$\S\;$ 2.4. ƯỚC VÀ BỘI.

Đây là bài số 4 trong tống số 10 bài của chuỗi bài viết [Bài học Toán 6 - Cơ bản - 02] TÍNH CHIA HẾT TRONG TẬP HỢP SỐ TỰ NHIÊNKhái niệm ước, bội. Nếu $a$ chia hết cho $b,$ ta nói $b$ là ước của $a$ và $a$ là bội của $b.$ (Trong […]

Đây là bài số 4 trong tống số 10 bài của chuỗi bài viết [Bài học Toán 6 - Cơ bản - 02] TÍNH CHIA HẾT TRONG TẬP HỢP SỐ TỰ NHIÊN

Khái niệm ước, bội.

Nếu $a$ chia hết cho $b,$ ta nói $b$ là ước của $a$ và $a$ là bội của $b.$ (Trong đó, $a,b$ là các số tự nhiên, $b\neq 0).$

Khái niệm ước, bội.

Chẳng hạn:

+) Ta có $24\;\vdots\;6$ nên $6$ là ước của $24$ và $24$ là bội của $6.$

+) Vì $34\;\not{\vdots}\;5$ nên $5$ không phải là ước của $34$ (và $34$ không phải là bội của $5).$

Ví dụ 1:

a) Số nào là ước của $90$ trong các số sau đây: $7; 18; 3; 26; 15.$

b) Số nào là bội của $4$ trong các số sau đây: $8; 25; 0; 42.$

Giải:

a) Trong các số đã cho, ta thấy $90$ chia hết cho $18; 3; 15.$ Do đó, các số $18; 3; 15$ là các ước của $90.$

b) Trong các số đã cho, ta thấy $8;0$ chia hết cho $4.$ Do đó, các số $8; 0$ là các bội của $4.$

Ví dụ 2: Bạn Nguyệt muốn chia $50$ viên kẹo thành các phần bằng nhau. Gọi $x$ là số viên kẹo trong mỗi phần. Em hãy giải thích vì sao $x$ là ước của $50.$

Giải:

Do $50$ viên kẹo chia thành các phần bằng nhau, mỗi phần có $x$ viên kẹo nên $50\;\vdots\;x.$

Suy ra, $x$ là ước của $50.$

Ví dụ 3: Giả sử các học sinh trong một trường học khi xếp thành các hàng $20$ người thì vừa hết (chẵn hàng, không lẻ người nào). Gọi $x$ là số học sinh của trường đó. Em hãy giải thích vì sao $x$ là bội của $20.$

Giải:

Trường đó có $x$ học sinh xếp thành $20$ hàng thì vừa hết nên $x\;\vdots\;20.$

Do đó, $x$ là bội của $20.$

Chú ý:

+) Số $0$ không là ước của bất kỳ số tự nhiên nào (vì không có phép chia cho số $0).$

+) Số $0$ là bội của mọi số tự nhiên khác $0$ (vì $0$ chia hết cho mọi số tự nhiên khác $0).$

Cách tìm ước.

Ký hiệu $Ư(a)$ là tập hợp các ước của $a.$ Do đó, nếu $x$ là một ước của $a$ thì ta viết $x\in Ư(a).$

Chẳng hạn, vì $6$ là một ước của $24$ nên ta viết $6\in Ư(24).$

Cách tìm ước: Muốn tìm các ước của $a\;(a>1),$ ta lần lượt chia $a$ cho các số tự nhiên từ $1$ đến $a,$ nếu $a$ chia hết cho số nào thì số đó là ước của $a.$

Chẳng hạn, muốn tìm các ước của $10,$ ta lần lượt chia $10$ cho các số từ $1$ đến $10.$ Nhận thấy $10$ chỉ chia hết cho $1;2;5;10.$ Do đó, $Ư(10)=\{1;2;5;10\}.$

Ví dụ 4: Tìm tập hợp $Ư(25).$

Giải:

Lần lượt chia $25$ cho các số tự nhiên từ $1$ đến $25.$ Ta thấy $25$ chỉ chia hết cho $1;5;25.$ Do đó, $Ư(25)=\{1;5;25\}.$

Cách tìm bội.

Ký hiệu $B(b)$ là tập hợp các bội của $b.$ Do đó, nếu $y$ là một bội của $b$ thì ta viết $y\in B(b).$

Chẳng hạn, vì $24$ là một bội của $6$ nên ta viết $24\in B(6).$

Cách tìm bội: Ta có thể tìm các bội của một số tự nhiên $b \;(b\neq 0)$ bằng cách nhân số đó với $0;1;2;3;…$ Khi đó, các kết quả nhận được đều là bội của $b.$

Chẳng hạn, để tìm các bội của $6,$ ta lấy $6$ nhân lần lượt với $0;1;2;3; …,$ ta được $0;6;12;18;…$ Do đó, $B(6)=\{0;6;12;18;…\}.$

Nhận xét: Luôn có dấu ba chấm “…” khi viết tập hợp $B(b).$

Ví dụ 5: Tìm tập hợp $B(5).$

Giải:

Lấy $5$ nhân lần lượt với $0;1;2;3;…,$ ta được $0;5;10;15;…$

Do đó, $B(5)=\{0;5;10;15;…\}.$

Ví dụ 6: Hãy tìm tất cả các bội nhỏ hơn $20$ của $3.$

Giải:

Lấy $3$ nhân lần lượt với $0;1;2;3;4;5;6;7…$ ta được $0;3;6;9;12;15;18;21…$ Do đó, tập hợp các bội của $3$ là $B(3)=\{0;3;6;9;12;15;18;21;…\}.$

Suy ra tất cả các bội nhỏ hơn $20$ của $3$ là: $0;3;6;9;12;15;18.$

Bài tập:

1)- Thay $(?)$ bởi ký hiệu $\in$ hoặc $\notin$ phù hợp:

a) $5\;(?)\;Ư(705).$

b) $3\;(?)\;Ư(209).$

c) $2\;023\;(?)\;B(2).$

d) $3\;456\;(?)\;B(9).$

2)- Viết các tập hợp sau bằng cách liệt kê các phần tử:

a) Tập hợp các ước của $12.$

b) Tập hợp các bội của $9.$

3)- Tìm các số tự nhiên $n$ sao cho $10\;\vdots\;n.$

4)- Tìm các số tự nhiên $x$ sao cho:

a) $x\;\vdots\;15$ và $0 < x\leq 40.$

b) $16\;\vdots\;x$ và $x < 4.$

5)- Cô Lan có một số chiếc bánh mà khi xếp vào $3$ hộp thì vừa hết (số chiếc bánh trong mỗi hộp là như nhau).

a) Hãy giải thích vì sao số chiếc bánh mà cô Lan có là bội của $3.$

b) Biết rằng cô Lan có khoảng từ $16$ đến $20$ chiếc bánh. Tìm số chiếc bánh mà cô Lan có.

6)- Có bao nhiêu cách xếp $45$ học sinh thành các hàng dọc đều nhau (số học sinh của các hàng bằng nhau)?

Giải:

1)-

a) $5\;\in\;Ư(705).$

Giải thích: Vì $705\;\vdots\;5$ nên $5$ là ước của $705$ $\Rightarrow 5\in Ư(705).$

b) $3\;\notin\;Ư(209).$

Giải thích: Vì $209\;\not{\vdots}\;3$ nên $3$ không là ước của $209$ $\Rightarrow 3\notin Ư(209).$

c) $2\;023\;\notin\;B(2).$

Giải thích: Vì $2\;023\;\not{\vdots}\;2$ nên $2\;023$ không là bội của $2$ $\Rightarrow 2\;023\notin B(2).$

d) $3\;456\;\in\;B(9).$

Giải thích: Vì $3+4+5+6=18\;\vdots\;9$ nên $3\;456\;\vdots\;9.$ Do đó, $3\;456$ là bội của $9,$ hay $3\;456\in B(9).$

2)-

a) Lấy $12$ chia cho các số từ $1$ đến $12,$ ta thấy $12$ chỉ chia hết cho $1;2;3;4;6;12.$ Do đó, tập hợp các ước của $12$ là: $Ư(12)=\{1;2;3;4;6;12\}.$

b) Lấy $9$ nhân với các số $0;1;2;3;…$ ta được $0;9;18;27;…$ Do đó, tập hợp các bội của $9$ là $B(9)=\{0;9;18;27;…\}.$

3)- Để $10\;\vdots\;n$ thì $n$ là ước của $10.$

Vậy tập hợp các số tự nhiên $n$ sao cho $10\;\vdots\;n$ là $Ư(10)=\{1;2;5;10\}.$

4)-

a) Để $x\;\vdots\;15$ thì $x$ là bội của $15.$ Vậy $x\in B(15)=\{0;15;30;45;…\}.$

Mà $0 < x\leq 40$ nên $x$ là $15$ hoặc $30.$

b) Để $16\;\vdots\;x$ thì $x$ là ước của $16.$ Vậy $x\in Ư(16)=\{1;2;4;8;16\}.$

Mà $x < 4$ nên $x$ là $1$ hoặc $2.$

5)- Cô Lan có một số chiếc bánh mà khi xếp vào $3$ hộp thì vừa hết (số chiếc bánh trong mỗi hộp là như nhau).

a) Số chiếc bánh mà cô Lan có chia hết cho $3$ nên là bội của $3.$

b) Tập hợp các bội của $3$ là $B(3)=\{0;3;6;…;15;18;21;…\}.$

Do cô Lan có khoảng từ $16$ đến $20$ chiếc bánh nên cô Lan có $18$ chiếc bánh.

6)- Gọi $x$ là số hàng dọc xếp được.

Vì $45$ học sinh xếp được thành $x$ hàng dọc đều nhau nên $45\;\vdots\;x.$ Do đó, $x$ là ước của $45.$

Suy ra tập hợp các giá trị của $x$ là $Ư(45)=\{1;3;5;9;15;45\}.$

Vậy $45$ học sinh có thể xếp thành $1$ hàng, $3$ hàng, $5$ hàng, $9$ hàng, $15$ hàng, hoặc $45$ hàng. Tóm lại có $6$ cách xếp $45$ học sinh thành các hàng đều nhau.

Xem tiếp bài trong cùng Series<< $\S\;$ 2.3. DẤU HIỆU CHIA HẾT CHO $2,3,5,9.$$\S\;$ 2.5. SỐ NGUYÊN TỐ VÀ HỢP SỐ. PHÂN TÍCH MỘT SỐ RA THỪA SỐ NGUYÊN TỐ. >>
Chia sẻ nếu thấy hay:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.