$\S\;$ 2.7. TÌM ƯỚC CHUNG, ƯỚC CHUNG LỚN NHẤT BẰNG CÁCH PHÂN TÍCH CÁC SỐ RA THỪA SỐ NGUYÊN TỐ.

Bằng cách phân tích các số $a$ và $b$ ra thừa số nguyên tố, ta vẫn có thể tìm được $ƯCLN(a,b)$ mà không cần phải viết tập hợp $ƯC(a,b)$ trước.

Đây là bài số 7 trong tống số 10 bài của chuỗi bài viết [Bài học Toán 6 - Cơ bản - 02] TÍNH CHIA HẾT TRONG TẬP HỢP SỐ TỰ NHIÊN

Bài $\S\;$ 2.6 đã nêu cách tìm ước chung và ước chung lớn nhất của hai hay nhiều số dựa vào định nghĩa. Nhắc lại:

+) Ta có thể viết tập hợp $ƯC(a,b)$ bằng cách chọn ra các phần tử chung của $Ư(a)$ và $Ư(b).$

+) Ta có thể tìm $ƯCLN(a,b)$ bằng cách chọn ra số lớn nhất trong tập hợp $ƯC(a,b).$

Tuy nhiên, bằng cách phân tích các số $a$ và $b$ ra thừa số nguyên tố, ta vẫn có thể tìm được $ƯCLN(a,b)$ mà không cần phải viết tập hợp $ƯC(a,b)$ trước.

Cách tìm Ước chung lớn nhất.

Các bước tìm ƯCLN của hai hay nhiều số lớn hơn $1:$Ví dụ: Tìm $ƯCLN(24,60)$.
(1) Phân tích mỗi số ra thừa số nguyên tố.Phân tích ra thừa số nguyên tố: $24=2^3\cdot 3$ và $60=2^2\cdot 3\cdot 5.$
(2) Chọn ra các thừa số nguyên tố chung.Các thừa số nguyên tố chung là ${\color{red}2}$ và ${\color{red}3}.$
(3) Lập tích các thừa số đã chọn, mỗi thừa số lấy với số mũ nhỏ nhất. Tích đó là ƯCLN phải tìm.Số mũ nhỏ nhất của ${\color{red}2}$ là ${\color{green}2}.$ Số mũ nhỏ nhất của ${\color{red}3}$ là ${\color{green}1}.$
Do đó: $ƯCLN(24,60)$ $={\color{red}2}^{\color{green}2}\cdot {\color{red}3}^{\color{green}1}$ $=12.$

Ví dụ 1: Tìm $ƯCLN(56,140,168).$

Giải:

Phân tích ra thừa số nguyên tố: $56=2^3\cdot 7;\;$ $140=2^2\cdot 5\cdot 7;\;$ $168=2^3\cdot 3\cdot 7.$

Các thừa số nguyên tố chung là $2$ và $7.$

Số mũ nhỏ nhất của $2$ là $2;$ số mũ nhỏ nhất của $7$ là $1.$ Do đó, $ƯCLN(56,140,168)=2^2\cdot 7^1=28.$

Chú ý: Sau bước phân tích các số ra thừa số nguyên tố, nếu chúng không có thừa số nguyên tố chung thì ƯCLN của chúng bằng $1.$ Hai số có ƯCLN bằng $1$ được gọi là hai số nguyên tố cùng nhau.

Ví dụ 2: Tìm $ƯCLN(24,25).$ Dựa vào đó để cho biết $24$ và $25$ có phải là hai số nguyên tố cùng nhau hay không?

Giải:

Phân tích ra thừa số nguyên tố: $24=2^3\cdot 3;\;$ $25=5^2.$

Ta thấy $24$ và $25$ không có thừa số nguyên tố chung. Do đó, $ƯCLN(24,25)=1.$

Từ đó suy ra rằng $24$ và $25$ là hai số nguyên tố cùng nhau.

Chú ý: Phương pháp tìm ƯCLN bằng cách phân tích các số ra thừa số nguyên tố chỉ áp dụng đối với các số lớn hơn $1.$ Nếu các số cần tìm ƯCLN có số $1$ thì ƯCLN của chúng bằng $1.$ Chẳng hạn, $ƯCLN(2\;023, 1)=1;\;$ $ƯCLN(1, 3, 15)=1.$

Tìm ước chung dựa vào ước chung lớn nhất.

Ta có nhận xét rằng: “ƯC của hai hay nhiều số đều là ước của ƯCLN của chúng”. Vậy ta có thể tìm ƯC dựa vào ƯCLN.

Các bước tìm ƯC dựa vào ƯCLN:Ví dụ: Tìm $ƯC(24,60).$
(1) Tìm ƯCLN của các số.Ta có: $ƯCLN(24,60)=12.$
(2) Tìm các ước của ƯCLN đó.Các ước của $12$ là: $1;2;3;4;6;12.$
Vậy $ƯC(24,60)$ $=\{1;2;3;4;6;12\}.$

Ví dụ 3: Tìm $ƯC(63,147).$

Giải:

Phân tích ra thừa số nguyên tố: $63=3^2\cdot 7;\;$ $147=3\cdot 7^2.$

Các thừa số nguyên tố chung là $3$ và $7.$ Số mũ nhỏ nhất của $3$ là $1;$ số mũ nhỏ nhất của $7$ là $1.$

Vậy $ƯCLN(63,147)=3\cdot 7=21.$

Suy ra: $ƯC(63,147)=Ư(21)=\{1;3;7;21\}.$

Bài tập:

1)- Tìm: $ƯCLN(1,49);\;$ $ƯCLN(15,30);\;$ $ƯCLN(27,35);\;$ $ƯCLN(84,156).$

2)- Dựa vào ƯCLN, tìm $ƯC(180,234).$

3)- Số $9$ và số $25$ có phải là hai số nguyên tố cùng nhau không?

Giải:

1)- $ƯCLN(1,49)=1;\;$ $ƯCLN(15,30)=15;\;$ $ƯCLN(27,35)=1;\;$ $ƯCLN(84,156)=12.$

2)- Phân tích ra thừa số nguyên tố: $180=2^2\cdot 3^2\cdot 5$ và $234=2\cdot 3^2\cdot 13.$

Thừa số nguyên tố chung là $2$ và $3.$ Số mũ nhỏ nhất của $2$ là $1;$ số mũ nhỏ nhất của $3$ là $2.$

Do đó, $ƯCLN(180,234)=2\cdot 3^2=18.$

Suy ra $ƯC(180,234)=Ư(18)=\{1;2;3;6;9;18\}.$

3)- Phân tích ra thừa số nguyên tố: $9=3^2$ và $25=5^2.$ Vì không có thừa số nguyên tố chung nên $ƯCLN(9,25)=1.$ Do đó, $9$ và $25$ là hai số nguyên tố cùng nhau.

Xem tiếp bài trong cùng Series<< $\S\;$ 2.6. ƯỚC CHUNG VÀ ƯỚC CHUNG LỚN NHẤT.$\S\;$ 2.8. BỘI CHUNG VÀ BỘI CHUNG NHỎ NHẤT. >>
Chia sẻ nếu thấy hay:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.