$\S\;$ 1.8. CÔNG THỨC CỘNG. CÔNG THỨC GÓC NHÂN ĐÔI. CÔNG THỨC HẠ BẬC.
Trong bài này, ta tìm cách biểu diễn các giá trị lượng giác của góc $a+b$ (hoặc $a-b)$ sang các giá trị lượng giác của góc $a$ và góc $b.$ Dựa vào đó, ta cũng thiết lập được các công thức góc nhân đôi $(2\alpha),$ và công thức hạ bậc. Lưu ý rằng, ta giả thiết các giá trị lượng giác được đề cập sau đây đều xác định.
Công thức cộng.
Cho trước các góc lượng giác $a,b.$ Người ta chứng minh được các công thức biểu diễn $\cos(a\pm b),$ $\sin(a\pm b),$ $\tan(a\pm b)$ qua các giá trị lượng giác của các góc $a$ và $b$ (được gọi là công thức cộng) như sau:
- $\cos(a+b)=\cos a\cos b-\sin a\sin b;$
- $\cos(a-b)=\cos a\cos b+\sin a\sin b;$
- $\sin(a+b)=\sin a\cos b+\cos a\sin b;$
- $\sin(a-b)=\sin a\cos b-\cos a\sin b;$
- $\tan(a+b)=\dfrac{\tan a+\tan b}{1-\tan a\tan b};$
- $\tan(a-b)=\dfrac{\tan a-\tan b}{1+\tan a\tan b}.$
Ví dụ 1: Cho $\sin\alpha=\dfrac{3}{\sqrt{10}}$ với $\dfrac{\pi}{2} < \alpha < \pi.$
a) Tính $\cos\alpha$ và $\tan\alpha.$
b) Tính $\cos\left(\alpha-\dfrac{\pi}{4}\right),$ $\sin\left(\dfrac{\pi}{6}+\alpha\right),$ $\tan\left(\dfrac{\pi}{3}-\alpha\right).$
Giải:
a) Ta có: $\cos^2\alpha=1-\sin^2\alpha$ $=1-\dfrac{9}{10}=\dfrac{1}{10}.$
Vì $\dfrac{\pi}{2} < \alpha < \pi$ nên $\cos\alpha < 0.$
Suy ra: $\cos\alpha = -\sqrt{\dfrac{1}{10}}=\dfrac{-1}{\sqrt{10}};$
$\tan\alpha=\dfrac{\sin\alpha}{\cos\alpha}=-3.$
b) Áp dụng các công thức cộng, ta có:
+) $\cos\left(\alpha-\dfrac{\pi}{4}\right)$ $=\cos\alpha\cos\dfrac{\pi}{4}+\sin\alpha\sin\dfrac{\pi}{4}$ $= \dfrac{-1}{\sqrt{10}}\cdot\dfrac{\sqrt{2}}{2}+\dfrac{3}{\sqrt{10}}\cdot\dfrac{\sqrt{2}}{2}$ $=\dfrac{1}{\sqrt{5}}.$
+) $\sin\left(\dfrac{\pi}{6}+\alpha\right)$ $=\sin\dfrac{\pi}{6}\cos\alpha+\cos\dfrac{\pi}{6}\sin\alpha$ $=\dfrac{1}{2}\cdot\dfrac{-1}{\sqrt{10}}+\dfrac{\sqrt{3}}{2}\cdot\dfrac{3}{\sqrt{10}}$ $=\dfrac{3\sqrt{3}-1}{2\sqrt{10}}.$
+) $\tan\left(\dfrac{\pi}{3}-\alpha\right)$ $=\dfrac{\tan\dfrac{\pi}{3}-\tan\alpha}{1+\tan\dfrac{\pi}{3}\tan\alpha}$ $=\dfrac{\sqrt{3}-(-3)}{1+\sqrt{3}\cdot(-3)}$ $=\dfrac{\sqrt{3}+3}{1-3\sqrt{3}}.$
Công thức góc nhân đôi.
Từ các công thức cộng đã đề cập phía trên, ta có thể suy ra các giá trị lượng giác của góc $2\alpha$ (góc nhân đôi).
Chẳng hạn: $\sin2\alpha = \sin(\alpha+\alpha)$ $= \sin\alpha\cos\alpha+\cos\alpha\sin\alpha$ $= 2\sin\alpha\cos\alpha.$
Bằng cách thức tương tự, ta có thể chứng minh được các công thức sau (được gọi là công thức góc nhân đôi):
- $\sin 2\alpha=2\sin\alpha\cos\alpha;$
- $\cos 2\alpha=\cos^2\alpha-\sin^2\alpha$ $=2\cos^2\alpha-1$ $=1-2\sin^2\alpha;$
- $\tan 2\alpha=\dfrac{2\tan\alpha}{1-\tan^2\alpha}.$
Nhận xét: Áp dụng công thức góc nhân đôi, ta tính được các giá trị lượng giác của góc $2\alpha$ thông qua các giá trị lượng giác của góc $\alpha.$
Ví dụ 2: Cho góc $\alpha$ thỏa $\dfrac{\pi}{2} < \alpha < \pi$ và $\sin\alpha=\dfrac{1}{\sqrt{3}}.$
a) Tính $\cos\alpha.$
b) Tính các giá trị lượng giác của góc $2\alpha.$
Giải:
a) Ta có: $\cos^2\alpha=1-\sin^2\alpha$ $=1-\dfrac{1}{3}=\dfrac{2}{3}.$
Vì $\dfrac{\pi}{2} < \alpha < \pi$ nên $\cos\alpha < 0.$
Suy ra $\cos\alpha=-\sqrt{\dfrac{2}{3}}=\dfrac{-\sqrt{2}}{\sqrt{3}}.$
b) Áp dụng các công thức góc nhân đôi, ta có:
+) $\sin 2\alpha=2\sin\alpha\cos\alpha$ $=2\cdot\dfrac{1}{\sqrt{3}}\cdot\dfrac{-\sqrt{2}}{\sqrt{3}}$ $=\dfrac{-2\sqrt{2}}{3}.$
+) $\cos 2\alpha=\cos^2\alpha-\sin^2\alpha$ $=\dfrac{2}{3}-\dfrac{1}{3}$ $=\dfrac{1}{3}.$
Suy ra:
+) $\tan 2\alpha=\dfrac{\sin 2\alpha}{\cos 2\alpha}=-2\sqrt{2}.$
+) $\cot 2\alpha=\dfrac{1}{\tan 2\alpha}=\dfrac{-1}{2\sqrt{2}}.$
Công thức hạ bậc.
Dựa vào các công thức góc nhân đôi, ta suy ra các công thức hạ bậc.
+) Từ $\cos 2\alpha=2\cos^2\alpha-1,$ ta suy ra $\cos^2\alpha=\dfrac{1+\cos 2\alpha}{2}.$
+) Từ $\cos 2\alpha=1-2\sin^2\alpha,$ ta suy ra $\sin^2\alpha=\dfrac{1-\cos 2\alpha}{2}.$
Nhận xét: Áp dụng công thức hạ bậc, nếu biết được các giá trị lượng giác của góc $2\alpha,$ ta tính được các giá trị lượng giác của góc $\alpha.$
Ví dụ 3:
a) Tính $\cos^2\dfrac{\pi}{8}.$ Từ đó suy ra $\cos\dfrac{\pi}{8}.$
b) Tính $\sin\dfrac{\pi}{8}$ và $\tan\dfrac{\pi}{8}.$
Giải:
a) $\cos^2\dfrac{\pi}{8}=\dfrac{1+\cos\left(2\cdot\dfrac{\pi}{8}\right)}{2}$ $=\dfrac{1+\cos\dfrac{\pi}{4}}{2}$ $=\dfrac{1+\dfrac{\sqrt{2}}{2}}{2}$ $=\dfrac{2+\sqrt{2}}{4}.$
Vì $0 < \dfrac{\pi}{8} < \dfrac{\pi}{2}$ nên $\cos\dfrac{\pi}{8} > 0.$
Suy ra $\cos\dfrac{\pi}{8}=\dfrac{\sqrt{2+\sqrt{2}}}{2}.$
b) $\sin^2\dfrac{\pi}{8}=\dfrac{1-\cos\left(2\cdot\dfrac{\pi}{8}\right)}{2}$ $=\dfrac{1-\cos\dfrac{\pi}{4}}{2}$ $=\dfrac{1-\dfrac{\sqrt{2}}{2}}{2}$ $=\dfrac{2-\sqrt{2}}{4}.$
Vì $0 < \dfrac{\pi}{8} < \dfrac{\pi}{2}$ nên $\sin\dfrac{\pi}{8} > 0.$
Suy ra $\sin\dfrac{\pi}{8}=\dfrac{\sqrt{2-\sqrt{2}}}{2}.$
$\tan\dfrac{\pi}{8}=\dfrac{\sin\dfrac{\pi}{8}}{\cos\dfrac{\pi}{8}}=\sqrt{\dfrac{2-\sqrt{2}}{2+\sqrt{2}}}.$
Ví dụ 4: Tính các giá trị lượng giác của góc $15^o.$
Giải:
Ta có: $2\cdot 15^o=30^o.$
Do đó, áp dụng công thức hạ bậc, ta được:
$\sin^2 15^o=\dfrac{1-\cos 30^o}{2}$ $=\dfrac{1-\dfrac{\sqrt{3}}{2}}{2}=\dfrac{2-\sqrt{3}}{4}.$
Suy ra: $\cos^2 15^o=1-\sin^2 15^o=1-\dfrac{2-\sqrt{3}}{4}=\dfrac{2+\sqrt{3}}{4}.$
Mặt khác, do $0^o < 15^o < 90^o$ nên $\sin 15^o > 0$ và $\cos 15^o > 0.$
Suy ra $\sin 15^o =\dfrac{\sqrt{2-\sqrt{3}}}{2}$ và $\cos 15^o =\dfrac{\sqrt{2+\sqrt{3}}}{2}.$
Suy ra $\tan 15^o=\dfrac{\sin 15^o}{\cos 15^o}=\sqrt{\dfrac{2-\sqrt{3}}{2+\sqrt{3}}}$ và $\cot 15^o=\dfrac{1}{\tan 15^o}=\sqrt{\dfrac{2+\sqrt{3}}{2-\sqrt{3}}}.$
Bài tập:
1)- Tính cô-sin của góc $75^o$ và của góc $795^o.$
2)- Tính sin của góc $\dfrac{73\pi}{12}.$
3)- Biết $\cos\alpha=\dfrac{1}{3}$ và $\dfrac{3\pi}{2} < \alpha < 2\pi.$ Hãy tính $\cot 2\alpha.$
Giải:
1)- Tính cô-sin của góc $75^o$ và của góc $795^o.$
Cách 1: (ÁP DỤNG CÔNG THỨC HẠ BẬC)
Để ý: $2\cdot 75^o=150^o.$
Ta có: $\cos 150^o=\cos(2\cdot 75^o)=2\cos^2 75^o-1.$
Suy ra: $\cos^2 75^o=\dfrac{1+\cos 150^o}{2}$
Mặt khác, vì góc bù của góc $150^o$ là góc $180^o-150^o=30^o$ nên $\cos 150^o=-\cos 30^o=-\dfrac{\sqrt{3}}{2}.$
Do đó: $\cos^2 75^o=\dfrac{1-\dfrac{\sqrt{3}}{2}}{2}=\dfrac{2-\sqrt{3}}{4}.$
Vì điểm biểu diễn góc $75^o$ thuộc góc phần tư thứ $I$ nên $\cos 75^o > 0.$
Suy ra $\cos 75^o=\sqrt{\dfrac{2-\sqrt{3}}{4}}=\dfrac{\sqrt{2-\sqrt{3}}}{2}.$
Để ý: $795^o=75^o+2\cdot 360^o.$
Suy ra: $\cos 795^o=\cos(75^o+2\cdot 360^o)=\cos 75^o$ $=\dfrac{\sqrt{2-\sqrt{3}}}{2}.$
Cách 2: (ÁP DỤNG CÔNG THỨC CỘNG)
Để ý: $75^o=30^o+45^o.$
Ta có: $\cos 75^o=\cos(30^o+45^o)$ $=\cos 30^o\cos 45^o-\sin 30^o\sin 45^o$ $=\dfrac{\sqrt{3}}{2}\cdot\dfrac{\sqrt{2}}{2}-\dfrac{1}{2}\cdot\dfrac{\sqrt{2}}{2}$ $=\dfrac{\sqrt{6}-\sqrt{2}}{4}.$
$\cos 795^o=\cos75^o=\dfrac{\sqrt{6}-\sqrt{2}}{4}.$
Lưu ý: Bằng cách rút gọn các biểu thức chứa căn (đã học ở cấp II), ta có thể chứng minh được các kết quả ở Cách 1 và Cách 2 là bằng nhau.
2)- Ta có: $\sin\dfrac{73\pi}{12}=\sin\left(\dfrac{\pi}{12}+6\pi\right)=\sin\dfrac{\pi}{12}.$
Áp dụng công thức hạ bậc: $\sin^2\dfrac{\pi}{12}=\dfrac{1-\cos\dfrac{\pi}{6}}{2}$ $=\dfrac{1-\dfrac{\sqrt{3}}{2}}{2}$ $=\dfrac{2-\sqrt{3}}{4}.$
Vì $0 < \dfrac{\pi}{12} < \dfrac{\pi}{2}$ nên $\sin\dfrac{\pi}{12} > 0.$
Do đó: $\sin\dfrac{\pi}{12}=\dfrac{\sqrt{2-\sqrt{3}}}{2}.$
Suy ra: $\sin\dfrac{73\pi}{12}=\dfrac{\sqrt{2-\sqrt{3}}}{2}.$
Lưu ý: Ta cũng có thể áp dụng công thức cộng (tương tự bài tập 1) để làm bài này. Để ý: $\dfrac{\pi}{12}=\dfrac{\pi}{3}-\dfrac{\pi}{4}.$
3)- Vì $(1+\tan^2\alpha)\cos^2\alpha=1$ nên $\tan^2\alpha=\dfrac{1}{\cos^2\alpha}-1=8.$
Vì $\dfrac{3\pi}{2} < \alpha < 2\pi$ nên $\tan\alpha < 0.$
Suy ra $\tan\alpha=-\sqrt{8}.$
Áp dụng công thức góc nhân đôi: $\tan 2\alpha=\dfrac{2\tan\alpha}{1-\tan^2\alpha}$ $=\dfrac{2(-\sqrt{8})}{1-(-\sqrt{8})^2}$ $=\dfrac{4\sqrt{2}}{7}.$
Suy ra: $\cot 2\alpha=\dfrac{1}{\tan 2\alpha}=\dfrac{7}{4\sqrt{2}}.$