Bài tập TOÁN 6 (CT mới) – Chuyên đề DẤU HIỆU CHIA HẾT CHO 2, CHO 5.

Các bài tập sau đây phù hợp với cả ba bộ sách của chương trình Toán lớp 6 mới: CÁNH DIỀU, CHÂN TRỜI SÁNG TẠO, KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG. Mức độ DỄ: BT 1: Cho các số: $15;$ $22;$ $23;$ $27;$ $18;$ $2\;021;$ $2\;022;$ $7\;980.$ Trong các số đó: a) Số nào chia […]

Các bài tập sau đây phù hợp với cả ba bộ sách của chương trình Toán lớp 6 mới: CÁNH DIỀU, CHÂN TRỜI SÁNG TẠO, KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG.

Mức độ DỄ:

BT 1: Cho các số: $15;$ $22;$ $23;$ $27;$ $18;$ $2\;021;$ $2\;022;$ $7\;980.$ Trong các số đó:

a) Số nào chia hết cho $2?$

b) Số nào chia hết cho $5?$

c) Số nào chia hết cho $2$ nhưng không chia hết cho $5?$

d) Số nào chia hết cho cả $2$ và $5?$

a) Số chia hết cho $2$ là: $22;$ $18;$ $2\;022;$ $7\;980.$

b) Số chia hết cho $5$ là: $15;$ $7\;980.$

c) Số chia hết cho $2$ nhưng không chia hết cho $5$ là: $22;$ $18;$ $2\;022.$

d) Số chia hết cho cả $2$ và $5$ là: $7\;980.$

BT 2:

a) Một số chia hết cho cả $2$ và $5$ thì có chữ số tận cùng là bao nhiêu? Vì sao?

b) Một số chia hết cho $5$ nhưng không chia hết cho $2$ thì có chữ số tận cùng là bao nhiêu? Vì sao?

c) Một số chia hết cho $2$ nhưng không chia hết cho $5$ thì có chữ số tận cùng là bao nhiêu? Vì sao?

a) Một số chia hết cho cả $2$ và $5$ thì có chữ số tận cùng là $0.$

Giải thích: Chia hết cho $5$ thì tận cùng phải là $0$ hoặc $5.$ Nhưng để nó chia hết cho $2$ nữa thì tận cùng phải là chữ số chẵn, tức không thể là $5$ được. Vậy số vừa chia hết cho cả $2$ và $5$ thì chữ số tận cùng phải là $0.$

b) Một số chia hết cho $5$ nhưng không chia hết cho $2$ thì có chữ số tận cùng là $5.$

Giải thích: Để chia hết cho $5,$ số đó phải tận cùng là $0$ hoặc $5.$ Nhưng nếu tận cùng là $0$ thì lại chia hết cho $2.$ Do đó, để một số chia hết cho $5$ nhưng không chia hết cho $2$ thì tận cùng phải là chữ số $5.$

c) Một số chia hết cho $2$ nhưng không chia hết cho $5$ thì có chữ số tận cùng là $2;$ $4;$ $6$ hoặc $8.$

Giải thích: Một số chia hết cho $2$ thì tận cùng là $0;$ $2;$ $4;$ $6;$ $8.$ Trong đó, nếu tận cùng là $0$ thì chia hết cho $5.$ Vậy để chia hết cho $2$ mà không chia hết cho $5$ thì tận cùng của số đó phải là $2; 4; 6; 8.$

BT 3: Không thực hiện phép tính, hãy cho biết tổng (hiệu) sau có chia hết cho $2$ hay không?

a) $2\;022 + 2\;023;$

b) $3\cdot 198 – 76^2.$

a) $2\;022 + 2\;023;$

Ta có:

+) $2\;022 \;\vdots\; 2$ vì tận cùng là $2.$

+) $2\;023 \;\not{\vdots}\; 2$ vì tận cùng là $3.$

Do đó, $2\;022 + 2\;023 \;\not{\vdots}\;2.$

b) $3\cdot 198 – 76^2.$

Ta có:

+) $3\cdot 198 \;\vdots\;2$ vì tích có chứa thừa số $198 \;\vdots\;2.$

+) $76^2 \;\vdots\;2$ vì $76\;\vdots\;2.$

Do đó: $3\cdot 198 – 76^2 \;\vdots\;2.$

BT 4: Không thực hiện phép tính, hãy cho biết tổng (hiệu) sau có chia hết cho $5$ hay không?

a) $2\;020 + 2\;021;$

b) $2\;025^3 – 2\;020^3.$

a) $2\;020 + 2\;021;$

Ta có:

+) $2\;020 \;\vdots\;5$ vì chữ số tận cùng là $0.$

+) $2\;021 \;\not{\vdots}\;5$ vì chữ số tận cùng là $1.$

Do đó: $2\;020 + 2\;021 \;\not{vdots}\;5.$

b) $2\;025^3 – 2\;020^3.$

Ta có:

+) $2\;025^3 \;\vdots\;5$ vì $2\;025 \;\vdots\;5.$

+) $2\;020^3 \;\vdots \; 5$ vì $2\;020 \;\vdots\;5.$

Do đó: $2\;025^3 – 2\;020^3 \;\vdots\;5.$

BT 5: Trong những số từ $2\;019$ đến $2\;025,$ số nào

a) chia hết cho $2?$

b) chia hết cho $5?$

c) chia hết cho $10?$

Trong những số từ $2\;019$ đến $2\;025,$

a) số chia hết cho $2$ là: $2\;020;$ $2\;022;$ $2\;024.$

b) số chia hết cho $5$ là: $2\;020;$ $2\;025.$

c) số chia hết cho $10$ là: $2\;020.$

Lưu ý: Số chia hết cho $10$ thì chia hết cho cả $2$ và $5.$

Mức độ TRUNG BÌNH:

BT 6: Cho số $A = \overline{200*}.$ Thay dấu $*$ bởi chữ số nào để:

a) $A$ chia hết cho $2;$

b) $A$ chia hết cho $5;$

c) $A$ chia hết cho $2$ và cho $5.$

Dấu $*$ là chữ số tận cùng của số $A.$ Do đó:

a) $A$ chia hết cho $2$ khi dấu $*$ là một trong các chữ số $0; 2; 4; 6; 8.$

b) $A$ chia hết cho $5$ khi dấu $*$ là $0$ hoặc $5.$

c) $A$ chia hết cho $2$ và cho $5$ khi dấu $*$ là $0.$

BT 7: Cho số $B = \overline{20*5}.$ Thay dấu $*$ bởi chữ số nào để:

a) $B$ chia hết cho $2;$

b) $B$ chia hết cho $5;$

c) $B$ chia hết cho $2$ và cho $5.$

Số $B = \overline{20*5}$ có chữ số tận cùng là $5.$ Do đó:

a) $B$ không chia hết cho $2.$ Do đó không tìm được dấu $*$ nào để $B$ chia hết cho $2.$

b) $B$ luôn chia hết cho $5.$ Do đó, để $B$ chia hết cho $5$ thì dấu $*$ là chữ số nào cũng được, tức $*$ là một trong các chữ số $0; 1; 2; 3; 4; 5; 6; 7; 8; 9.$

c) $B$ tận cùng là $5$ nên không chia hết cho $2.$ Do đó, không tìm được dấu $*$ nào để $B$ chia hết cho cả $2$ và $5.$

BT 8: Khi thực hiện phép tính $12\;345\cdot 6\;789,$ một bạn ra kết quả là $83\;810\;201,$ bạn khác ra kết quả là $838\;102\;054.$ Không cần tính toán, em có thể thấy ngay cả hai kết quả đều sai? Vì sao?

Ta có $12\;345\;\vdots\;5$ vì có chữ số tận cùng là $5.$ Do đó, tích $12\;345\cdot 6\;789$ chia hết cho $5.$

Tuy nhiên, cả hai kết quả trong đề bài đều không chia hết cho $5.$ Do đó, cả hai kết quả đều sai.

BT 9: Ông Cao có hai đoạn ống thép, một đoạn dài $10$ mét và một đoạn dài $6$ mét. Ông có thể cắt cả hai đoạn ống thép này thành các đoạn dài bằng nhau, mỗi đoạn $5$ mét sao cho không có đoạn thép nào thừa được không? Nếu không được thì ông có thể thay $5$ mét bởi mấy mét thì được?

Ông Cao không thể cắt cả hai đoạn ống thép này thành các đoạn $5$ mét bằng nhau và không thừa được vì $6$ không chia hết cho $5.$

Có thể thay $5$ mét bởi $2$ mét thì được, vì cả $10$ và $6$ đều chia hết cho $2.$

BT 10: Có thể chia đều $20$ quả cam, $28$ quả bưởi và $35$ quả chanh vào $5$ túi mà không cắt quả nào được không?

Không thể chia đều $20$ quả cam, $28$ quả bưởi và $35$ quả chanh vào $5$ túi mà không cắt quả nào được vì $28$ không chia hết cho $5.$

BT 11: Một cửa hàng mỹ phẩm miễn thuế ở sân bay có khuyến mãi như sau: Khách cứ mua $10$ hộp mỹ phẩm thì được tặng một hộp. Mỗi hộp có giá $53$ USD. Công ty A mua $45$ hộp mỹ phẩm ở cửa hàng đó. Hỏi số USD công ty A phải trả để mua $45$ mỹ phẩm trên có chia hết cho $5$ không? Vì sao?

Vì $10$ hộp được tặng một hộp nên với $40$ hộp mỹ phẩm mà công ty đó mua sẽ được tặng thêm $4$ hộp nữa, tức là được $44$ hộp.

Do đó, để được $45$ hộp mỹ phẩm, công ty đó chỉ cần mua thêm $1$ hộp nữa.

Vậy mua $45$ hộp mỹ phẩm thực chất chỉ bị tính tiền $41$ hộp.

Do đó, số tiền phải trả để mua $45$ hộp mỹ phẩm đó là $41\cdot 53$ USD.

Cả hai số $41$ và $53$ đều không chia hết cho $5$ nên $41\cdot 53$ không chia hết cho $5.$

Vậy số USD công ty A phải trả để mua $45$ hộp mỹ phẩm trên không chia hết cho $5.$

BT 12: Từ các chữ số $0; 2; 5; 7,$ hãy viết tất cả các số có ba chữ số khác nhau và chia hết cho $2.$

Muốn chia hết cho thì chữ số tận cùng phải là chữ số chẵn. Trong các chữ số $0; 2; 5; 7,$ thì chữ số chẵn là $0$ và $2.$

Từ đó ta viết được các số có ba chữ số khác nhau và chia hết cho $2$ là: $250;$ $270;$ $520;$ $570;$ $720;$ $750;$ $502;$ $572;$ $702;$ $752.$

BT 13: Từ các chữ số $0; 2; 4; 5; 9,$ hãy viết tất cả các số có hai chữ số khác nhau và chia hết cho $5.$

Số cần viết có hai chữ số khác nhau lấy từ $0; 2; 4; 5; 9$ và tận cùng là $0$ hoặc $5.$

+) $0$ là chữ số tận cùng: $20; 40; 50; 90.$

+) $5$ là chữ số tận cùng: $25; 45; 95.$

Vậy các số cần tìm là: $20; 40; 50; 90; 25; 45; 95.$

BT 14: Số tự nhiên lớn nhất có hai chữ số và chia hết cho $5$ là số nào?

Số tự nhiên lớn nhất có hai chữ số và chia hết cho $5$ là $95.$

BT 15: Từ các chữ số $0; 2; 4; 5; 7; 9,$ hãy viết tất cả các số có ba chữ số khác nhau sao cho các số đó:

a) Chia hết cho $2$ nhưng không chia hết cho $5.$

b) Chia hết cho cả $2$ và $5.$

a) Số cần tìm tận cùng là 2 hoặc 4:

+) 2 là chữ số tận cùng: 402; 452; 472; 492; 502; 542; 572; 592; 702; 742; 752; 792; 902; 942; 952; 972;

+) 4 là chữ số tận cùng: 204; 254; 274; 294; 504; 524; 574; 594; 704; 724; 754; 794; 904; 924; 954; 974.

b) Số cần tìm tận cùng là 0, đó là các số: 240; 250; 270; 290; 420; 450; 470; 490; 520; 540; 570; 590; 720; 740; 750; 790; 920; 940; 950; 970.

BT 16: Tìm tập hợp các số $x$ thỏa mãn:

a) $x$ chia hết cho $2$ và $467 < x \leq 480.$

b) $x$ chia hết cho $5$ và $467 < x \leq 480.$

c) $x$ vừa chia hết cho $2,$ vừa chia hết cho $5$ và $467 < x \leq 480.$

a) $x$ chia hết cho $2$ và $467 < x \leq 480.$

$x$ là một trong các số $468;$ $470;$ $472;$ $474;$ $478;$ $480.$

b) $x$ chia hết cho $5$ và $467 < x \leq 480.$

$x$ là một trong các số $470;$ $475;$ $480.$

c) $x$ vừa chia hết cho $2,$ vừa chia hết cho $5$ và $467 < x \leq 480.$

$x$ là một trong các số $470;$ $480.$

BT 17:

a) Có bao nhiêu số có hai chữ số chia cho $5$ dư $4?$

b) Có bao nhiêu số có ba chữ số chia cho $2$ và cho $5$ có cùng số dư?

a) Có bao nhiêu số có hai chữ số chia cho $5$ dư $4?$

Số chia hết cho $5$ thì tận cùng là $0$ hoặc $5.$ Suy ra số chia $5$ dư $4$ thì tận cùng là $4$ hoặc $9.$

Các số từ $10$ đến $99$ có $9$ chục, mỗi chục có hai số tận cùng là $4$ hoặc $9.$ Như vậy có: $9\cdot 2 = 18$ số có hai chữ số và tận cùng là $4$ hoặc $9.$

Tóm lại, có $18$ số có hai chữ số chia cho $5$ dư $4.$

b) Có bao nhiêu số có ba chữ số chia cho $2$ và cho $5$ có cùng số dư?

Một số chia cho $2$ thì chỉ có thể có số dư là $1.$ (vì số dư luôn luôn nhỏ hơn số chia)

Như vậy số chia cho $2$ và $5$ có cùng số dư thì số dư phải là $1.$

Một số chia hết cho $5$ thì chữ số tận cùng là $0$ hoặc $5.$ Suy ra số chia $5$ dư $1$ thì tận cùng là $1$ hoặc $6.$

Số có chữ số tận cùng là $1$ thì chia $2$ dư $1.$ Số có chữ số tận cùng là $6$ thì chia hết cho $2.$ Ta cần đếm các số chia cho $2$ dư $1$ nên ta chỉ quan tâm đến các số có chữ số tận cùng là $1.$

Các số từ $100$ đến $999$ có $9$ trăm, tức là có $90$ chục. Mỗi chục có một số tận cùng là $1.$ Vậy có tất cả $90$ số tận cùng là $1$ (trong các số từ $100$ đến $999).$

Tóm lại, có $90$ số có ba chữ số chia cho $2$ và cho $5$ có cùng số dư.

BT 18: Không tính giá trị biểu thức, hãy giải thích sau mỗi biểu thức sau chia hết cho $2.$

a) $A = 1\;234 + 3\;456 + 3\;214 + 5\;436.$

b) $B = 111 + 333 + 759 + 917.$

c) $C = 235 + 462 + 719 + 906.$

d) $D = 11 + 12 + 13 + 14 + … + 73.$

a) Các số hạng đều chia hết cho $2$ nên tổng chia hết cho $2.$

b) Đây là tổng của $4$ số lẻ nên chia hết cho $2.$

c) Áp dụng tính chất giao hoán của phép cộng, ta được: $C = (235 + 719) + 462 + 906.$

Ta thấy:

+) $(235 + 719)$ chia hết cho $2$ vì là tổng của hai số lẻ.

+) $462$ chia hết cho $2$ vì tận cùng là $2.$

+) $906$ chia hết cho $2$ vì tận cùng là $6.$

Do đó, áp dụng tính chất chia hết của một tổng, ta suy ra $C = (235+719)+462+906$ chia hết cho $2.$

d) Các số hạng trong tổng $D$ bao gồm $31$ số chẵn và $32$ số lẻ.

+) Tổng của $31$ số chẵn là một số chẵn nên chia hết cho $2.$

+) Vì $32$ là một số chẵn nên tổng của $32$ số lẻ là một số chẵn. Vậy tổng của $32$ số lẻ thì chia hết cho $2.$

Do đó, tổng của $31$ số chẵn và $32$ số lẻ thì chia hết cho $2.$

Từ đó suy ra $D$ chia hết cho $2.$

Mức độ KHÓ:

BT 19: Biết rằng số tự nhiên $n$ chia hết cho $2$ và $(n^2-n)\;\vdots\;5.$ Tìm chữ số tận cùng của $n.$

Vì $n\;\vdots\;2$ nên chữ số tận cùng của $n$ là một chữ số chẵn.

Vì $n^2 – n = n\cdot (n-1) \;\vdots\;5$ nên $n\;\vdots\;5$ hoặc $n-1 \;\vdots\;5.$ Do đó $n$ có chữ số tận cùng là $0;5$ hoặc $n-1$ có chữ số tận cùng là $0;5.$ Tức là $n$ có chữ số tận cùng là $0; 5; 1; 6.$

Kết hợp hai kết quả trên, suy ra $n$ có chữ số tận cùng là $0$ hoặc $6.$

BT 20: Chứng tỏ rằng:

a) $6^{100} – 1$ chia hết cho $5.$

b) $21^{20} – 11^{10}$ chia hết cho cả $2$ và $5.$

a) Kết quả của phép tính lũy thừa $6^{100}$ có chữ số tận cùng là $6.$

Suy ra: $6^{100} – 1$ có chữ số tận cùng là $5.$

Do đó: $6^{100} – 1$ chia hết cho $5.$

b) Vì $21$ tận cùng là $1$ nên $21^{20}$ tận cùng cũng bằng $1.$

Tương tự, vì $11$ tận cùng là $1$ nên $11^{10}$ tận cùng cũng bằng $1.$

Suy ra: $21^{20} – 11^{10}$ tận cùng bằng $0.$

Do đó: $21^{20} – 11^{10}$ chia hết cho cả $2$ và $5.$

BT 21: Cho $A = 11^9 + 11^8 + 11^7 + … + 11 + 1.$ Chứng minh rằng $A$ chia hết cho $5.$

Vì $11$ có chữ số tận cùng là $1$ nên các lũy thừa $11^9;$ $11^8; …$ $11$ đều có chữ số tận cùng là $1.$

Vậy tổng $A$ gồm có $10$ số hạng đều có chữ số tận cùng là $1.$

Vì $10\cdot 1 = 10$ nên $A$ có chữ số tận cùng là $0.$

Do đó $A$ chia hết cho $5.$

BT 22: Chứng minh rằng với mọi số tự nhiên $n$ thì $n^2+n+6$ không chia hết cho $5.$

Ta thấy $n^2+n = n\cdot (n+1)$ là tích của hai số tự nhiên liên tiếp nên tận cùng bằng $0; 2; 6.$ Do đó $n^2 + n + 6$ tận cùng bằng $6; 8; 2$ không chia hết cho $5.$

BT 23: Trong các số tự nhiên nhỏ hơn $1000,$ có bao nhiêu số chia hết cho $2$ nhưng không chia hết cho $5.$

Các số chia hết cho $2$ nhưng không chia hết cho $5$ có tận cùng bằng $2; 4; 6; 8.$ Mỗi chục có $4$ số như vậy.

Từ $0$ đến $999$ có $100$ chục nên có: $4\cdot 100 = 400$ số có tận cùng là $2; 4; 6; 8.$

Vậy trong các số tự nhiên nhỏ hơn $1000,$ có $400$ số chia hết cho $2$ nhưng không chia hết cho $5.$

BT 24: Tìm số tự nhiên có năm chữ số giống nhau, biết rằng số đó chia hết cho $2$ nhưng chia cho $5$ thì dư $1.$

Số chia hết cho $2$ thì tận cùng là $0; 2; 4; 6; 8.$ Trong đó, chỉ có các số tận cùng là $6$ thì chia cho $5$ dư $1.$

Vậy số có năm chữ số giống nhau thỏa mãn đề bài là $66666.$

BT 25: Một cửa hàng có $6$ hòm hàng với khối lượng $316\;kg,$ $327\;kg,$ $336\;kg,$ $338\;kg,$ $349\;kg,$ $351\;kg.$ Cửa hàng đó đã bán năm hòm, trong đó khối lượng hàng bán buổi sáng gấp bốn lần khối lượng hàng bán buổi chiều. Hỏi hòm còn lại là hòm nào?

Tổng khối lượng $6$ hòm hàng là: $316 + 327 + 336 + 338 + 349 + 351$ $= 2\;017\;(kg).$ Vậy tổng khối lượng $6$ hòm hàng là một số chia cho $5$ dư $2$ (vì tận cùng là $7).$

Mặt khác, trong $5$ hòm đã bán, tổng khối lượng hàng bán buổi sáng gấp $4$ lần tổng khối lượng hàng bán buổi chiều, nên tổng khối lượng hàng đã bán là một số chia hết cho $5.$

Do hai điều trên, ta suy ra khối lượng hòm hàng còn lại là một số chia cho $5$ dư $2.$ Trong các số chỉ khối lượng đã cho, chỉ có $327$ là chia $5$ dư $2$ (vì tận cùng là $7).$

Vậy hòm còn lại chứa $327\;kg.$

BT 26: Tổng các số từ $1$ đến $154$ có chia hết cho $2$ hay không? Có chia hết cho $5$ hay không?

Gọi $A$ là tổng các số tự nhiên từ $1$ đến $154$ thì

$A = (154+1)\cdot 154 : 2 = 155\cdot 77.$

$A$ không chia hết cho $2$ (vì tích $155\cdot 77$ không chứa thừa số nào chia hết cho $2).$

$A$ chia hết cho $5$ (vì tích $155\cdot 77$ có chứa thừa số $155$ chia hết cho $5).$

BT 27: Có phép trừ hai số tự nhiên nào mà số trừ gấp bốn lần hiệu và số bị trừ bằng $2\;022$ hay không?

Gọi hiệu là $a$ thì số trừ là $4a.$ Vì số bị trừ bằng hiệu cộng với số trừ nên số bị trừ là: $a+4a = 5a.$

Như vậy số bị trừ chia hết cho $5.$

Trong khi đó, $2\;022$ lại không chia hết cho $5.$

Vậy không có phép trừ nào thỏa mãn yêu cầu đề bài.

BT 28: Hãy điền chín số tự nhiên từ $1$ đến $9$ vào chín vòng tròn ở hình sau đây, sao cho tổng ba số thẳng hàng chia hết cho $5.$

Bài tập Toán 6 - Chuyên đề DẤU HIỆU CHIA HẾT CHO 2, CHO 5.

Gọi số ở chính giữa là $a.$

Tổng các số tự nhiên từ $1$ đến $9$ bằng: $1+ 2+3 + … +9 = 45.$

Khi cộng bốn bộ ba số thẳng hàng (trong hình) thì số $a$ được cộng $4$ lần. Do đó tổng bốn bộ ba số thẳng hàng bằng $45 + 3a.$

Theo đề, $45+3a \;\vdots\;5$ nên $3a \;\vdots\;5.$ Hai số $3$ và $5$ không cùng chia hết cho một số nào khác $1$ nên $a\;\vdots\;5.$ Vậy $a = 5.$

Hai số thẳng hàng với $a$ phải có tổng chia hết cho $5.$ Ta chọn chúng là $1$ và $9;$ $2$ và $8;$ $3$ và $7;$ $4$ và $6.$ Các số được điền như hình sau:

Bài tập Toán 6 - Chuyên đề DẤU HIỆU CHIA HẾT CHO 2, CHO 5.
Chia sẻ nếu thấy hay:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.