$\S\;$ 3.7. PHÉP NHÂN SỐ NGUYÊN.

Đây là bài số 7 trong tống số 12 bài của chuỗi bài viết [Bài học Toán 6 - Cơ bản - 03] SỐ NGUYÊNGiống như với số tự nhiên, kết quả của phép nhân hai số nguyên $a\cdot b$ được gọi là tích của hai thừa số $a$ và $b.$ Để tìm tích của […]

Đây là bài số 7 trong tống số 12 bài của chuỗi bài viết [Bài học Toán 6 - Cơ bản - 03] SỐ NGUYÊN

Giống như với số tự nhiên, kết quả của phép nhân hai số nguyên $a\cdot b$ được gọi là tích của hai thừa số $a$ và $b.$

Để tìm tích của hai số nguyên khác $0,$ ta làm hai bước:

Bước 1 (Tìm phần dấu của tích): Dựa vào dấu của các thừa số:

  • Nếu hai thừa số cùng dấu (cùng là số dương hoặc cùng là số âm) thì tích mang dấu dương $(+).$
  • Nếu hai thừa số khác dấu (một số dương, một số âm) thì tích mang dấu âm $(-).$

Bước 2 (Tìm phần số của tích): Nhân các phần số của hai thừa số lại ta được phần số của tích.

Để được tích, ta đặt phần dấu ở Bước 1 vào trước phần số ở Bước 2.

Ví dụ 1: Tính tích: $(-3)\cdot (-7).$

Hướng dẫn:

Nhận thấy cả hai thừa số (là $-3$ và $-7)$ đều âm $\rightarrow$ cùng dấu. Do đó:

  • phần dấu của tích là dương $(+).$
  • phần số của tích là $3\cdot 7$ (là tích các phần số của hai thừa số).

Đặt phần dấu vào trước phần số: $+(3\cdot 7)=3\cdot 7.$

Giải:

$(-3)\cdot (-7)=3\cdot 7=21.$

Ví dụ 2: Tính tích: $5\cdot (-4).$

Hướng dẫn:

Nhận thấy hai thừa số (là $5$ và $-4)$ khác dấu. Do đó:

  • phần dấu của tích là âm $(-).$
  • phần số của tích là $5\cdot 4$ (là tích các phần số của hai thừa số).

Đặt phần dấu vào trước phần số: $-(5\cdot 4).$

Giải:

$5\cdot (-4)=-(5\cdot 4)=-20.$

Ví dụ 3: Trong vòng $4$ tháng, lợi nhuận mỗi tháng của một công ty là $-70$ triệu đồng (tức là lỗ $70$ triệu đồng). Tính lợi nhuận của công ty sau $4$ tháng đó.

Giải:

Lợi nhuận của công ty sau $4$ tháng đó là: $4\cdot (-70)=-(4\cdot 70)=-280$ (triệu đồng).

(Tức là lỗ $280$ triệu đồng.)

Chú ý: Tích của một số nguyên với $0$ thì bằng $0:$

$a\cdot 0=0\cdot a=0.$

Bài tập:

1)- Tính:

a) $5\cdot (-11).$

b) $(-3)\cdot (-9).$

c) $7\cdot 10.$

d) $(-12)\cdot 4.$

2)- Tính $77\cdot 13.$ Từ đó suy ra kết quả của:

a) $(-77)\cdot 13.$

b) $77\cdot (-13).$

c) $(-13)\cdot 77.$

d) $(-77)\cdot (-13).$

3)- Trong một trò chơi điện tử, cứ mỗi lần bắn trượt mục tiêu sẽ được $-15$ điểm. Hỏi nếu bắn trượt mục tiêu $7$ lần thì số điểm nhận được tương ứng là bao nhiêu?

Giải:

1)-

a) $5\cdot (-11)=-(5\cdot 11)=-55.$

b) $(-3)\cdot (-9)=3\cdot 9=27.$

c) $7\cdot 10=70.$

d) $(-12)\cdot 4=-(12\cdot 4)=-48.$

2)- Ta có: $77\cdot 13=1\;001.$

a) $(-77)\cdot 13=-(77\cdot 13)=-1\;001.$

b) $77\cdot (-13)=-(77\cdot 13)=-1\;001.$

c) $(-13)\cdot 77=-(13\cdot 77)=-1\;001.$

d) $(-77)\cdot (-13)=77\cdot 13=1\;001.$

3)- Số điểm nhận được sau $7$ lần bắn trượt mục tiêu là: $7\cdot (-15)=-(7\cdot 15)=-105$ (điểm).

(Tức là bị trừ $105$ điểm.)

Xem tiếp bài trong cùng Series<< $\S\;$ 3.6. PHÉP TRỪ SỐ NGUYÊN.$\S\;$ 3.8. PHÉP CHIA HẾT HAI SỐ NGUYÊN. ƯỚC VÀ BỘI CỦA MỘT SỐ NGUYÊN. >>
Chia sẻ nếu thấy hay:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.