Sau đây là Hướng dẫn và lời giải chi tiết các bài tập của Bài LUYỆN TẬP CHUNG trang 41 – Chương 7, trong sách giáo khoa môn Toán lớp 6 – tập 2, thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Bài tập 7.21 (Trang 41 / Toán 6 – tập 2 / Kết nối tri thức) Tính một cách hợp lý:
a) 5,3 – (-5,1) + (-5,3) + 4,9;
b) (2,7 – 51,4) – (48,6 – 7,3);
c) 2,5 . (-0,124) + 10,124 . 2,5.
Giải
a) 5,3 – (-5,1) + (-5,3) + 4,9
= 5,3 + 5,1 + (-5,3) + 4,9
= 5,3 + (-5,3) + 5,1 + 4,9
= [5,3 + (-5,3)] + (5,1 + 4,9)
= 0 + 10 = 10.
b) (2,7 – 51,4) – (48,6 – 7,3)
= 2,7 – 51,4 – 48,6 + 7,3
= 2,7 + 7,3 – 51,4 – 48,6
= (2,7 + 7,3) – (51,4 + 48,6)
= 10 – 100 = -90.
c) 2,5 . (-0,124) + 10,124 . 2,5
= 2,5 . [(-0,124) + 10,124]
= 2,5 . 10 = 25.
Bài tập 7.22 (Trang 41 / Toán 6 – tập 2 / Kết nối tri thức) Tính giá trị của biểu thức sau:
7,05 – (a + 3,5 +0,85) khi a 
= 
-7,2.
Giải
Thay a = -7,2 vào biểu thức, ta được:
7,05 – (a + 3,5 +0,85)
= 7,05 – (-7,2 + 3,5 + 0,85)
= 7,05 – (-3,7 + 0,85)
= 7,05 – (-2,85)
= 7,05 + 2,85
= 9,9.
Lưu ý
Bài giải trên đây đang áp dụng THỨ TỰ THỰC HIỆN CÁC PHÉP TÍNH mà các em đã được học ở HK1.
Bài tập 7.23 (Trang 41 / Toán 6 – tập 2 / Chân trời sáng tạo) Gạo là thức ăn chính của người dân Việt Nam. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 100 g gạo tẻ giã có chứa khoảng 75 g chất bột đường; 8,1 g chất đạm; 1,3 g chất béo và nhiều vi chất khác.
a) Tính tỷ lệ phần trăm khối lượng chất béo có trong 100 g gạo.
b) Trong 1,5 kg gạo có chứa bao nhiêu gam chất béo?
Giải
a) Trong 100 g gạo có chứa 1,3 g chất béo. Do đó, tỷ lệ phần trăm khối lượng chất béo có trong 100 g gạo là:
$$\frac{1,3}{100} \cdot 100\% = 1,3\%$$
b) Đổi 1,5 kg = 1 
500 g.
Dựa vào kết quả câu a), ta có khối lượng chất béo chiếm 1,3% khối lượng gạo.
Ta có:
$$1\: 500 \cdot \frac{1,3}{100} = 19,5$$
Vậy trong 1,5 kg gạo có chứa 19,5 g chất béo.
Bài tập 7.24 (Trang 41 / Toán 6 – tập 2 / Chân trời sáng tạo) Cường ra siêu thị mua 3,5 kg khoai tây; 4 kg củ cải. Giá (chưa tính thuế) của 1 kg khoai tây là 18 nghìn đồng; 1 kg củ cải là 15,6 nghìn đồng.
a) Tính tổng số tiền hàng.
b) Khi thanh toán, Cường phải trả thêm tiền thuế giá trị gia tăng VAT, được tính bằng 10% tổng số tiền hàng. Tính số tiền Cường phải thanh toán.
Giải
a) Tổng số tiền hàng là:
3,5 . 18 + 4 . 15,6 = 125,4 (nghìn đồng).
b) Số tiền thuế là:
$$125,4 \cdot \frac{10}{100} = 12,54\; (\textup{nghìn đồng})$$
Vậy số tiền Cường phải thanh toán là:
125,4 + 12,54 = 137,94 (nghìn đồng).
Mở rộng
Gọi $a$ là tổng số tiền hàng (theo giá niêm yết của nơi bán, đôi khi được gọi là “số tiền trước thuế”).
Nếu khi thanh toán phải trả thêm thuế VAT (=10%) thì số tiền thực sự cần thanh toán là:
$$a + a \cdot \frac{10}{100}$$
$$= a \cdot \left(1 + \frac{10}{100}\right)$$
$$= a \cdot \frac{110}{100}$$
Có thể viết gọn biểu thức cuối cùng thành $a \cdot 110\%$
Vậy, tổng số tiền phải thanh toán (kể cả thuế) bằng 110% tổng số tiền hàng.
Do đó ta có cách khác để giải câu b) là:
Theo câu a), tổng số tiền hàng là 125,4 nghìn đồng. Suy ra, tổng số tiền phải thanh toán (kể cả thuế) là: $125,4 \cdot \frac{110}{100} = 137,94$ (nghìn đồng).
Bài tập 7.25 (Trang 41 / Toán 6 – tập 2 / Chân trời sáng tạo) Theo báo điện tử VINANET (14-2-2020), năm 2019 Việt Nam sản xuất khoảng 201 nghìn tấn hạt tiêu. Như vậy, sản lượng hạt tiêu Việt Nam chiếm khoảng 30% sản lượng hạt tiêu toàn thế giới. Em hãy tính sản lượng hạt tiêu đã sản xuất trên toàn thế giới vào năm 2019.
Giải
Theo đề bài, 30% sản lượng hạt tiêu toàn thế giới là 201 nghìn tấn.
Do đó, sản lượng hạt tiêu toàn thế giới là:
$$201 : \frac{30}{100} = 201 \cdot \frac{100}{30} = 670\; (\textup{nghìn tấn})$$