$\S\;$ 1.7. CÔNG THỨC LIÊN HỆ GIỮA CÁC GIÁ TRỊ LƯỢNG GIÁC.
Cho trước một góc lượng giác $\alpha.$ Ta đi tìm mối liên hệ giữa các giá trị lượng giác của góc $\alpha.$ Dựa vào đó, nếu cho trước một giá trị lượng giác của góc $\alpha,$ ta có thể tính được các giá trị lượng giác còn lại (nếu biết được dấu của chúng).
Trên đường tròn lượng giác, gọi $M(x_M;y_M)$ là điểm biểu diễn góc lượng giác $\alpha.$

(1) Ta có: $(x_M)^2+(y_M)^2=OM^2=1.$ Suy ra: $\cos^2\alpha+\sin^2\alpha=1.$
(2) Khi $\tan\alpha$ và $\cot\alpha$ đều xác định, ta có: $\tan\alpha\cdot\cot\alpha=\dfrac{\sin\alpha}{\cos\alpha}\cdot\dfrac{\cos\alpha}{\sin\alpha}=1.$
(3) $(1+\tan^2\alpha)\cdot\cos^2\alpha$ $=\left(1+\dfrac{\sin^2\alpha}{\cos^2\alpha}\right)\cdot\cos^2\alpha$ $=\cos^2\alpha+\sin^2\alpha$ $=1.$
Tương tự, ta cũng có: $(1+\cot^2\alpha)\cdot\sin^2\alpha=1.$
Tóm lại, giả sử các giá trị lượng giác của $\alpha$ đều xác định, ta có các công thức liên hệ giữa các giá trị lượng giác (còn gọi là công thức lượng giác cơ bản) như sau:
(1) $\cos^2\alpha+\sin^2\alpha=1.$
(2) $\tan\alpha\cdot\cot\alpha=1.$
(3) $(1+\tan^2\alpha)\cdot\cos^2\alpha=1$ và $(1+\cot^2\alpha)\cdot\sin^2\alpha=1.$
Ví dụ 1: Cho góc $\alpha$ thỏa $\pi < \alpha < \dfrac{3\pi}{2}$ và $\sin\alpha=-\dfrac{4}{5}.$
Tính các giá trị lượng giác còn lại của góc $\alpha.$
Giải:
Vì $\cos^2\alpha+\sin^2\alpha=1$ nên $\cos^2\alpha=1-\sin^2\alpha=1-\dfrac{16}{25}=\dfrac{9}{25}.$
Vì $\pi < \alpha < \dfrac{3\pi}{2}$ nên điểm biểu diễn góc $\alpha$ thuộc góc phần tư thứ $III.$ Do đó, $\cos\alpha < 0.$
Từ $\cos^2\alpha=\dfrac{9}{25}$ và $\cos\alpha < 0,$ ta suy ra: $\cos\alpha = -\sqrt{\dfrac{9}{25}}=-\dfrac{3}{5}.$
Ta có: $\tan\alpha=\dfrac{\sin\alpha}{\cos\alpha}$ $=\dfrac{-\dfrac{4}{5}}{-\dfrac{3}{5}}$ $=\dfrac{4}{3}.$
Vì $\tan\alpha\cdot\cot\alpha=1$ nên $\cot\alpha=\dfrac{1}{\tan\alpha}=\dfrac{3}{4}.$
Ví dụ 2: Cho góc $\alpha$ thỏa $\dfrac{3\pi}{2} < \alpha < 2\pi$ và $\tan\alpha = -\dfrac{3}{4}.$ Tính các giá trị lượng giác còn lại của góc $\alpha.$
Giải:
+) Vì $\tan\alpha\cdot\cot\alpha=1$ nên $\cot\alpha=\dfrac{1}{\tan\alpha}=-\dfrac{4}{3}.$
+) Vì $(1+\tan^2\alpha)\cdot\cos^2\alpha=1$ nên
$\cos^2\alpha$ $=\dfrac{1}{1+\tan^2\alpha}$ $=\dfrac{1}{1+\dfrac{9}{16}}$ $=\dfrac{1}{\dfrac{25}{16}}$ $=\dfrac{16}{25}.$
Vì $\dfrac{3\pi}{2} < \alpha < 2\pi$ nên điểm biểu diễn góc $\alpha$ thuộc góc phần tư thứ $IV.$ Do đó, $\cos\alpha > 0.$
Vì $\cos^2\alpha=\dfrac{16}{25}$ và $\cos\alpha > 0$ nên $\cos\alpha=\sqrt{\dfrac{16}{25}}=\dfrac{4}{5}.$
+) Vì $\tan\alpha=\dfrac{\sin\alpha}{\cos\alpha}$ nên $\sin\alpha=\tan\alpha\cdot\cos\alpha=\left(-\dfrac{3}{4}\right)\cdot\dfrac{4}{5}=-\dfrac{3}{5}.$
Ví dụ 3: Cho góc $\alpha$ thỏa $5\pi < \alpha < \dfrac{11\pi}{2}$ và $\tan\alpha=\dfrac{2}{3}.$ Tính $\sin\alpha.$
Giải:
Vì $(1+\tan^2\alpha)\cdot\cos^2\alpha=1$ nên
$\cos^2\alpha$ $=\dfrac{1}{1+\tan^2\alpha}$ $=\dfrac{1}{1+\dfrac{4}{9}}$ $=\dfrac{1}{\dfrac{13}{9}}$ $=\dfrac{9}{13}.$
Ta có: $5\pi < \alpha < \dfrac{11\pi}{2}$ $\Leftrightarrow 5\pi-4\pi < \alpha-4\pi < \dfrac{11\pi}{2}-4\pi$ $\Leftrightarrow \pi < \alpha-4\pi < \dfrac{3\pi}{2}.$
Vậy điểm biểu diễn góc $\alpha-4\pi$ thuộc góc phần tư thứ $III.$ Mà góc $\alpha-4\pi$ có chung điểm biểu diễn với góc $\alpha.$ Suy ra: điểm biểu diễn góc $\alpha$ thuộc góc phần tư thứ $III.$
Do đó, $\cos\alpha < 0.$
Vì $\cos^2\alpha=\dfrac{9}{13}$ và $\cos\alpha < 0$ nên $\cos\alpha=-\sqrt{\dfrac{9}{13}}=\dfrac{-3}{\sqrt{13}}.$
Vì $\tan\alpha=\dfrac{\sin\alpha}{\cos\alpha}$ nên
$\sin\alpha$ $=\tan\alpha\cdot\cos\alpha$ $=\dfrac{2}{3}\cdot\dfrac{-3}{\sqrt{13}}$ $=\dfrac{-2}{\sqrt{13}}.$
Sử dụng các nửa đường tròn lượng giác, ta có thể biết được dấu của một số giá trị lượng giác:
- Nếu điểm biểu diễn góc $\alpha$ thuộc nửa đường tròn phía trên trục $Ox$ thì $\sin\alpha > 0;$ nếu thuộc nửa đường tròn phía dưới trục $Ox$ thì $\sin\alpha < 0.$
- Nếu điểm biểu diễn góc $\alpha$ thuộc nửa đường tròn phía bên phải trục $Oy$ thì $\cos\alpha > 0;$ nếu thuộc nửa đường tròn phía bên trái trục $Oy$ thì $\cos\alpha < 0.$
Ví dụ 4: Cho góc $\alpha$ thỏa $0 < \alpha < \pi$ và $\cot\alpha=-2.$ Tính các giá trị lượng giác còn lại của góc $\alpha.$
Giải:
+) Vì $\tan\alpha\cdot\cot\alpha=1$ nên $\tan\alpha=\dfrac{1}{\cot\alpha}=\dfrac{-1}{2}.$
+) Vì $(1+\cot^2\alpha)\cdot\sin^2\alpha=1$ nên
$\sin^2\alpha$ $=\dfrac{1}{1+\cot^2\alpha}$ $=\dfrac{1}{1+4}$ $=\dfrac{1}{5}.$
Vì $0 < \alpha < \pi$ nên điểm biểu diễn góc $\alpha$ thuộc nửa đường tròn phía trên trục $Ox.$ Do đó, $\sin\alpha > 0.$
Vì $\sin^2\alpha=\dfrac{1}{5}$ và $\sin\alpha > 0$ nên $\sin\alpha=\sqrt{\dfrac{1}{5}}=\dfrac{1}{\sqrt{5}}.$
+) Vì $\cot\alpha=\dfrac{\cos\alpha}{\sin\alpha}$ nên
$\cos\alpha$ $=\cot\alpha\cdot\sin\alpha$ $=(-2)\cdot\dfrac{1}{\sqrt{5}}$ $=\dfrac{-2}{\sqrt{5}}.$
Bài tập:
1)- Tính các giá trị lượng giác của góc $\alpha$ trong mỗi trường hợp sau:
a) $\cos\alpha=\dfrac{1}{4},$ $\sin\alpha < 0.$
b) $\sin\alpha=-\dfrac{1}{3},$ $\dfrac{\pi}{2} < \alpha < \dfrac{3\pi}{2}.$
c) $\cos\alpha=\dfrac{3}{4},$ $-\dfrac{\pi}{2} < \alpha < 0.$
d) $\tan\alpha=\dfrac{1}{2},$ $-\pi < \alpha < 0.$
2)- Tính các giá trị lượng giác của góc $\alpha$ trong mỗi trường hợp sau:
a) $\sin\alpha=\dfrac{1}{3},$ $90^o < \alpha < 180^o.$
b) $\tan\alpha=-2\sqrt{2},$ $0 < \alpha < 180^o.$
3)- Cho góc $\alpha$ sao cho $\cos\alpha\neq 0.$ Chứng minh rằng: $\dfrac{2\sin^2\alpha+\cos^2\alpha+1}{\cos^2\alpha}=3\tan^2\alpha+2.$
Giải:
1)-
a) $\cos\alpha=\dfrac{1}{4},$ $\sin\alpha < 0.$
Vì $\cos^2\alpha+\sin^2\alpha=1$ nên $\sin^2\alpha=1-\cos^2\alpha=\dfrac{15}{16}.$ Mà $\sin\alpha < 0$ nên $\sin\alpha=-\sqrt{\dfrac{15}{16}}=-\dfrac{\sqrt{15}}{4}.$
$\tan\alpha=\dfrac{\sin\alpha}{\cos\alpha}=-\sqrt{15}.$
$\cot\alpha=\dfrac{1}{\tan\alpha}=-\dfrac{1}{\sqrt{15}}.$
b) $\sin\alpha=-\dfrac{1}{3},$ $\dfrac{\pi}{2} < \alpha < \dfrac{3\pi}{2}.$
$\cos^2\alpha=1-\sin^2\alpha=\dfrac{8}{9}.$
Vì $\dfrac{\pi}{2} < \alpha < \dfrac{3\pi}{2}$ nên điểm biểu diễn góc $\alpha$ thuộc nửa đường tròn phía bên trái trục $Oy.$ Do đó, $\cos\alpha < 0.$
Suy ra $\cos\alpha=-\sqrt{\dfrac{8}{9}}=-\dfrac{2\sqrt{2}}{3}.$
$\tan\alpha=\dfrac{\sin\alpha}{\cos\alpha}=\dfrac{1}{2\sqrt{2}}.$
$\cot\alpha=\dfrac{1}{\tan\alpha}=2\sqrt{2}.$
c) $\cos\alpha=\dfrac{3}{4},$ $-\dfrac{\pi}{2} < \alpha < 0.$
$\sin^2\alpha=1-\cos^2\alpha=\dfrac{7}{16}.$
Vì $-\dfrac{\pi}{2} < \alpha < 0$ nên điểm biểu diễn góc $\alpha$ thuộc góc phần tư thứ $IV.$ Do đó, $\sin\alpha < 0.$
Suy ra $\sin\alpha=-\sqrt{\dfrac{7}{16}}=-\dfrac{\sqrt{7}}{4}.$
$\tan\alpha=\dfrac{\sin\alpha}{\cos\alpha}=-\dfrac{\sqrt{7}}{3}.$
$\cot\alpha=\dfrac{1}{\tan\alpha}=-\dfrac{3}{\sqrt{7}}.$
d) $\tan\alpha=\dfrac{1}{2},$ $-\pi < \alpha < 0.$
$\cot\alpha=\dfrac{1}{\tan\alpha}=2.$
Vì $(1+\cot^2\alpha)\cdot\sin^2\alpha=1$ nên $\sin^2\alpha=\dfrac{1}{1+\cot^2\alpha}=\dfrac{1}{5}.$
Vì $-\pi < \alpha < 0$ nên điểm biểu diễn góc $\alpha$ thuộc nửa đường tròn phía dưới trục $Ox.$ Do đó, $\sin\alpha < 0.$
Suy ra $\sin\alpha = -\sqrt{\dfrac{1}{5}}=-\dfrac{1}{\sqrt{5}}.$
$\cos\alpha=\cot\alpha\cdot\sin\alpha=-\dfrac{2}{\sqrt{5}}.$
2)-
a) $\sin\alpha=\dfrac{1}{3},$ $90^o < \alpha < 180^o.$
Ta có: $\cos^2\alpha=1-\sin^2\alpha=\dfrac{8}{9}.$
Vì $90^o < \alpha < 180^o$ nên điểm biểu diễn góc $\alpha$ thuộc góc phần tư thứ $II.$ Do đó, $\cos\alpha < 0.$
Suy ra $\cos\alpha = -\sqrt{\dfrac{8}{9}}=-\dfrac{2\sqrt{2}}{3}.$
$\tan\alpha = \dfrac{\sin\alpha}{\cos\alpha}=-\dfrac{1}{2\sqrt{2}}.$
$\cot\alpha=\dfrac{1}{\tan\alpha}=-2\sqrt{2}.$
b) $\tan\alpha=-2\sqrt{2},$ $0 < \alpha < 180^o.$
$\cot\alpha=\dfrac{1}{\tan\alpha}=-\dfrac{1}{2\sqrt{2}}.$
Ta có: $\sin^2\alpha$ $=\dfrac{1}{1+\cot^2\alpha}$ $=\dfrac{1}{1+\dfrac{1}{8}}$ $=\dfrac{8}{9}.$
Vì $0 < \alpha < 180^o$ nên điểm biểu diễn góc $\alpha$ thuộc nửa đường tròn phía trên trục $Ox.$ Do đó, $\sin\alpha > 0.$
Vì $\sin^2\alpha=\dfrac{8}{9}$ và $\sin\alpha > 0$ nên $\sin\alpha=\sqrt{\dfrac{8}{9}}=\dfrac{2\sqrt{2}}{3}.$
Vì $\cot\alpha=\dfrac{\cos\alpha}{\sin\alpha}$ nên $\cos\alpha = \cot\alpha\cdot\sin\alpha=\left(-\dfrac{1}{2\sqrt{2}}\right)\cdot\dfrac{2\sqrt{2}}{3}=\dfrac{-1}{3}.$
3)-
Ta có: $2\sin^2\alpha+\cos^2\alpha+1$ $=2\sin^2\alpha+\cos^2\alpha+(\sin^2\alpha+\cos^2\alpha)$ $=3\sin^2\alpha+2\cos^2\alpha.$
Suy ra: $\dfrac{2\sin^2\alpha+\cos^2\alpha+1}{\cos^2\alpha}=\dfrac{3\sin^2\alpha+2\cos^2\alpha}{\cos^2\alpha}=3\tan^2\alpha+2.$
Vậy ta có điều phải chứng minh.
(Lưu ý rằng điều kiện $\cos\alpha\neq 0$ là để các biểu thức trong đề bài xác định.)