$\S\;$ 2.3. DẤU HIỆU CHIA HẾT CHO $2,3,5,9.$

Học xong bài này, ta không cần thực hiện phép chia nhưng vẫn biết một số tự nhiên bất kỳ có chia hết cho $2,3,5,9$ hay không. Để biết một số có chia hết cho $2$ hoặc $5$ hay không, ta dựa vào chữ số tận cùng của nó (tức là chữ số hàng đơn vị); còn để biết một số có chia hết cho $3$ hoặc $9$ hay không, ta lại dựa vào tổng các chữ số của nó.

Đây là bài số 3 trong tống số 10 bài của chuỗi bài viết [Bài học Toán 6 - Cơ bản - 02] TÍNH CHIA HẾT TRONG TẬP HỢP SỐ TỰ NHIÊN

Dấu hiệu chia hết cho $2.$

Các số có chữ số tận cùng là $0,2,4,6,8$ thì chia hết cho $2,$ và chỉ những số đó mới chia hết cho $2.$

Chẳng hạn:

+) $256$ có chữ số tận cùng là $6$ nên chia hết cho $2.$

+) $7\;143$ có chữ số tận cùng là $3$ nên không chia hết cho $2.$

Ví dụ 1: Số nào chia hết cho $2$ trong các số sau đây: $94;$ $387;$ $708;$ $2\;025?$

Giải:

Các số $94$ và $708$ đều chia hết cho $2$ (vì có chữ số tận cùng lần lượt là $4$ và $8).$

Các số $387$ và $2\;025$ đều không chia hết cho $2$ (vì có chữ số tận cùng lần lượt là $7$ và $5).$

Dấu hiệu chia hết cho $5.$

Các số có chữ số tận cùng là $0$ hoặc $5$ thì chia hết cho $5,$ và chỉ những số đó mới chia hết cho $5.$

Chẳng hạn:

+) $845$ có chữ số tận cùng là $5$ nên chia hết cho $5.$

+) $907$ có chữ số tận cùng là $7$ nên không chia hết cho $5.$

Ví dụ 2: Số nào chia hết cho $5$ trong các số sau đây: $502;$ $125;$ $860;$ $709?$

Giải:

Các số $125$ và $860$ đều chia hết cho $5$ (vì có chữ số tận cùng lần lượt là $5$ và $0).$

Các số $502$ và $709$ đều không chia hết cho $5$ (vì có chữ số tận cùng lần lượt là $2$ và $9).$

Dấu hiệu chia hết cho $3.$

Các số có tổng các chữ số chia hết cho $3$ thì chia hết cho $3,$ và chỉ những số đó mới chia hết cho $3.$

Chẳng hạn:

+) $123$ có tổng các chữ số là $1+2+3=6\;\vdots\;3$ nên $123\;\vdots\;3.$

+) $703$ có tổng các chữ số là $7+0+3=10\;\not{\vdots}\;3$ nên $703\;\not{\vdots}\;3.$

Ví dụ 3: Số nào chia hết cho $3$ trong các số sau đây: $201;$ $1\;092;$ $4\;123?$

Giải:

Ta có $2+0+1=3\;\vdots\;3$ nên $201\;\vdots\;3.$

Ta có $1+0+9+2=12\;\vdots\;3$ nên $1\;092\;\vdots\;3.$

Ta có $4+1+2+3=10\;\not{\vdots}\;3$ nên $4\;123\;\not{\vdots}\;3.$

Dấu hiệu chia hết cho $9.$

Các số có tổng các chữ số chia hết cho $9$ thì chia hết cho $9,$ và chỉ những số đó mới chia hết cho $9.$

Chẳng hạn:

+) $891$ có tổng các chữ số là $8+9+1=18\;\vdots\;9$ nên $891\;\vdots\;9.$

+) $1\;009$ có tổng các chữ số là $1+0+0+9=10\;\not{\vdots}\;9$ nên $1\;009\;\not{\vdots}\;9.$

Ví dụ 4: Số nào chia hết cho $9$ trong các số sau đây: $319;$ $105;$ $3\;087?$

Giải:

Ta có $3+1+9=13\;\not{\vdots}\;9$ nên $319\;\not{\vdots}\;9.$

Ta có $1+0+5=6\;\not{\vdots}\;9$ nên $105\;\not{\vdots}\;9.$

Ta có $3+0+8+7=18\;\vdots\;9$ nên $3\;087\;\vdots\;9.$

Bài tập:

1)- Cho các số: $15;$ $22;$ $23;$ $27;$ $18;$ $2\;021;$ $2\;022;$ $7\;980.$ Trong các số đó, tìm các số:

a) chia hết cho $2.$

b) chia hết cho $5.$

c) chia hết cho $2$ nhưng không chia hết cho $5.$

d) chia hết cho cả $2$ và $5.$

2)- Cho các số: $372;$ $261;$ $4\;262;$ $3\;772;$ $5\;426;$ $65\;426;$ $7\;371.$ Trong các số đó, tìm các số:

a) chia hết cho $3.$

b) chia hết cho $9.$

c) chia hết cho cả $3$ và $9.$

d) chia hết cho $3$ nhưng không chia hết cho $9.$

3)- Có thể xếp $792$ bạn học sinh thành $9$ hàng đều nhau không?

4)- Cho số $A=\overline{287*}.$ Thay dấu $*$ bởi chữ số nào để:

a) $A$ chia hết cho $2?$

b) $A$ chia hết cho $5$ nhưng không chia hết cho $2.$

c) $A$ chia hết cho $3.$

d) $A$ chia hết cho cả $2$ và $3.$

5)- Không thực hiện phép tính, hãy cho biết tổng (hiệu) sau có chia hết cho $5$ hay không?

a) $2\;020+2\;021.$

b) $2\;025^3-2\;020^3.$

Giải:

1)-

a) Các số chia hết cho $2$ là $22;$ $18;$ $2\;022;$ $7\;980$ (vì chữ số tận cùng của chúng lần lượt là $2; 8; 2; 0).$

b) Các số chia hết cho $5$ là $15;$ $7\;980$ (vì chữ số tận cùng của chúng lần lượt là $5;0).$

c) Các số chia hết cho $2$ nhưng không chia hết cho $5$ là $22;$ $18;$ $2\;022.$

d) Số chia hết cho cả $2$ và $5$ là $7\;980.$

2)- Tính tổng các chữ số của các số đã cho:

+) $372$ có tổng các chữ số là $3+7+2=12.$

+) $261$ có tổng các chữ số là $2+6+1=9.$

+) $4\;262$ có tổng các chữ số là $4+2+6+2=14.$

+) $3\;772$ có tổng các chữ số là $3+7+7+2=19.$

+) $5\;426$ có tổng các chữ số là $5+4+2+6=17.$

+) $65\;426$ có tổng các chữ số là $6+5+4+2+6=23.$

+) $7\;371$ có tổng các chữ số là $7+3+7+1=18.$

a) Các số $372;$ $261;$ $7\;371$ có tổng các chữ số lần lượt là $12;$ $9;$ $18$ đều chia hết cho $3.$ Do đó, các số $372;$ $261;$ $7\;371$ chia hết cho $3.$

b) Các số $261;$ $7\;371$ có tổng các chữ số lần lượt là $9;$ $18$ đều chia hết cho $9.$ Do đó, các số $261;$ $7\;371$ chia hết cho $9.$

c) Các số $261;$ $7\;371$ chia hết cho cả $3$ và $9.$

d) Số $372$ chia hết cho $3$ nhưng không chia hết cho $9.$

3)- Ta có $7+9+2=18\;\vdots\;9$ nên $792\;\vdots\;9.$ Do đó, có thể xếp $792$ bạn học sinh thành $9$ hàng đều nhau được.

4)- Ta nhận thấy $*$ là chữ số tận cùng của $A=\overline{287*}.$

a) Để $A$ chia hết cho $2$ thì chữ số tận cùng của nó phải là $0;2;4;6;8.$ Vậy $*$ là một trong các chữ số $0;2;4;6;8.$

b) Để $A$ chia hết cho $5$ nhưng không chia hết cho $2$ thì chữ số tận cùng của nó phải bằng $5.$ Vậy $*=5$ thì $A$ chia hết cho $5.$

c) Để $A$ chia hết cho $3$ thì tổng các chữ số của nó phải chia hết cho $3.$ Tức là $2+8+7+*$ chia hết cho $3.$ Do đó, $(17+*)\;\vdots\;3$ (vì $2+8+7+*=17+*).$

Thử thay $*$ lần lượt bằng $0;1;2;3;4;5;6;7;8;9$ ta thấy để $(17+*)\;\vdots\;3$ thì $*$ bằng $1;4;7.$

Vậy $*$ bằng một trong các chữ số $1;4;7$ thì $A$ chia hết cho $3.$

d) Kết hợp câu a) và c), để $A$ chia hết cho cả $2$ và $3$ thì $*=4.$

5)-

a) Các số $2\;020; 2\;021$ có chữ số tận cùng lần lượt là $0;1.$ Do đó: $2\;020\;\vdots\;5$ và $2\;021\;\not{\vdots}\;5.$

Suy ra: $(2\;020+2\;021)\;\not{\vdots}\;5$ (tính chất chia hết của một tổng).

b) $2\;025^3-2\;020^3.$

Các số $2\;025;2\;020$ có chữ số tận cùng lần lượt là $5;0.$ Do đó, $2\;025$ và $2\;020$ đều chia hết cho $5.$

Suy ra: $2\;025^3\;\vdots\;5$ và $2\;020^3\;\vdots\;5$ (tính chất chia hết của một tích).

Suy ra: $(2\;025^3-2\;020^3)\;\vdots\;5.$

Xem tiếp bài trong cùng Series<< $\S\;$ 2.2. TÍNH CHẤT CHIA HẾT.$\S\;$ 2.4. ƯỚC VÀ BỘI. >>
Chia sẻ nếu thấy hay:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.