$\S\;$ 1.2. GÓC LƯỢNG GIÁC.

Chia sẻ nếu thấy hay:
Đây là bài số 2 trong tống số 9 bài của chuỗi bài viết [Bài học Toán 11 - Cơ bản - 01] HÀM SỐ LƯỢNG GIÁC. PHƯƠNG TRÌNH LƯỢNG GIÁC.

Góc quay của một tia.

Trong mặt phẳng, khi tia $Om$ quay quanh gốc $O$ của nó, người ta quy ước chiều quay ngược chiều kim đồng hồ là chiều dương, cùng chiều kim đồng hồ là chiều âm.

Góc quay - Góc lượng giác.

Nếu tia $Om$ quay đúng một vòng theo chiều dương thì ta nói $Om$ quay một góc $360^o$ (hay $2\pi$ rad); quay đúng một vòng theo chiều âm thì ta nói $Om$ quay một góc $-360^o$ (hay $-2\pi$ rad).

Ví dụ 1:

a) Khi tia $Om$ quay nửa vòng theo chiều dương thì nó đã quay góc bao nhiêu độ? bao nhiêu radian?

b) Khi tia $Om$ quay $\dfrac{6}{5}$ vòng theo chiều âm thì nó đã quay góc bao nhiêu độ? bao nhiêu radian?

Giải:

a) Khi tia $Om$ quay nửa vòng theo chiều dương thì nó đã quay góc: $\dfrac{1}{2}\cdot 360^o=180^o$ (hay $\dfrac{1}{2}\cdot 2\pi=\pi$ rad).

b) Khi tia $Om$ quay $\dfrac{6}{5}$ vòng theo chiều âm thì nó đã quay góc: $\dfrac{6}{5}\cdot (-360^o)=-432^o$ (hay $\dfrac{6}{5}\cdot (-2\pi)=\dfrac{-12\pi}{5}$ rad).

Ví dụ 2: Một bánh xe có $72$ răng. Số đo góc mà bánh xe đã quay được khi di chuyển $10$ răng là bao nhiêu độ? bao nhiêu radian?

Giải:

Ta có: $72$ răng tương ứng với $360^o$ (hay $2\pi).$

Do đó, số đo góc mà bánh xe đã quay được khi di chuyển $10$ răng là: $\dfrac{10\cdot 360^o}{72}=50^o$ (hay $\dfrac{10\cdot 2\pi}{72}=\dfrac{5\pi}{18}).$

Góc lượng giác.

Cho trước hai tia $Oa, Ob.$

Nếu tia $Om$ quay quanh gốc $O$ của nó chỉ theo một chiều nhất định, bắt đầu từ vị trí tia $Oa$ và dừng lại ở vị trí tia $Ob$ thì tia nói tia $Om$ quét một góc lượng giác với tia đầu $Oa$ và tia cuối $Ob.$

Góc lượng giác.

Khi quay quanh $O,$ tia $Om$ có thể gặp tia $Ob$ nhiều lần, mỗi lần như vậy đều cho ta một góc lượng giác có tia đầu $Oa$ và tia cuối $Ob.$ Do đó, với hai tia $Oa,Ob$ cho trước, có vô số góc lượng giác với tia đầu $Oa$ và tia cuối $Ob.$ Mỗi góc lượng giác như thế đều được ký hiệu là $(Oa,Ob).$

Khi tia $Om$ quay một góc $\alpha$ (chỉ theo một chiều) thì ta nói góc lượng giác mà tia đó quét nên có số đo là $\alpha$ (đơn vị là độ hoặc rad). Vì vậy, mỗi góc lượng giác đều có một số đo. Nếu góc lượng giác $(Oa,Ob)$ có số đo là $\alpha$ thì ta viết $sđ(Oa,Ob)=\alpha.$

Chẳng hạn, hình sau đây thể hiện góc lượng giác $(Oa,Ob):$

Góc lượng giác có số đo dương.

Trong đó, tia $Om$ quay một góc $90^o$ và quay thêm một vòng nữa theo chiều dương nên $sđ(Oa,Ob)=90^o+360^o=450^o.$

Ví dụ 3: Tìm số đo của góc lượng giác $(Oa,Ob)$ thể hiện trong hình sau đây, biết góc hình học $\widehat{aOb}=\dfrac{\pi}{6}.$

Góc lượng giác có số đo âm.

Giải:

Ta thấy tia $Om$ quay một góc $-\dfrac{\pi}{6}$ và quay thêm hai vòng nữa theo chiều âm nên $sđ(Oa,Ob)=-\dfrac{\pi}{6}-2\cdot 2\pi=-\dfrac{25\pi}{6}.$

Số đo của các góc lượng giác có cùng tia đầu và tia cuối thì sai khác nhau một bội nguyên của $360^o$ (hay $2\pi).$ Do đó, nếu một góc lượng giác có số đo $a^o$ (hay $\alpha$ rad) thì các góc lượng giác có cùng tia đầu, tia cuối với nó đều có dạng: $a^o+k360^o$ (hay $\alpha+k2\pi),$ với $k$ là số nguyên.

Chú ý rằng không được viết $\alpha +k360^o$ hoặc $a^o+k2\pi,$ vì không cùng đơn vị đo.

Chẳng hạn, xét góc hình học $\widehat{sOt}=45^o$ như trong hình sau:

Khi đó:

+) Số đo của các góc lượng giác có tia đầu $Os,$ tia cuối $Ot$ đều có dạng: $45^o+k360^o$ với $k\in\mathbb{Z}.$

+) Số đo của các góc lượng giác có tia đầu $Ot,$ tia cuối $Os$ đều có dạng: $-45^o+m360^o$ với $m\in\mathbb{Z}.$

Ví dụ 4: Chứng minh rằng: với hai góc lượng giác có số đo lần lượt là $\dfrac{10\pi}{3}$ và $\dfrac{22\pi}{3},$ nếu chúng có cùng tia đầu thì có cùng tia cuối.

Giải:

Ta có: $\dfrac{22\pi}{3}-\dfrac{10\pi}{3}=4\pi=2\cdot 2\pi.$

Nghĩa là $\dfrac{10\pi}{3}$ và $\dfrac{22\pi}{3}$ sai khác nhau một bội nguyên của $2\pi.$

Do đó, với hai góc lượng giác có số đo lần lượt là $\dfrac{10\pi}{3}$ và $\dfrac{22\pi}{3},$ nếu chúng có cùng tia đầu thì có cùng tia cuối.

Bài tập:

1)- Cho góc lượng giác $(Ou,Ov)$ có số đo $-\dfrac{\pi}{7}.$ Trong các số $-\dfrac{29\pi}{7};$ $-\dfrac{22\pi}{7};$ $\dfrac{6\pi}{7};$ $\dfrac{41\pi}{7},$ những số nào là số đo của một góc lượng giác có cùng tia đầu và tia cuối với góc đã cho?

2)- Bánh xe của người đi xe đạp quay được $12$ vòng trong $5$ giây. Tính góc (theo độ và theo radian) mà bánh xe quay được trong $1$ giây.

Giải:

1)- Các số $-\dfrac{29\pi}{7}$ và $\dfrac{41\pi}{7}$ sai khác $-\dfrac{\pi}{7}$ một bội nguyên của $2\pi$ nên là số đo của góc lượng giác có cùng tia đầu $Ou$ và tia cuối $Ov.$

2)- Số vòng quay được trong $1$ giây là $\dfrac{12}{5}$ vòng, tương ứng với góc $\dfrac{12}{5}\cdot 360^o=864^o$ hay $\dfrac{12}{5}\cdot 2\pi=\dfrac{24\pi}{5}.$

Vậy bánh xe quay được góc $864^o$ hay $\dfrac{24\pi}{5}$ trong $1$ giây.

Xem tiếp bài trong cùng Series<< $\S\;$ 1.1. ĐƠN VỊ ĐO GÓC: ĐỘ VÀ RADIAN. ĐỘ DÀI CUNG TRÒN.$\S\;$ 1.3. HỆ THỨC CHALES (SA-LƠ). >>
Chia sẻ nếu thấy hay:
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x