Dấu của một số nguyên.
Mỗi số nguyên được xác định bởi hai phần: phần dấu và phần số.

Chẳng hạn:
+) Số $-9$ có phần dấu là $-$ và phần số là $9.$
+) Số $+10$ có phần dấu là $+$ và phần số là $10.$
+) Số $4$ (là cách ghi khác của $+4)$ có phần dấu là $+$ và phần số là $4.$
Cần nhớ: Số dương thì có phần dấu là $+$ và số âm thì có phần dấu là $-.$ Số $0$ thì “không có dấu”.
Số đối của một số nguyên.
Hai số nguyên trên trục số nằm về hai phía của điểm $0$ và cách đều điểm $0$ được gọi là hai số đối nhau.
Chẳng hạn, hai điểm $-3$ và $3$ nằm về hai phía của điểm $0$ và đều cách điểm $0$ một khoảng là $3$ đơn vị; do đó, $-3$ và $3$ là hai số đối nhau.

Nếu hai số nguyên đối nhau, ta nói số này là số đối của số kia và ngược lại. Chẳng hạn, $-3$ là số đối của $3$ (và $3$ là số đối của $-3).$
Chú ý: Ta quy ước: Số đối của $0$ là $0$ (tức là chính nó).
Ví dụ: Tìm số đối của mỗi số sau: $-12; 35;0;-9.$
Giải:
Số đối của $-12;35;0;-9$ lần lượt là: $12;-35;0;9.$
Mẹo: Muốn tìm số đối của một số khác $0,$ ta chỉ cần đổi dấu của nó.
Bài tập:
1)- Xác định phần dấu của mỗi số sau: $24; -75; 0; +46.$
2)- Tìm số đối của mỗi số sau: $4; -7; 0; -2\;023.$
3)- Trả lời các câu hỏi sau:
a) Nếu $a$ là số nguyên dương thì số đối của $a$ là số nguyên dương hay số nguyên âm?
b) Nếu $b$ là số nguyên âm thì số đối của $b$ là số nguyên dương hay số nguyên âm?
c) Số đối của mọi số tự nhiên là số âm đúng không?
d) Có số nguyên nào mà số đối của nó là chính nó không?
Giải:
1)- Phần dấu của mỗi số $24; -75; +46$ lần lượt là: $+; -; +.$
Riêng số $0$ không có dấu.
2)- Số đối của mỗi số $4; -7; 0; -2\;023$ lần lượt là: $-4; 7; 0; 2\;023.$
3)-
a) Nếu $a$ là số nguyên dương thì số đối của $a$ là số nguyên âm.
b) Nếu $b$ là số nguyên âm thì số đối của $b$ là số nguyên dương.
c) SAI. Số đối của $0$ là $0,$ không phải là số âm.
d) CÓ. Số đối của $0$ là chính nó.