Bài tập TOÁN 6 (CT mới) – Chuyên đề TẬP HỢP.

Các bài tập sau đây phù hợp với cả ba bộ sách của chương trình Toán lớp 6 mới: CÁNH DIỀU, CHÂN TRỜI SÁNG TẠO, KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG. Tải file pdf: https://uploading.vn/ye3e2jpslxae Mức độ DỄ: BT 1: Viết tập hợp A các chữ cái tiếng Việt trong từ “PHƯƠNG PHÁP”. Lưu ý: […]

Các bài tập sau đây phù hợp với cả ba bộ sách của chương trình Toán lớp 6 mới: CÁNH DIỀU, CHÂN TRỜI SÁNG TẠO, KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG.

Mức độ DỄ:

BT 1: Viết tập hợp A các chữ cái tiếng Việt trong từ “PHƯƠNG PHÁP”.

A = {P; H; Ư; Ơ; N; G; A}

Chú ý: Thứ tự khi viết các phần tử của tập hợp là tùy ý; tức là ta cũng được quyền viết A = {Ư; Ơ; H; P; N; A; G}, miễn sao đảm bảo có đủ các chữ cái: P, H, Ư, Ơ, N, G và A.

Lưu ý: Khi viết tập hợp, mỗi phần tử chỉ được viết một lần (không lặp lại). Trong từ “PHƯƠNG PHÁP”, chữ cái P xuất hiện 3 lần nhưng ta chỉ viết 1 lần; tương tự, chữ H xuất hiện 2 lần nhưng ta chỉ viết một lần.

BT 2: Viết tập hợp B các chữ số xuất hiện trong số 2020.

B = {2; 0}.

BT 3: Viết tập hợp các số tự nhiên có một chữ số.

Các số tự nhiên có một chữ số gồm: 0; 1; 2; 3; 4; 5; 6; 7; 8; 9.

Gọi $X$ là tập hợp các số tự nhiên có một chữ số thì $X = \{0; 1; 2; 3; 4; 5; 6; 7; 8; 9\}.$

BT 4: Viết tập hợp các tháng (dương lịch) có 30 ngày.

Các tháng (dương lịch) có 30 ngày gồm: tháng Tư, tháng Sáu, tháng Chín, tháng Mười Một.

Gọi T là tập hợp các tháng có 30 ngày thì:

T = {tháng Tư; tháng Sáu; tháng Chín; tháng Mười Một}.

BT 5: Một năm có 4 quý (quý I, quý II, quý III, quý IV). Em hãy viết các tập hợp sau:

a) Tập hợp A các tháng của quý I.

b) Tập hợp B các tháng của quý II.

c) Tập hợp C các tháng của quý III.

d) Tập hợp D các tháng của quý IV.

a) Các tháng của quý I là: tháng Một, tháng Hai, tháng Ba. Do đó:

A = {tháng Một; tháng Hai; tháng Ba}

b) Các tháng của quý II là: tháng Tư, tháng Năm, tháng Sáu. Do đó:

B = {tháng Tư; tháng Năm; tháng Sáu}

c) Các tháng của quý III là: tháng Bảy, tháng Tám, tháng Chín. Do đó:

C = {tháng Bảy; tháng Tám; tháng Chín}

d) Các tháng của quý IV là: tháng Mười, tháng Mười Một, tháng Mười Hai. Do đó:

D = {tháng Mười; tháng Mười Một; tháng Mười Hai}

BT 6: Viết tập hợp M các số tự nhiên không vượt quá 6 bằng hai cách.

(Ghi chú: “Không vượt quá 6” có nghĩa là “từ 6 trở xuống”, hay “nhỏ hơn hoặc bằng 6”.)

Cách 1: Liệt kê các phần tử.

M = {0; 1; 2; 3; 4; 5; 6}

Cách 2: Chỉ ra tính chất đặc trưng cho các phần tử của tập hợp.

M = {x | x là số tự nhiên, x $\leq$ 6}.

Lưu ý: Thường có hai cách viết tập hợp:

+) Cách 1: Liệt kê các phần tử của tập hợp, tức là viết các phần tử vào bên trong cặp dấu $\{\;\}$ theo thứ tự tùy ý, nhưng mỗi phần tử chỉ được viết một lần. (ngăn cách các phần tử bởi dấu chấm phẩy ; )

+) Cách 2: Nêu tính chất đặc trưng cho các phần tử của tập hợp.

BT 7: Viết tập hợp Y gồm các số tự nhiên vừa lớn hơn 5 vừa nhỏ hơn 12 bằng hai cách.

Cách 1:

Y = {6; 7; 8; 9; 10; 11}

Cách 2:

Y = {x | x là số tự nhiên, 5 < x < 12}

BT 8: Viết tập hợp X gồm các số tự nhiên lẻ và nhỏ hơn 13 bằng hai cách.

Cách 1:

X = {1; 3; 5; 7; 9; 11}

Cách 2:

X = {x | x là số tự nhiên lẻ, x < 13}

BT 9: Gọi S là tập hợp các số tự nhiên có hai chữ số. Trong các số 5; 19; 34; 175, số nào thuộc và số nào không thuộc tập S? Dùng ký hiệu $\in$ hoặc $\notin$ để trả lời.

$5 \notin S;$

$19 \in S;$

$34 \in S;$

$175 \notin S.$

Lưu ý:

+) Ký hiệu $\in$ có nghĩa là “thuộc”.

+) Ký hiệu $\notin$ có nghĩa là “không thuộc”.

Mức độ TRUNG BÌNH:

BT 10: Cho tập hợp A = {x | x là số tự nhiên, 2x = 4}. Viết A = 2 có được không? Tại sao?

Không được viết A = 2.

Vì khi viết tập hợp, các phần tử của tập hợp phải được đặt bên trong cặp dấu ngoặc nhọn $\{\;\}.$

Cách viết đúng phải là: A = {2}.

Lưu ý: Khi viết tập hợp, luôn dùng cặp dấu ngoặc nhọn $\{ \; \}$ để “bao bọc” các phần tử.

BT 11: Cho hai tập hợp $A = \{a; b; c\}$ và $B = \{x; b; y; a\}.$

a) Viết tập hợp $C$ các phần tử thuộc $A$ mà không thuộc $B.$

b) Viết tập hợp $D$ các phần tử thuộc cả $A$ và $B.$

a) Các phần tử thuộc $A$ mà không thuộc $B$ là: $c.$

Vậy $C = \{c\}.$

b) Các phần tử thuộc cả $A$ và $B$ là: $a; b.$

Vậy $D = \{a; b\}.$

BT 12: Hãy chỉ ra tính chất đặc trưng cho các phần tử của mỗi tập hợp sau:

a) A = {1; 3; 5; 7; …; 49}.

b) B = {0; 5; 10; 15; …; 100}.

c) C = {11; 22; 33; 44; …; 99}.

d) D = {tháng 1; tháng 3; tháng 5; tháng 7; tháng 8; tháng 10; tháng 12}.

e) E = {1; 4; 7; 10; 13; …; 49}.

a) Các phần tử của tập hợp A đều có tính chất: là số tự nhiên lẻ và nhỏ hơn 50.

b) Các phần tử của tập hợp B đều có tính chất: là số tự nhiên chia hết cho 5 và nhỏ hơn 101.

c) Các phần tử của tập hợp C đều có tính chất: là số tự nhiên chia hết cho 11 và nhỏ hơn 100.

d) Các phần tử của tập hợp D đều có tính chất: là tháng có 31 ngày.

e) Các phần tử của tập hợp E đều có tính chất: là số tự nhiên chia cho 3 dư 1 và nhỏ hơn 50.

BT 13: Gọi M là tập hợp gồm các bạn: Lan, Huệ, Cúc, Nam, Minh, Dũng. Biết rằng bạn Lan cao $1,2\;m,$ Huệ cao $1,4\;m,$ Cúc cao $1,5\;m,$ Nam cao $1,4\;m,$ Minh cao $1,3\;m,$ Dũng cao $1,4\;m.$ Hãy viết tập hợp N gồm các bạn thuộc M nhưng có chiều cao bằng nhau.

Các bạn có chiều cao bằng nhau là: Huệ, Nam, Dũng (đều cao $1,4\;m).$

Vậy N = {Huệ, Nam, Dũng}.

BT 14: Hiện nay, các nước trên thế giới có xu hướng sản xuất năng lượng tái tạo bao gồm năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời, năng lượng địa nhiệt vì tiết kiệm và không gây ô nhiễm môi trường. Việt Nam chúng ta cũng đã sản xuất nguồn năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời. Trong các dạng năng lượng đã nêu, hãy viết tập hợp X gồm các dạng năng lượng tái tạo trên thế giới và tập hợp Y gồm các dạng năng lượng tái tạo mà Việt Nam sản xuất.

(Trích SBT Toán 6 tập 1 – bộ Cánh diều.)

X = {năng lượng gió; năng lượng Mặt Trời; năng lượng địa nhiệt}.

Y = {năng lượng gió; năng lượng Mặt Trời}.

Mức độ KHÓ:

BT 15: Viết tập hợp C các số tự nhiên có hai chữ số mà tổng các chữ số bằng 5.

C = {50; 41; 32; 23; 14}

Gợi ý: Số tự nhiên có hai chữ số là các số từ $10$ đến $99.$ Trong đó, cần chọn ra các số có tổng các chữ số bằng $5,$ chẳng hạn, số 23 có $2+3 = 5.$

BT 16: Viết các tập hợp sau bằng cách liệt kê các phần tử của nó:

a) Tập hợp A các số tự nhiên có hai chữ số, trong đó chữ số hàng chục lớn hơn chữ số hàng đơn vị là 2.

b) Tập hợp B các số tự nhiên có ba chữ số mà tổng các chữ số bằng 3.

a) A = {97; 86; 75; 64; 53; 42; 31; 20}.

b) B = {300; 210; 201; 120; 111; 102}.

Chia sẻ nếu thấy hay:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.