$\S\;$ 1.1. ĐƠN VỊ ĐO GÓC: ĐỘ VÀ RADIAN. ĐỘ DÀI CUNG TRÒN.

Chia sẻ nếu thấy hay:
Đây là bài số 1 trong tống số 9 bài của chuỗi bài viết [Bài học Toán 11 - Cơ bản - 01] HÀM SỐ LƯỢNG GIÁC. PHƯƠNG TRÌNH LƯỢNG GIÁC.

Đơn vị đo góc: độ và radian.

Ở các lớp dưới, ta thường sử dụng độ làm đơn vị đo góc. Hãy nhớ lại rằng một góc bẹt thì có số đo là $180^o.$

Đơn vị đo góc: độ và radian.

Ngoài đơn vị độ, người ta còn sử dụng đơn vị radian (đọc là “ra-đi-an”, viết tắt là rad) làm đơn vị đo góc. Công thức quy đổi từ radian sang độ là:

$1$ rad $=\left(\dfrac{180}{\pi}\right)^o.$

Công thức trên tương đương với:

$\pi$ rad $=180^o.$

Vậy góc bẹt có số đo là $\pi$ rad.

Cách đổi độ sang radian.

Ví dụ 1:

a) Đổi $\dfrac{\pi}{3}$ rad sang độ.

b) Đổi $20^o$ sang radian.

Giải:

a) Vì $\pi$ rad $=180^o$ nên

$\dfrac{\pi}{3}$ rad $=\left(\dfrac{180}{3}\right)^o=60^o.$

b) Vì $180^o=\pi$ rad nên $1^o=\dfrac{\pi}{180}$ rad. Do đó:

$20^o=20\cdot\dfrac{\pi}{180}$ rad $=\dfrac{\pi}{9}$ rad.

Mẹo: Để đổi từ độ sang rad (hoặc ngược lại), chỉ cần ghi nhớ:

$\pi$ rad $=180^o.$

Xem rad và độ như hai đại lượng tỷ lệ thuận, ta áp dụng quy tắc “tam suất” để tìm số đo còn lại.

Chú ý: Khi viết số đo của một góc theo đơn vị radian, người ta thường bỏ chữ radian hoặc rad sau số đo. Chẳng hạn, $\dfrac{\pi}{2}$ rad được viết là $\dfrac{\pi}{2};$ $2$ rad được viết là $2.$

Sau đây là bảng chuyển đổi số đo độ và số đo radian của một số góc đặc biệt trong phạm vi từ $0^o$ đến $180^o:$

Bảng chuyển đổi độ sang radian

Độ dài cung tròn.

Xét đường tròn bán kính $R.$

Ta đã biết nửa đường tròn có độ dài là $\pi R$ và có số đo là $\pi$ rad (vì góc ở tâm chắn nửa đường tròn là một góc bẹt).

Độ dài cung tròn.

Do đó, cung có số đo $1$ rad thì có độ dài là $\dfrac{\pi R}{\pi}=R.$

Suy ra, cung có số đo $\alpha$ rad thì có độ dài là $l=\alpha R.$

Công thức tính độ dài cung tròn.

Ví dụ 2: Trên một đường tròn có bán kính $36$ m, một cung tròn có số đo $\dfrac{3\pi}{4}$ thì có độ dài là bao nhiêu?

Giải:

$R=36; \alpha =\dfrac{3\pi}{4}$ $\Rightarrow l=\alpha R=\dfrac{3\pi}{4}\cdot 36=27\pi\approx 84,8.$

Vậy độ dài cung tròn cần tìm là khoảng $84,8$ m.

Lưu ý: Trong công thức $l=\alpha R$ thì $l$ và $R$ có cùng đơn vị đo.

Ví dụ 3: Xét cung tròn có số đo $45^o$ của đường tròn bán kính $52$ cm. Tính độ dài của cung tròn này.

Hướng dẫn:

Trong công thức tính độ dài cung tròn (đã đề cập ở trên), số đo góc $\alpha$ có đơn vị là rad. Vì vậy, nếu gặp số đo góc ở đơn vị độ, ta phải đổi nó sang đơn vị rad (trước khi áp dụng công thức tính độ dài cung tròn).

Giải:

Vì $180^o=\pi$ nên $45^o=\dfrac{45\pi}{180}=\dfrac{\pi}{4}.$

$\alpha=\dfrac{\pi}{4}; R=52$ $\Rightarrow l=\alpha R=\dfrac{\pi}{4}\cdot 52=13\pi\approx 40,8.$

Vậy độ dài cung tròn cần tìm là khoảng $40,8$ cm.

Mở rộng số đo góc đến $360^o.$

Vì nửa đường tròn có số đo là $180^o$ (hay $\pi$ rad) nên một cách tự nhiên, ta nói toàn bộ đường tròn có số đo là $360^o$ (hay $2\pi$ rad). Theo đó, mỗi góc ở tâm bất kỳ sẽ chắn đường tròn thành hai cung có tổng số đo bằng $360^o$ (hay $2\pi$ rad).

Chẳng hạn, trên đường tròn bất kỳ, nếu một góc ở tâm chắn cung nhỏ góc $45^o$ thì cung lớn có số đo là $360^o-45^o=315^o.$

Mở rộng số đo góc đến 360 độ.

Ví dụ 4: Kim giờ và kim phút của một đồng hồ lớn có độ dài lần lượt là $165$ cm và $225$ cm. Hỏi trong $40$ phút đầu tiên, kim giờ và kim phút lần lượt vạch nên cung tròn có số đo là bao nhiêu và có độ dài là bao nhiêu?

Giải:

Kim phút:

Kim phút quay hết một vòng trong $60$ phút. Do đó, trong $60$ phút, kim phút vạch nên cung tròn có số đo là $2\pi.$

Suy ra, trong $40$ phút đầu tiên, kim phút vạch nên cung tròn có số đo là $\alpha_P=\dfrac{40\cdot 2\pi}{60}=\dfrac{4\pi}{3}.$

Độ dài của kim phút là: $R_P=225$ cm.

Vậy trong $40$ phút đầu tiên, kim phút vạch nên cung tròn có độ dài là: $l_P=\alpha_P\cdot R_P$ $=\dfrac{4\pi}{3}\cdot 225$ $=300\pi\approx 942,48$ (cm).

Kim giờ:

Kim giờ quay hết một vòng trong $12\cdot 60=720$ phút. Do đó, trong $720$ phút, kim giờ vạch nên cung tròn có số đo là $2\pi.$

Suy ra, trong $40$ phút đầu tiên, kim giờ vạch nên cung tròn có số đo là $\alpha_G=\dfrac{40\cdot 2\pi}{720}=\dfrac{\pi}{9}.$

Độ dài kim giờ là $R_G=165$ cm.

Vậy trong $40$ phút đầu tiên, kim giờ vạch nên cung tròn có độ dài là: $l_G=\alpha_G\cdot R_G=\dfrac{\pi}{9}\cdot 165\approx 57,60$ (cm).

Bài tập:

1)- Đổi số đo góc $15^o$ sang radian.

2)- Đổi số đo góc $\dfrac{4\pi}{3}$ sang độ.

3)- Một đường tròn có đường kính bằng $20$ cm. Tính độ dài cung (trên đường tròn đó) có số đo $35^o$ (làm tròn đến $2$ chữ số thập phân).

4)- Trên đường tròn có bán kính $20$ cm, một cung có độ dài bằng $\dfrac{40}{3}$ cm thì có số đo bằng bao nhiêu?

Giải:

1)- $15^o=\dfrac{15\pi}{180}=\dfrac{\pi}{12}$

2)- $\dfrac{4\pi}{3}=\left(\dfrac{4\cdot 180}{3}\right)^o=240^o.$

3)- Đường kính bằng $20$ cm nên bán kính bằng $10$ cm.

Đổi sang rad: $35^o=\dfrac{35\pi}{180}=\dfrac{7\pi}{36}.$

$R=10; \alpha=\dfrac{7\pi}{36}$ $\Rightarrow l=\alpha R=\dfrac{7\pi}{36}\cdot 10=\dfrac{35\pi}{18}\approx 6,11$

Vậy độ dài cung tròn cần tìm là khoảng $6,11$ cm.

4)- $R=20; l=\dfrac{40}{3}$ $\Rightarrow \alpha=l\;:\;R=\dfrac{40}{3}\;:\;20=\dfrac{2}{3}.$

Vậy số đo cung tròn cần tìm là $\dfrac{2}{3}$ rad.

Xem tiếp bài trong cùng Series$\S\;$ 1.2. GÓC LƯỢNG GIÁC. >>
Chia sẻ nếu thấy hay:
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x