$\S\;$ 1.2. MỆNH ĐỀ CÓ CHỨA KÝ HIỆU $\forall, \exists.$

Chia sẻ nếu thấy hay:
Đây là bài số 2 trong tống số 11 bài của chuỗi bài viết [Bài học Toán 10 - Cơ bản - 01] MỆNH ĐỀ VÀ TẬP HỢP

Trong toán học, dùng các từ “với mọi” (ký hiệu là $\forall)$ hay “tồn tại” (ký hiệu là $\exists),$ ta có thể tạo ra các mệnh đề.

Chẳng hạn:

+) Câu “Mọi số tự nhiên đều chia hết cho $3$” có thể hiểu là “Với mọi số tự nhiên $x,$ $x$ chia hết cho $3$”. Do đó, có thể viết lại dưới dạng ký hiệu là: “$\forall x\in\mathbb{N}, x\;\vdots\;3$”. Đây là một mệnh đề sai.

+) Câu “Có số tự nhiên chia hết cho $3$” có thể hiểu là “Tồn tại số tự nhiên $x,$ $x$ chia hết cho $3$”. Do đó, có thể viết lại dưới dạng ký hiệu là: “$\exists x\in\mathbb{N}, x\;\vdots\;3$”. Đây là một mệnh đề đúng.

Ví dụ 1: Dùng lời văn để diễn đạt lại mỗi câu sau và cho biết đó là mệnh đề đúng hay sai.

a) $\forall x\in\mathbb{R}, x+2\neq 1.$

b) $\exists n\in\mathbb{N}, n+3\;\vdots\;2.$

Giải:

a) Với mọi số thực $x,$ ta đều có $x+2\neq 1.$

Đây là mệnh đề sai, vì khi $x=-1$ thì $x+2=-1+2=1.$

b) Tồn tại số tự nhiên $n$ sao cho $n+3\;\vdots\;2.$

Đây là mệnh đề đúng, vì khi $n=1$ thì $n+3=1+3=4\;\vdots\;2.$

Ví dụ 2: Viết lại mỗi mệnh đề sau bằng cách dùng ký hiệu $\forall, \exists$ và cho biết mỗi mệnh đề đó đúng hay sai.

a) Tồn tại số thực $x$ sao cho $x^3=-8.$

b) Có một số nguyên mà bình phương của nó bằng $-9.$

c) Mọi số tự nhiên đều lớn hơn $0.$

d) Với mọi số thực, bình phương của nó đều không âm.

Giải:

a) $\exists x\in\mathbb{R}, x^3=-8.$

Đây là mệnh đề đúng, vì khi $x=-2$ thì $x^3=(-2)^3=-8.$

b) $\exists a\in\mathbb{Z}, a^2=-9.$

Đây là mệnh đề sai, vì bình phương của mọi số nguyên đều lớn hơn hoặc bằng $0,$ mà $-9<0$ nên không có số nguyên $a$ nào để $a^2=-9$ cả.

c) $\forall n\in\mathbb{N}, n>0.$

Đây là mệnh đề sai, vì $n=0$ cũng là số tự nhiên.

d) $\forall x\in\mathbb{R}, x^2\geq 0.$

Đây là mệnh đề đúng.

Chú ý: Với $M$ là một tập hợp và $P(x)$ là một mệnh đề chứa biến $x,$

+) Mệnh đề “$\forall x\in M, P(x)$” đúng khi với bất kỳ $x_0$ thuộc $M$ thì mệnh đề $P(x_0)$ đúng. Mệnh đề “$\forall x\in M, P(x)$” sai khi ta tìm được một $x_0$ thuộc $M$ để $P(x_0)$ sai.

+) Mệnh đề “$\exists x\in M, P(x)$” đúng khi ta tìm được một $x_0$ thuộc $M$ để $P(x_0)$ đúng. Mệnh đề “$\exists x\in M, P(x)$” sai khi với mọi $x$ thuộc $M$ thì $P(x)$ đều sai.

Bài tập:

1)- Dùng ký hiệu $\forall, \exists$ để viết các mệnh đề sau và cho biết mỗi mệnh đề đó đúng hay sai.

a) Có một số nguyên lớn hơn $3.$

b) Mọi số tự nhiên đều chia hết cho $2.$

2)- Phát biểu mỗi mệnh đề sau bằng lời và cho biết nó đúng hay sai.

a) $\forall x\in\mathbb{Z}, 2x\;\vdots\;2.$

b) $\exists a\in\mathbb{R}, 3a+1=5a.$

c) $\exists x\in\mathbb{R}, x^2<0.$

d) $\forall x\in\mathbb{R}, x^2-1=0.$

Giải:

1)-

a) $\exists x\in\mathbb{Z}, x>3.$

Đây là mệnh đề đúng.

b) $\forall x\in\mathbb{N}, x\;\vdots\;2.$

Đây là mệnh đề sai.

2)-

a) Với mọi số nguyên $x,$ ta đều có $2x$ chia hết cho $2.$

Đây là mệnh đề đúng.

b) Tồn tại số thực $a$ sao cho $3a+1=5a.$

Đây là mệnh đề đúng. (Vì phương trình $3a+1=5a$ có nghiệm thực.)

c) Tồn tại số thực $x$ sao cho $x^2<0.$

Đây là mệnh đề sai. (Không có số thực $x$ nào để $x^2<0$ cả.)

d) Với mọi số thực $x,$ ta đều có $x^2-1=0.$

Đây là mệnh đề sai. (Khi $x=2$ thì $x^2-1=2^2-1=3\neq 0.)$

Xem tiếp bài trong cùng Series<< $\S\;$ 1.1. MỆNH ĐỀ VÀ MỆNH ĐỀ CHỨA BIẾN.$\S\;$ 1.3. MỆNH ĐỀ PHỦ ĐỊNH. >>
Chia sẻ nếu thấy hay:
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x