Bài tập TOÁN 6 (CT mới) – Chuyên đề BỘI CHUNG VÀ BỘI CHUNG NHỎ NHẤT.

Các bài tập sau đây phù hợp với cả ba bộ sách của chương trình Toán lớp 6 mới: CÁNH DIỀU, CHÂN TRỜI SÁNG TẠO, KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG. Mức độ DỄ: BT 1: Điền ký hiệu $\in$ hoặc $\notin$ vào $(?)$ cho đúng. a) $80\;(?)\;BC(20, 30).$ b) $60\;(?)\;BC(20, 30).$ c) $12\;(?)\;BC(4, […]

Các bài tập sau đây phù hợp với cả ba bộ sách của chương trình Toán lớp 6 mới: CÁNH DIỀU, CHÂN TRỜI SÁNG TẠO, KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG.

Mức độ DỄ:

BT 1: Điền ký hiệu $\in$ hoặc $\notin$ vào $(?)$ cho đúng.

a) $80\;(?)\;BC(20, 30).$

b) $60\;(?)\;BC(20, 30).$

c) $12\;(?)\;BC(4, 6, 8).$

d) $24\;(?)\;BC(4, 6, 8).$

a) $80\notin BC(20, 30).$

b) $60\in BC(20, 30).$

c) $12\notin BC(4, 6, 8).$

d) $24\in BC(4, 6, 8).$

BT 2:

a) Viết các tập hợp $B(4),$ $B(6)$ và $B(4, 6).$

b) Tìm $BCNN(4, 6).$

a)

$B(4) = \{0; 4; 8; 12; 16; 20; 24; 28; …\};$

$B(6) = \{0; 6; 12; 18; 24; 30; …\};$

$BC(4, 6) = \{0; 12; 24; …\}.$

b) $BCNN(4, 6) = 12.$

BT 3: Tìm bội chung nhỏ nhất của:

a) $24$ và $10.$

b) $10;$ $12$ và $15.$

c) $8;$ $9$ và $11.$

d) $18$ và $180.$

a) $24$ và $10$

Ta có: $24 = 2^3\cdot 3$ và $10 = 2\cdot 5.$

Suy ra: $BCNN(24, 10) = 2^3\cdot 3\cdot 5 =120.$

b) $10;$ $12$ và $15.$

Ta có: $10 = 2\cdot 5;$ $12 = 2^2\cdot 3$ và $15=3\cdot 5.$

Suy ra: $BCNN(10, 12, 15) = 2^2\cdot 3\cdot 5 = 60.$

c) $8;$ $9$ và $11.$

Ta có: $8=2^3;$ $9=3^2$ và $11$ là số nguyên tố.

Suy ra: $BCNN(8, 9, 11) = 2^3\cdot 3^2\cdot 11 =792.$

d) $18$ và $180.$

Cách 1:

Ta có: $18 = 2\cdot 3^2$ và $180 = 2^2\cdot 3^2\cdot 5.$

Suy ra: $BCNN(18, 180) = 2^2\cdot 3^2\cdot 5 = 180.$

Cách 2:

Vì $18$ là ước của $180$ nên $BCNN(18, 180) = 180.$

BT 4: Viết các tập hợp $BC(9, 24);$ $BC(14, 21, 56)$ và $BC(150, 225).$

+) $BC(9, 24) = ?$

Ta có: $9 = 3^2$ và $24=2^3\cdot 3.$

Suy ra: $BCNN(9, 24) = 2^3\cdot 3^2 = 72.$

Suy ra: $BC(9, 24) = B(72) = \{0 ; 72; 144; 216; …\}.$

+) $BC(14, 21, 56) = ?$

Ta có: $14 = 2\cdot 7;$ $21 = 3\cdot 7$ và $56 =2^3\cdot 7.$

Suy ra: $BCNN(14, 21, 56) = 2^3\cdot 3\cdot 7 = 168.$

Suy ra: $BC(14, 21, 56) = B(168) = \{0; 168; 336; 504; …\}.$

+) $BC(150, 225) = ?$

Ta có: $150 =2\cdot 3\cdot 5^2$ và $225 = 3^2\cdot 5^2.$

Suy ra: $BCNN(150, 225) = 2\cdot 3^2\cdot 5^2 = 450.$

Suy ra: $BC(150, 225) = B(450) = \{0; 450; 900; 1\;350; …\}.$

Mức độ TRUNG BÌNH:

BT 5: Tìm các bội chung nhỏ hơn $100$ của $10$ và $15.$

Ta có: $10 = 2\cdot 5$ và $15=3\cdot 5.$

Suy ra: $BCNN(10, 15) = 2\cdot 3\cdot 5 = 30.$

Suy ra: $BC(10, 15) = B(30) = \{0; 30; 60; 90; 120; …\}.$

Do đó, các bội chung nhỏ hơn $100$ của $10$ và $15$ là $0;$ $30;$ $60;$ $90.$

BT 6: Tìm số tự nhiên $x$ sao cho:

a) $x\;\vdots\;4;$ $x\;\vdots\;6$ và $0 < x< 50.$

b) $x\;\vdots\;12;$ $x\;\vdots\;18$ và $ x< 144.$

c) $x\;\vdots\;14;$ $x\;\vdots\;15;$ $x\;\vdots\;20$ và $400 < x \leq 1\;200.$

a) $x\;\vdots\;4;$ $x\;\vdots\;6$ và $0 < x< 50.$

Vì $x\;\vdots\;4;$ $x\;\vdots\;6$ nên $x\in BC(4, 6).$

Ta có: $4=2^2$ và $6=2\cdot 3.$

Suy ra: $BCNN(4, 6) = 2^2\cdot 3 = 12.$

Suy ra: $x\in BC(4, 6) = B(12) =\{0; 12; 24; 36; 48; 60; …\}.$

Vì $0 < x < 50$ nên $x$ bằng $12$ hoặc $24$ hoặc $36$ hoặc $48.$

b) $x\;\vdots\;12;$ $x\;\vdots\;18$ và $ x< 144.$

Vì $x\;\vdots\;12;$ $x\;\vdots\;18$ nên $x\in BC(12, 18).$

Ta có: $12 = 2^2\cdot 3$ và $18 = 2\cdot 3^2.$

Suy ra: $BCNN(12, 18) = 2^2\cdot 3^2 = 36.$

Suy ra: $x\in BC(12, 18) = B(36) = \{0 ; 36; 72; 108; 144; …\}.$

Vì $x<144$ nên $x$ bằng $0$ hoặc $36$ hoặc $72$ hoặc $108.$

c) $x\;\vdots\;14;$ $x\;\vdots\;15;$ $x\;\vdots\;20$ và $400 < x \leq 1\;200.$

Vì $x\;\vdots\;14;$ $x\;\vdots\;15;$ $x\;\vdots\;20$ nên $x\in BC(14, 15, 20).$

Ta có: $14 = 2\cdot 7;$ $15=3\cdot 5$ và $20 = 2^2\cdot 5.$

Suy ra: $BCNN(14, 15, 20) = 2^2\cdot 3\cdot 5\cdot 7 =420.$

Suy ra: $x\in BC(14, 15, 20) = B(420) = \{0; 420; 840; 1\;260; …\}.$

Vì $400 < x\leq 1\;200$ nên $x$ bằng $420$ hoặc $840.$

BT 7: Cho hai số tự nhiên $a$ và $b$ khác $0$ bất kỳ. Số $0$ có phải là bội chung của $a$ và $b$ không? Vì sao?

Có. Vì $0$ chia hết cho mọi số tự nhiên khác $0.$

BT 8: Số học sinh khối 6 của một trường học là một số có ba chữ số và khi các học sinh này xếp thành $18$ hàng, $21$ hàng hoặc $24$ hàng thì đều vừa hết. Tìm số học sinh khối 6 của trường đó?

Gọi $x$ là số học sinh khối 6 của trường đó.

Khi các học sinh này xếp thành $18$ hàng, $21$ hàng hoặc $24$ hàng thì đều vừa hết nên $x\;\vdots\;18;$ $x\;\vdots\;21$ và $x\;\vdots\;24.$ Do đó, $x\in BC(18, 21, 24).$

Ta có: $18 = 2\cdot 3^2;$ $21 = 3\cdot 7$ và $24 = 2^3\cdot 3.$

Suy ra: $BCNN(18, 21, 24) = 2^3\cdot 3^2\cdot 7 = 504.$

Suy ra: $x\in BC(18, 21, 24) = B(504) = \{0; 504; 1\;008; …\}.$

Vì số học sinh là một số có $3$ chữ số, tức là $x$ có $3$ chữ số, nên $x=504.$

Vậy khối 6 của trường đó có $504$ học sinh.

BT 9: Có một số cuốn sách khi xếp thành từng bó $8$ cuốn, $12$ cuốn hoặc $15$ cuốn thì đều vừa đủ bó. Cho biết số sách trong khoảng từ $400$ đến $500$ cuốn. Tìm số cuốn sách đó?

Gọi $x$ là số cuốn sách.

Khi xếp thành từng bó $8$ cuốn, $12$ cuốn hoặc $15$ cuốn thì đều vừa đủ bó nên $x\;\vdots\;8;$ $x\;\vdots\;12$ và $x\;\vdots\;15.$ Do đó, $x\in BC(8, 12, 15).$

Ta có: $8 = 2^3;$ $12 = 2^2\cdot 3$ và $15 = 3\cdot 5.$

Suy ra: $BCNN(8, 12, 15) = 2^3\cdot 3\cdot 5 = 120.$

Suy ra: $x\in BC(8, 12, 15) = B(120) = \{0; 120; 240; 360; 480; 600; 720; …\}.$

Vì số sách trong khoảng từ $400$ đến $500$ cuốn nên $400\leq x\leq 500.$ Do đó, $x= 480.$

Vậy có $480$ cuốn sách.

BT 10: Có ba chồng sách: Toán, Âm nhạc, Văn. Mỗi chồng chỉ có một loại sách. Mỗi cuốn Toán dày $15\;mm,$ mỗi cuốn Âm nhạc dày $6\;mm,$ mỗi cuốn Văn dày $8\;mm.$ Người ta xếp sao cho ba chồng sách bằng nhau. Tính chiều cao nhỏ nhất của ba chồng sách đó.

Gọi $x$ là chiều cao nhỏ nhất của ba chồng sách đó.

Suy ra, $x\;\vdots\;15;$ $x\;\vdots\; 6$ và $x\;\vdots\;8$ nên $x$ là bội chung của $15;6;8.$ Nhưng vì $x$ là chiều cao nhỏ nhất nên $x=BCNN(15, 6, 8).$

Ta có: $15 = 3\cdot 5;$ $6 = 2\cdot 3$ và $8=2^3.$

Suy ra: $x=BCNN(15, 6, 8) = 2^3\cdot 3\cdot 5 = 120.$

Vậy chiều cao nhỏ nhất của ba chồng sách đó là $120\;mm.$

BT 11: Một trường tổ chức cho khoảng từ $600$ đến $800$ học sinh đi tham quan bằng ô tô. Tính số học sinh đi tham quan, biết rằng nếu xếp $40$ người hay $45$ người vào một xe thì đều không dư.

Gọi $x$ là số học sinh đi tham quan.

Có khoảng từ $600$ đến $800$ học sinh tham quan nên $600\leq x\leq 800.$

Nếu xếp $40$ người hay $45$ người vào một xe thì đều không dư nên $x\;\vdots \;40$ và $x\;\vdots\;45.$ Suy ra $x\in BC(40, 45).$

Ta có: $40 = 2^3\cdot 5$ và $45 = 3^2\cdot 5.$

Suy ra: $BCNN(40, 45) = 2^3\cdot 3^2\cdot 5 =360.$

Suy ra: $x\in BC(40, 45) = B(360) = \{0; 360; 720; 1\;080; …\}.$

Vì $600\leq x\leq 800$ nên $x= 720.$

Vậy có $720$ học sinh đi tham quan.

BT 12: Bạn Lan và Minh thường đến thư viện đọc sách. Lan cứ $8$ ngày lại đến thư viện một lần. Minh cứ $10$ ngày lại đến thư viện một lần. Vào một ngày nọ, hai bạn gặp nhau tại thư viện. Hỏi sau ít nhất bao nhiêu ngày nữa thì hai bạn ấy lại gặp nhau tại thư viện?

Gọi $x$ là số ngày ít nhất hai bạn ấy lại gặp nhau tại thư viện.

Lan cứ $8$ ngày lại đến thư viện một lần, Minh cứ $10$ ngày lại đến thư viện một lần, nên $x\;\vdots\;8$ và $x\;\vdots\;10.$ Do đó, $x$ là bội chung của $8$ và $10.$ Nhưng vì $x$ là số ngày ít nhất nên $x=BCNN(8, 10).$

Ta có: $8 = 2^3$ và $10 = 2\cdot 5.$

Suy ra: $x = BCNN(8, 10) = 2^3\cdot 5 = 40.$

Vậy sau ít nhất $40$ ngày nữa thì hai bạn ấy lại gặp nhau tại thư viện.

BT 13: Đội sao đỏ của một lớp 6 có ba bạn là An, Bình, Mai. Ngày đầu tháng, cả đội trực cùng một ngày. Cứ sau $7$ ngày, An lại trực một lần; sau $4$ ngày, Bình lại trực một lần và sau $6$ ngày, Mai lại trực một lần. Hỏi sau bao nhiêu ngày thì cả đội lại cùng trực vào một ngày ở lần tiếp theo? Khi đó mỗi bạn đã trực bao nhiêu lần?

Gọi $x$ là số ngày giữa hai lần liên tiếp cả đội cùng trực.

Cứ sau $7$ ngày, An lại trực một lần, sau $4$ ngày Bình lại trực một lần và sau $6$ ngày Mai lại trực một lần nên $x\;\vdots\;7;$ $x\;\vdots\;4$ và $x\;\vdots\;6.$

Do đó, $x$ là bội chung của $7; 4; 6.$ Vì $x$ là số ngày giữa hai lần liên tiếp nên $x$ nhỏ nhất, tức là $x=BCNN(7, 4, 6).$

Ta có: $7$ là số nguyên tố; $4=2^2$ và $6 = 2\cdot 3.$

Suy ra: $x=BCNN(7, 4, 6) = 7\cdot 2^2\cdot 3 = 84.$

Vậy sau $84$ ngày, ba bạn đó lại cùng trực vào một ngày ở lần tiếp theo.

Khi đó:

+) Số ngày bạn An đã trực là: $84 : 7 = 12$ (ngày).

+) Số ngày bạn Bình đã trực là: $84 : 4 = 21$ (ngày).

+) Số ngày bạn Mai đã trực là: $84 : 6 = 14$ (ngày).

BT 14: Các cột điện trước đây cách nhau $60\;m,$ nay trồng lại, cách nhau $45\;m.$ Hỏi sau cột đầu tiên không trồng lại, thì cột gần nhất không phải trồng lại là cột thứ mấy?

Khoảng cách gần nhất giữa hai cột không phải trồng lại phải chia hết cho $60,$ và chia hết cho $45$ nên khoảng cách này là $BCNN(60, 45) = 180\;(m).$

Vậy cột gần cột đầu tiên nhất mà không phải trồng lại là cột thứ: $180:60+1 = 4.$

Mức độ KHÓ:

BT 15: Một đội văn nghệ có $102$ thành viên được chia thành các tổ đều nhau, sao cho trong mỗi tổ, khi chia nhóm để biểu diễn các tiết mục song ca hoặc tam ca thì đều không dư người nào. Hỏi mỗi tổ có bao nhiêu người, biết rằng có ít nhất $2$ tổ?

Gọi $x$ là số tổ và $y$ là số người trong mỗi tổ.

Vì có ít nhất $2$ tổ nên $x\geq 2.$

Đội văn nghệ có $102$ thành viên nên $x\cdot y = 102.$ Do đó, $y$ là ước của $102.$

Trong mỗi tổ, khi chia nhóm để biểu diễn song ca hoặc tam ca thì đều không dư nên số người trong mỗi tổ chia hết cho cả $2$ và $3.$ Do đó, $y$ là bội chung của $2$ và $3.$

Vậy $y$ vừa là ước của $102,$ vừa là bội chung của $2$ và $3.$

Ta có: $Ư(102) = \{1; 2; 3; 6; 17; 34; 51; 102\}.$

Trong các ước trên, các số là bội chung của $2$ và $3$ là: $6$ và $102.$

Vậy $y=6$ hoặc $y=102.$

+) Nếu $y=6$ thì $x=102:y = 17$ thỏa mãn điều kiện $x\geq 2.$

+) Nếu $y=102$ thì $x=102:y=1$ không thỏa mãn điều kiện $x\geq 2.$ Do đó, ta loại bỏ trường hợp này.

Tóm lại, $y=6.$

Vậy mỗi tổ có $6$ người.

BT 16: Số học sinh khối 6 của trường khi xếp thành $12$ hàng, $15$ hàng hay $18$ hàng đều dư ra $9$ học sinh. Hỏi số học sinh khối 6 của trường đó là bao nhiêu? Biết rằng số học sinh đó lớn hơn $300$ và nhỏ hơn $400.$

Gọi $x$ là số học sinh khối 6 của trường đó.

Vì số học sinh lớn hơn $300$ và nhỏ hơn $400$ nên $300<x<400.$

Khi xếp thành $12$ hàng thì dư ra $9$ học sinh, vậy $x$ chia cho $12$ thì dư $9.$ Suy ra $x-9$ chia hết cho $12.$ Do đó, $x-9$ là bội của $12.$

Tương tự, vì khi xếp thành $15$ hàng hay $18$ hàng đều dư ra $9$ học sinh nên $x-9$ chia hết cho $15$ và $18.$ Do đó, $x-9$ là bội của $15$ và là bội của $18.$

Vậy $x-9$ là bội chung của $12;$ $15$ và $18.$

Ta có: $12=2^2\cdot 3;$ $15 = 3\cdot 5$ và $18=2\cdot 3^2.$

Do đó: $BCNN(12, 15, 18) = 2^2\cdot 3^2\cdot 5 = 180.$

Suy ra: $x-9 \in BC(12, 15, 18) = B(180) = \{0; 180; 360; 540; …\}.$

Vì $300<x<400$ nên $291<x-9<391.$ Vậy ta chọn $x-9=360.$ Suy ra $x=360+9=369.$

Vậy khối 6 của trường đó có $369$ học sinh.

BT 17: Một khối học sinh khi xếp thành hàng $4,$ hàng $5,$ hàng $6$ đều thừa $1$ người, nhưng xếp thành hàng $7$ thì vừa đủ. Biết số học sinh chưa đến $400$ người. Tính số học sinh.

Gọi $x$ là số học sinh.

Vì số học sinh chưa đến $400$ nên $x<400.$

Khi xếp thành hàng $4,$ hàng $5,$ hàng $6$ đều thừa $1$ người nên $x-1$ chia hết cho $4; 5$ và $6.$ Do đó, $x-1$ là bội chung của $4; 5$ và $6.$

Ta có: $4=2^2;$ $5$ là số nguyên tố và $6=2\cdot 3.$

Do đó: $BCNN(4, 5, 6) = 2^2\cdot 3\cdot 5 = 60.$

Suy ra: $x-1 \in BC(4, 5, 6) = B(60) = \{0; 60; 120; 180; 240; 300; 360; 420; …\}.$

Vì $x<400$ nên $x-1<400-1=399.$ Vậy $x-1\in \{0; 60; 120; 180; 240; 300; 360\}.$

Vì “xếp thành hàng $7$ thì vừa đủ” nên $x$ chia hết cho $7.$ Do đó:

+) Nếu $x-1=0$ thì $x=0+1=1$ không chia hết cho $7.$ → LOẠI.

+) Nếu $x-1=60$ thì $x=60+1=61$ không chia hết cho $7.$ → LOẠI.

+) Nếu $x-1=120$ thì $x=120+1=121$ không chia hết cho $7.$ → LOẠI.

+) Nếu $x-1=180$ thì $x=180+1=181$ không chia hết cho $7.$ → LOẠI.

+) Nếu $x-1=240$ thì $x=240+1=241$ không chia hết cho $7.$ → LOẠI.

+) Nếu $x-1=300$ thì $x=300+1=301$ chia hết cho $7.$ → NHẬN.

+) Nếu $x-1=360$ thì $x=360+1=361$ không chia hết cho $7.$ → LOẠI.

Do đó: $x=301$ thỏa mãn tất cả các yêu cầu của đề bài.

Vậy số học sinh là $301.$

BT 18: Nếu xếp một số sách vào từng túi $10$ cuốn thì vừa hết, vào từng túi $12$ cuốn thì thừa $2$ cuốn, vào từng túi $18$ cuốn thì thừa $8$ cuốn. Biết rằng số sách trong khoảng từ $715$ đến $1\;000,$ tính số sách đó.

Gọi $x$ là số sách đó.

Xếp $x$ cuốn sách vào túi $10$ cuốn thì vừa hết, vào túi $12$ cuốn thì thừa $2$ cuốn, vào túi $18$ cuốn thì thừa $8$ cuốn nên $x$ chia hết cho $10,$ chia $12$ dư $2$ và chia $18$ dư $8.$

Vì $x\;vdots\;10$ nên $x+10 \;\vdots\;10.$

Vì $x$ chia $12$ dư $2$ nên $x+10\;\vdots\;12.$

Vì $x$ chia $18$ dư $8$ nên $x+10\;\vdots\;18.$

Từ ba điều trên ta suy ra $x+10$ là bội chung của $10;$ $12$ và $18.$

Ta có: $10 = 2\cdot 5;$ $12 = 2^2\cdot 3$ và $18 = 2\cdot 3^2.$

Do đó: $BCNN(10, 12, 18) = 2^2\cdot 3^2 \cdot 5 = 180.$

Suy ra: $x+10 \in BC(10, 12, 18) = B(180) = \{0; 180; 360; 540; 720; 900; 1\;080; …\}.$

Vì số sách trong khoảng từ $715$ đến $1\;000$ nên $715\leq x\leq 1\;000.$ Suy ra: $725\leq x+10\leq 1\;010.$

Vậy ta chọn $x+10 = 900.$

Suy ra: $x = 900 – 10 = 890.$

Vậy có $890$ cuốn sách.

BT 19: Hai lớp 6A, 6B cùng thu nhặt một số giấy vụn bằng nhau. Trong lớp 6A, một bạn thu được $26\;kg,$ còn lại mỗi bạn thu $11\;kg.$ Trong lớp 6B, một bạn thu được $25\;kg,$ còn lại mỗi bạn thu $10\;kg.$ Tính số học sinh mỗi lớp, biết rằng số giấy mỗi lớp thu được trong khoảng từ $200\;kg$ đến $300\;kg.$

Gọi $x$ là số $kg$ giấy vụn mà mỗi lớp 6A, 6B thu được.

Trong lớp 6A, một bạn thu được $26\;kg,$ còn lại mỗi bạn thu $11\;kg,$ nên $x-26\;\vdots\;11.$ Do đó $x-15\;\vdots\;11.$

Trong lớp 6B, một bạn thu được $25\;kg,$ còn lại mỗi bạn thu $10\;kg$ nên $x-25\;\vdots\;10.$ Do đó $x-15\;\vdots\;10.$

Vậy $x-15$ là bội chung của $11$ và $10.$

Vì $11$ và $10$ là hai số nguyên tố cùng nhau nên $BCNN(11,10) = 11\cdot 10 = 110.$

Suy ra: $x-15\in BC(11,10) = B(110) = \{0; 110; 220; 330; 440; …\}.$

Ngoài ra, số giấy mỗi lớp thu được từ $200$ đến $300\; kg$ nên $200\leq x\leq 300.$ Suy ra: $185\leq x-15\leq 285.$

Do đó ta chọn $x-15=220.$

Suy ra: $x=220+15 = 235.$

Vậy số giấy vụn mỗi lớp thu được là $235\;kg.$

Số học sinh lớp 6A là: $1+(235-26) : 11 = 20$ (học sinh).

Số học sinh lớp 6B là: $1+(235-25):10 = 22$ (học sinh).

BT 20: Tìm số tự nhiên $x$ nhỏ nhất sao cho khi chia $x$ cho $7$ thì dư $4;$ và chia $x$ cho $11$ thì dư $6.$

Cách 1:

Vì $x$ chia $7$ dư $4$ nên: $x= 7m+4$ (với $m\in\mathbb{N}).$ Suy ra $2x=14m + 8 = 7\cdot (2m+1)+1$ chia cho $7$ dư $1.$ Do đó, $2x-1\;\vdots\;7.$

Vì $x$ chia $11$ dư $6$ nên: $x= 11n+6$ (với $n\in\mathbb{N}).$ Suy ra $2x = 22n + 12 = 11\cdot (2n+1) +1$ chia cho $11$ dư $1.$ Do đó, $2x-1\;\vdots\;11.$

Vậy $2x-1 \in BC(7, 11).$

Vì $7$ và $11$ nguyên tố cùng nhau nên $BCNN(7, 11) = 7\cdot 11=77.$

Do đó: $2x-1 \in BC(7, 11) = B(77) = \{0; 77; 154; 231; …\}.$

Để $x$ nhỏ nhất thì $2x-1$ phải nhỏ nhất có thể. Nhưng nếu $2x-1=0,$ hay $2x=1$ thì không tìm được số tự nhiên $x$ nào thỏa mãn. Do đó, $2x-1 = 77.$ Suy ra $2x=77+1=78.$ Suy ra $x=78:2=39.$

Vậy $x=39.$

Cách 2:

Vì $x$ chia $7$ dư $4$ nên: $x= 7m+4$ (1)

Vì $x$ chia $11$ dư $6$ nên: $x= 11n+6$ (2)

(với $m, n\in\mathbb{N}).$

Từ (1) suy ra $11x = 77m+44.$

Từ (2) suy ra $7x = 77n + 42.$

Do đó: $11x – 7x = (77m +44) – (77n+42) = (77m-77n) + (44-42) = 77(m-n) + 2.$

Suy ra: $4x = 77(m-n)+2.$

Suy ra: $4x-2=77(m-n),$ tức là $2(2x-1)=77(m-n).$

Suy ra: $2(2x-1)\;\vdots\;77.$

Suy ra: $2x-1\;\vdots\;77$ (vì $ƯCLN(2, 77) = 1).$

Vậy $2x-1 \in B(77) = \{0 ; 77; 154; …\}.$

Để $x$ nhỏ nhất thì $2x-1$ phải nhỏ nhất có thể. Nhưng nếu $2x-1=0,$ hay $2x=1$ thì không tìm được số tự nhiên $x$ nào thỏa mãn. Do đó, $2x-1 = 77.$ Suy ra $2x=77+1=78.$ Suy ra $x=78:2=39.$

Vậy $x=39.$

BT 21: Tìm hai số tự nhiên, biết rằng ước chung lớn nhất của chúng bằng $10,$ bội chung nhỏ nhất của chúng bằng $900.$

Gọi $a, b$ là hai số phải tìm $(a\leq b).$

Ta có: $ƯCLN(a, b) = 10.$

Do đó, $a=10m$ và $b=10n$ (với $m,n$ là các số tự nhiên thỏa $ƯCLN(m, n) =1).$

Suy ra: $ab = 100mn$ (1)

Mặt khác: $ab = ƯCLN(a,b) \cdot BCNN(a,b) = 10\cdot 900 = 9\;000$ (2)

Từ (1) và (2) suy ra $mn = 90 = 2\cdot 3^2\cdot 5.$ (3)

Vì $a\leq b$ nên $m\leq n$ (4)

Dựa vào (3), (4) và $ƯCLN(m,n) = 1,$ ta tìm được:

m1259
n90451810

Suy ra:

a10205090
b900450180100

Lưu ý: Người ta đã chứng minh được công thức: $ab = ƯCLN(a,b)\cdot BCNN(a, b).$ (Trong đó, $a,b$ là các số tự nhiên khác $0).$

BT 22: Tìm hai số tự nhiên $a, b$ sao cho: $ƯCLN(a, b) + BCNN(a, b) = 15.$

Giả sử $a\leq b.$

Gọi $ƯCLN(a,b) = d.$

Khi đó, $a = dm; b=dn$ (với $m,n$ là các số tự nhiên thỏa $ƯCLN(m,n) = 1).$

Ta có $ab = ƯCLN(a,b)\cdot BCNN(a,b),$ nên $dm\cdot dn = d\cdot BCNN(a,b).$ Suy ra: $BCNN(a,b) = dmn.$

Theo đề, $ƯCLN(a,b) + BCNN(a, b) = 15.$

Suy ra: $d + dmn = 15,$ hay $d(1+mn) = 15.$

Suy ra: $15\;\vdots\; d.$

Suy ra: $d\in Ư(15) =\{1; 3; 5; 15\}.$

Mặt khác, vì $d+dmn=15$ và $dmn>0$ nên $d<15.$

Do đó, $d$ bằng $1$ hoặc $3$ hoặc $5.$

Vì $a\leq b$ nên $m\leq n.$

Kết hợp với $ƯCLN(m,n)=1,$ ta có:

+) Nếu $d=1$ thì $1+mn = 15,$ hay $mn=14.$ Ta được: $m=1, n=14$ hoặc $m=2, n=7.$ Suy ra: $a=1,b=14$ hoặc $a=2, b=7.$

+) Nếu $d=3$ thì $3(1+mn) = 15,$ hay $mn = 4.$ Ta được: $m=1, n=4.$ Suy ra: $a=3, b=12.$

+) Nếu $d=5$ thì $5(1+mn) = 15,$ hay $mn = 2.$ Ta được: $m=1, n=2.$ Suy ra: $a=5, b = 10.$

Vậy các cặp số $(a;b)$ cần tìm là $(1; 14),$ $(2; 7),$ $(3; 12),$ $(5; 10)$ và đảo ngược thứ tự trong mỗi cặp lại.

Chia sẻ nếu thấy hay:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.