0}.$

Giải

Luyện tập 2 - Trang 53 - Toán 10 tập 1 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Lấy $K$ và $L$ lần lượt đối xứng với $O$ qua $M$ và $N.$ Khi đó, các tứ giác $OAKB$ và $OCLD$ là các hình bình hành.

Do đó, áp dụng quy tắc hình bình hành, ta có:

$$\overrightarrow{OA} + \overrightarrow{OB} + \overrightarrow{OC} +
\overrightarrow{OD} = \overrightarrow{OK} + \overrightarrow{OL}\;\; (1)$$

Mặt khác, do $K$ và $L$ lần lượt đối xứng với $O$ qua $M$ và $N$ nên $OK = 2OM$ và $OL = 2ON.$ Mà $O$ là trung điểm của $MN$ nên $OM = ON.$ Suy ra: $OK = OL.$ Vậy $O$ là trung điểm của $KL.$

Suy ra: $\overrightarrow{OK} + \overrightarrow{OL} = \vec{0}\;\; (2)$

Từ $(1)$ và $(2)$ suy ra: $\overrightarrow{OA} + \overrightarrow{OB} + \overrightarrow{OC} +
\overrightarrow{OD} = \vec{0}.$

Vận dụng (Trang 54 / Toán 10 – tập 1 / Kết nối tri thức với cuộc sống) Tính lực kéo cần thiết để kéo một khẩu pháo có trọng lượng $22\;148\;N$ (ứng với khối lượng xấp xỉ $2\;260\;kg)$ lên một con dốc nghiêng $30^o$ so với phương nằm ngang (H.4.18). Nếu lực kéo của mỗi người bằng $100\;N$ thì cần tối thiểu bao nhiêu người để kéo pháo?

Vận dụng - Trang 54 - Toán 10 tập 1 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Giải

Vận dụng - Trang 54 - Toán 10 tập 1 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Vật đó chịu tác động của ba lực, gồm: trọng lực $\overrightarrow{P} = \overrightarrow{OA},$ phản lực $\overrightarrow{w} = \overrightarrow{OB}$ và lực kéo $\overrightarrow{F}.$

Trong đó,

  • trọng lực vuông góc với phương nằm ngang và hướng xuống dưới, có độ lớn bằng trọng lượng của vật: $|\overrightarrow{P}| = 22\;148\;N.$
  • phản lực vuông góc với mặt dốc và hướng lên trên.

Dựng hình bình hành $OACB$ thì $\overrightarrow{OC} = \overrightarrow{OA} + \overrightarrow{OB} = \overrightarrow{P} + \overrightarrow{w}.$ Vậy $\overrightarrow{T} = \overrightarrow{OC}$ là vectơ lực tổng hợp của $\overrightarrow{P}$ và $\overrightarrow{w},$ nó hướng từ đỉnh dốc xuống chân dốc.

Muốn kéo được khẩu pháo lên dốc, lực kéo $\overrightarrow{F}$ phải có độ lớn lớn hơn độ lớn của lực $\overrightarrow{T} = \overrightarrow{OC},$ tức là $|\overrightarrow{F}| > OC.$

Giờ ta đi tính độ dài $OC.$

Tam giác $OAC$ vuông tại C nên: $OC = OA \cdot sin\;\widehat{OAC} = 22\;148\cdot sin\;30^o = 11\;074.$

Trong đó, $OA = |\overrightarrow{P}| = 22\;148\;(N)$ và $\widehat{OAC}$ bằng với góc nghiêng của con dốc.

Vậy để kéo được khẩu pháo lên dốc, lực kéo $\overrightarrow{F}$ cần phải có độ lớn thỏa mãn: $|\overrightarrow{F}| > 11\;074\;(N).$

Do $\dfrac{11\;074}{100} = 110,74$ nên nếu lực kéo của mỗi người bằng $100\;N$ thì cần tối thiểu $111$ người để kéo pháo lên dốc.

Bài tập 4.6 (Trang 54 / Toán 10 – tập 1 / Kết nối tri thức với cuộc sống) Cho bốn điểm $A, B, C, D.$ Chứng minh rằng:

$$\mathbf{a)}\; \overrightarrow{AB}+ \overrightarrow{BC}+ \overrightarrow{CD}+ \overrightarrow{DA} = \vec{0};$$

$$\mathbf{b)}\; \overrightarrow{AC}- \overrightarrow{AD} = \overrightarrow{BC}- \overrightarrow{BD}.$$

Giải

a) Áp dụng liên tiếp quy tắc ba điểm, ta có:

$$\overrightarrow{AB}+ \overrightarrow{BC}+ \overrightarrow{CD}+ \overrightarrow{DA}$$

$$= \overrightarrow{AC} + \overrightarrow{CD} + \overrightarrow{DA}$$

$$= \overrightarrow{AD} + \overrightarrow{DA}$$

$$= \overrightarrow{AA}$$

$$= \vec{0}.$$

Vậy ta đã có điều phải chứng minh.

$$\mathbf{b)}\; \overrightarrow{AC}- \overrightarrow{AD} = \overrightarrow{BC}- \overrightarrow{BD}.$$

Ta có: $ \overrightarrow{AC}- \overrightarrow{AD} = \overrightarrow{DC}$ và $ \overrightarrow{BC}- \overrightarrow{BD} = \overrightarrow{DC}.$

Vậy $ \overrightarrow{AC}- \overrightarrow{AD} = \overrightarrow{BC}- \overrightarrow{BD} $ vì cùng bằng $\overrightarrow{DC}.$

Bài tập 4.7 (Trang 54 / Toán 10 – tập 1 / Kết nối tri thức với cuộc sống) Cho hình bình hành $ABCD.$ Hãy tìm điểm $M$ để $\overrightarrow{BM} = \overrightarrow{AB}+ \overrightarrow{AD}.$ Tìm mối quan hệ giữa hai vectơ $ \overrightarrow{CD} $ và $ \overrightarrow{CM}.$

Giải

Bài tập 4.7 - Trang 54 - Toán 10 tập 1 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Giả sử tìm được điểm $M$ để $\overrightarrow{BM} = \overrightarrow{AB}+ \overrightarrow{AD}.$

Theo quy tắc hình bình hành, ta có: $\overrightarrow{AB}+ \overrightarrow{AD} = \overrightarrow{AC}.$

Do đó, $ \overrightarrow{BM} = \overrightarrow{AC}.$

Suy ra: $ABMC$ là hình bình hành.

Vậy dựng hình bình hành $ABMC$ ta sẽ được điểm $M$ cần tìm.

Vì $ABCD$ là hình bình hành nên: $\overrightarrow{CD} = \overrightarrow{BA}.$

Vì $ABMC$ là hình bình hành nên: $\overrightarrow{CM} = \overrightarrow{AB}.$

Mà $\overrightarrow{BA} = – \overrightarrow{AB}$ nên: $ \overrightarrow{CD} = – \overrightarrow{CM}.$

Vậy $ \overrightarrow{CD} $ và $ \overrightarrow{CM}$ là hai vectơ đối nhau.

Bài tập 4.8 (Trang 54 / Toán 10 – tập 1 / Kết nối tri thức với cuộc sống) Cho tam giác đều $ABC$ có cạnh bằng $a.$ Tính độ dài của các vectơ $\overrightarrow{AB} – \overrightarrow{AC}$ và $\overrightarrow{AB} + \overrightarrow{AC}.$

Giải

Bài tập 4.8 - Trang 54 - Toán 10 tập 1 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

$$|\overrightarrow{AB} – \overrightarrow{AC}| = |\overrightarrow{CB}| = a.$$

Gọi $M$ là trung điểm của $BC.$ Dựng điểm $D$ đối xứng với điểm $A$ qua điểm $M.$ Khi đó, $ABDC$ là hình bình hành. Do đó: $\overrightarrow{AB} + \overrightarrow{AC} = \overrightarrow{AD} \;\;(1)$

Hơn nữa, vì $ABDC$ là hình bình hành và $M$ là trung điểm của đường chéo $BC$ nên $M$ cũng là trung điểm của đường chéo $AD.$ Do đó: $AD = 2AM \;\;(2)$

Mặt khác, $AM$ là trung tuyến của tam giác đều $ABC$ nên $AM\perp BC.$ Do đó: $AM = AC\sin\widehat{ACB} = a\cdot sin\;60^o = \dfrac{a\sqrt{3}}{2}\;\; (3).$

Từ $(1), (2), (3)$ ta có: $|\overrightarrow{AB} + \overrightarrow{AC}| = |\overrightarrow{AD}| = 2AM = a\sqrt{3}.$

Bài tập 4.9 (Trang 54 / Toán 10 – tập 1 / Kết nối tri thức với cuộc sống) Hình 4.19 biểu diễn hai lực $\overrightarrow{F_1}, \overrightarrow{F_2}$ cùng tác động lên một vật, cho $|\overrightarrow{F_1}| = 3\;N,$ $|\overrightarrow{F_2}| = 2\;N.$ Tính độ lớn của hợp lực $\overrightarrow{F_1} + \overrightarrow{F_2}.$

Bài tập 4.9 - Trang 54 - Toán 10 tập 1 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Giải

Bài tập 4.9 - Trang 54 - Toán 10 tập 1 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Đặt $\overrightarrow{F_1}=\overrightarrow{OA},$ $\overrightarrow{F_2} = \overrightarrow{OB}.$

Dựng hình bình hành $OACB.$ Đặt $\overrightarrow{F} = \overrightarrow{OC}.$

Ta có:

$$\overrightarrow{F_1} + \overrightarrow{F_2} = \overrightarrow{OA} + \overrightarrow{OB} $$

$$\;\;\;\;\;= \overrightarrow{OC} = \overrightarrow{F}.$$

Vậy $\overrightarrow{F}$ là hợp lực $\overrightarrow{F_1} + \overrightarrow{F_2}.$

Trong tam giác $OAC,$ ta có: $OA = |\overrightarrow{F_1}| = 3\;N;$ $AC = OB = |\overrightarrow{F_2}| = 2\;N$ và $\widehat{OAC} = 180^o – \widehat{AOB} = 60^o.$

Theo định lý cosin, ta có: $|\overrightarrow{F}| = OC = \sqrt{OA^2 + AC^2 – 2\cdot OA\cdot AC\cdot cos\widehat{OAC}} = \sqrt{7}\;(N).$

Bài tập 4.10 (Trang 54 / Toán 10 – tập 1 / Kết nối tri thức với cuộc sống) Hai con tàu xuất phát cùng lúc từ bờ bên này để sang bờ bên kia của dòng sông với vận tốc riêng không đổi và có độ lớn bằng nhau. Hai tàu luôn được giữ lái sao cho chúng tạo với bờ cùng một góc nhọn nhưng một tàu hướng xuống hạ lưu, một tàu hướng lên thượng nguồn (hình bên dưới). Vận tốc dòng nước là đáng kể, các yếu tố bên ngoài khác không ảnh hưởng tới vận tốc của các tàu. Hỏi tàu nào sang bờ bên kia trước?

Bài tập 4.10 - Trang 54 - Toán 10 tập 1 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Giải

Biểu thị hai bờ sông là hai đường thẳng song song $d_1$ và $d_2.$ Giả sử tàu thứ nhất xuất phát từ $A$ hướng về hạ lưu và tàu thứ hai xuất phát từ $B$ hướng về thượng nguồn.

Bài tập 4.10 - Trang 54 - Toán 10 tập 1 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Ta sử dụng các vectơ $\vec{v}, \vec{v_1}, \vec{v_2}$ để biểu diễn cho vận tốc của dòng nước, vận tốc riêng của tàu thứ nhất và tàu thứ hai.

Lấy các điểm $K, M$ sao cho $\overrightarrow{BK} = \vec{v_2}, \overrightarrow{AM} = \vec{v_1}.$ Từ giả thiết suy ra tứ giác $ABKM$ là một hình thang cân.

Lấy các điểm $L, N$ sao cho $\overrightarrow{KL} = \vec{v} = \overrightarrow{MN}.$ Khi đó, $K, L, M, N$ cùng nằm trên một đường thẳng song song với $d_1, d_2$ và các vectơ $\overrightarrow{AN} = \vec{v_1} + \vec{v},$ $\overrightarrow{BL} = \vec{v_2} + \vec{v}$ tương ứng biểu diễn cho vận tốc thực của tàu thứ nhất và tàu thứ hai.

Khi đó, tàu thứ nhất chuyển động theo hướng $\overrightarrow{AN}$ đến đích là điểm $D$ (nên thời gian di chuyển là $\dfrac{AD}{AN})$ và tàu thứ hai chuyển động theo hướng $\overrightarrow{BL}$ đến đích là điểm $C$ (nên thời gian di chuyển là $\dfrac{BC}{BL}).$

Do các đường thẳng $KL, MN, d_1, d_2$ đôi một song song nên theo định lý Thales thì $\dfrac{AD}{AN} = \dfrac{BC}{BL}.$ Suy ra hai tàu cần thời gian như nhau để sang được đến bờ bên kia.

Bởi vậy cả hai tàu sang đến bờ bên kia cùng một lúc.

Chia sẻ nếu thấy hay:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.