$\S\;$ 3.8. PHÉP CHIA HẾT HAI SỐ NGUYÊN. ƯỚC VÀ BỘI CỦA MỘT SỐ NGUYÊN.

Dựa vào sự chia hết của các số tự nhiên, ta định nghĩa được sự chia hết trong tập hợp số nguyên. Từ khái niệm chia hết đó, ta cũng định nghĩa được ước và bội của một số nguyên.

Đây là bài số 8 trong tống số 12 bài của chuỗi bài viết [Bài học Toán 6 - Cơ bản - 03] SỐ NGUYÊN

Phép chia hết hai số nguyên.

Khái niệm chia hết.

Cho hai số nguyên $a$ và $b$ (với $b$ khác $0).$ Nếu phần số của $a$ chia hết cho phần số của $b$ thì ta nói $a$ chia hết cho $b,$ ký hiệu là $a\;\vdots\;b.$

Ta vẫn dùng ký hiệu $a\;\not{\vdots}\;b$ để chỉ “$a$ không chia hết cho $b$”.

Chẳng hạn:

+) Xét hai số nguyên $-27$ và $3.$ Ta thấy $27\;\vdots\;3$ nên $-27\;\vdots\;3.$

+) Xét hai số nguyên $17$ và $-2.$ Ta thấy $17\;\not{\vdots}\;2$ nên $17\;\not{\vdots}\;-2.$

Cách tính thương $a\;:\;b.$

Nếu số nguyên $a$ chia hết cho số nguyên $b$ thì ta tính thương $a\;:\;b$ như sau:

Bước 1 (Tìm phần dấu của thương): Dựa vào dấu của $a$ và $b,$

  • Nếu $a$ và $b$ cùng dấu thì thương $a\;:\;b$ mang dấu dương $(+).$
  • Nếu $a$ và $b$ khác dấu thì thương $a\;:\;b$ mang dấu âm $(-).$

Bước 2 (Tìm phần số của thương): Lấy phần số của $a$ chia cho phần số của $b$ ta được phần số của thương $a\;:\;b.$

Để được thương, ta đặt phần dấu ở Bước 1 vào trước phần số ở Bước 2.

Ví dụ 1: Tính: $(-45)\;:\;(-5).$

Hướng dẫn:

Hai số $-45$ và $-5$ cùng dấu (âm) nên:

  • phần dấu của thương là dương $(+);$
  • phần số của thương là $45\;:\;5.$

Đặt phần dấu vào trước phần số: $+(45\;:\;5)=45\;:\;5.$

Giải:

$(-45)\;:\;(-5)=45\;:\;5=9.$

Ví dụ 2: Tính $75\;:\;(-15).$

Hướng dẫn:

Hai số $75$ và $-15$ khác dấu nên:

  • phần dấu của thương là âm $(-);$
  • phần số của thương là $75\;:\;15.$

Đặt phần dấu vào trước phần số: $-(75\;:\;15).$

Giải:

$75\;:\;(-15)=-(75\;:\;15)=-5.$

Ví dụ 3: Sau một quý $(3$ tháng) kinh doanh, tổng lợi nhuận của ông Bình là $-15$ triệu đồng (hay lỗ $15$ triệu đồng). Tính lợi nhuận trung bình mỗi tháng của ông Bình.

Giải:

Lợi nhuận trung bình mỗi tháng của ông Bình là: $(-15)\;:\;3=-(15\;:\;3)=-5$ (triệu đồng).

(Tức là ông Bình lỗ khoảng $5$ triệu đồng mỗi tháng).

Ước và bội của một số nguyên.

Khái niệm ước và bội trong tập hợp các số nguyên $\mathbb{Z}$ tương tự như ước và bội trong tập hợp các số tự nhiên $\mathbb{N}.$ Đó là:

Nếu $a$ chia hết cho $b$ thì $a$ là bội của $b$ và $b$ là ước của $a$ (với $a,b\in\mathbb{Z}).$

Ví dụ 4: Cho các số nguyên: $-2;3;5;-9.$

a) Số nào là ước của $-5$ trong các số đã cho?

b) Số nào là bội của $3$ trong các số đã cho?

Giải:

a) Ta thấy $-5$ chia hết cho $5$ nên $5$ là ước của $-5.$

b) Ta thấy các số $3$ và $-9$ chia hết cho $3$ nên $3$ và $-9$ là các bội của $3.$

Nhận xét: Do sự chia hết chỉ liên quan đến phần số của số nguyên (mà không liên quan đến phần dấu), ta có:

  • Nếu $a$ là bội của $b$ thì $-a$ cũng là bội của $b.$
  • Nếu $b$ là ước của $a$ thì $-b$ cũng là ước của $a.$

Vì vậy, để tìm các ước (hoặc bội) của một số nguyên $x,$ ta tìm các ước (hoặc bội) không âm của $x,$ cùng với các số đối của chúng.

Ví dụ 5: Tìm tất cả các ước (nguyên) của $6.$

Hướng dẫn:

Trước tiên, ta tìm các ước không âm của $6,$ đó là: $1;2;3;6.$

Từ đó, thêm vào các số đối của các ước vừa tìm được, đó là: $-1;-2;-3;-6.$

Vậy ta được tất cả các ước (nguyên) của $6$ là: $-6;-3;-2;-1;1;2;3;6.$

Giải:

Các ước không âm của $6$ gồm: $1;2;3;6.$

Số đối của các ước vừa tìm được là: $-1;-2;-3;-6.$

Vậy tất cả các ước (nguyên) của $6$ là: $-6;-3;-2;-1;1;2;3;6.$

Ví dụ 6: Tìm các bội (nguyên) của $-2.$

Hướng dẫn:

Trước tiên, tìm các bội không âm của $-2,$ đó là: $0;2;4;6;8;…$

Từ đó, thêm vào các số đối của các bội vừa tìm được, đó là: $0;-2;-4;-6;-8;…$

Vậy ta được các bội (nguyên) của $-2$ là: $…;-8;-6;-4;-2;0;2;4;6;8;…$

(Lưu ý có dấu ba chấm $(…)$ ở đầu và cuối dãy; số $0$ chỉ viết một lần, không cần lặp lại.)

Giải:

Các bội không âm của $-2$ gồm: $0;2;4;6;8;…$

Số đối của các bội vừa tìm được là: $0;-2;-4;-6;-8;…$

Vậy các bội (nguyên) của $-2$ là: $…;-8;-6;-4;-2;0;2;4;6;8;…$

Bài tập:

1)- Tính:

a) $192\;:\;(-3).$

b) $(-450)\;:\;(-90).$

c) $(-725)\;:\;25.$

d) $(+350)\;:\;(-14).$

2)- Minh chơi một trò chơi điện tử. Mỗi lần bắn trượt mục tiêu sẽ nhận được $-15$ điểm.

a) Nếu Minh bắn trượt mục tiêu $2$ lần thì số điểm của Minh bị giảm bao nhiêu điểm?

b) Sau một số lần bắn trượt mục tiêu, số điểm của Minh đã bị giảm $60$ điểm. Hỏi Minh bắn trượt mục tiêu mấy lần?

3)- Một tủ cấp đông khi chưa bật thì nhiệt độ bằng $22^oC.$ Khi bật tủ đông, nhiệt độ bên trong tủ giảm $2^oC$ mỗi phút.

a) Sau khi bật tủ $12$ phút, nhiệt độ bên trong tủ là bao nhiêu độ $C?$

b) Phải mất bao lâu (từ khi bắt đầu bật tủ) thì tủ đông đạt $-12^o C?$

4)-

a) Tìm các ước nguyên của $35.$

b) Tìm các bội khác $0$ của $6,$ lớn hơn $-36$ và nhỏ hơn $20.$

Giải:

1)-

a) $192\;:\;(-3)=-(192\;:\;3)=-64.$

b) $(-450)\;:\;(-90)=450\;:\;90=5.$

c) $(-725)\;:\;25=-(725\;:\;25)=-29.$

d) $(+350)\;:\;(-14)=-(350\;:\;14)=-25.$

2)-

a) Nếu Minh bắn trượt mục tiêu $2$ lần thì Minh nhận được: $2\cdot (-15)=-(2\cdot 15)=-30$ (điểm).

Tức là số điểm của Minh bị giảm $30$ điểm sau $2$ lần bắn trượt mục tiêu.

b) Bị giảm $60$ điểm cũng có nghĩa là nhận được $-60$ điểm.

Do đó, số lần Minh bắn trượt mục tiêu là: $(-60)\;:\;(-15)=60\;:\;15=4$ (lần).

3)-

a) Sau khi bật tủ $12$ phút, nhiệt độ bên trong tủ giảm: $12\cdot 2=24\;(^oC).$

Do đó, sau khi bật $12$ phút thì nhiệt độ bên trong tủ là: $22-24=-(24-22)=-2\;(^oC)
.$

b) Khi tủ đông đạt $-12^oC$ thì nhiệt đã thay đổi: $(-12)-22$ $=(-12)+(-22)$ $=-(12+22)$ $=-34\;(^oC).$

Tức là nhiệt độ đã giảm $34^oC.$

Do đó, thời gian để tủ đông đạt $-12^oC$ là: $34\;:\;2=17$ (phút).

4)-

a) Các ước không âm của $35$ gồm: $1;5;7;35.$

Các số đối của các ước vừa tìm được gồm: $-1;-5;-7;-35.$

Vậy các ước nguyên của $35$ gồm: $-35;-7;-5;-1;1;5;7;35.$

b) Các bội không âm của $6$ gồm: $0;6;12;18;24;30;36;…$

Số đối của các bội vừa tìm được là: $0;-6;-12;-18;-24;-30;-36;…$

Vậy các bội (nguyên) của $6$ gồm: $…;-36;-30;-24;-18;-12;-6;0;6;12;18;24;…$

Ta cần tìm các bội khác $0,$ lớn hơn $-36$ và nhỏ hơn $20$ nên ta chọn các số: $-30;-24;-18;-12;-6;0;6;12;18.$

Xem tiếp bài trong cùng Series<< $\S\;$ 3.7. PHÉP NHÂN SỐ NGUYÊN.$\S\;$ 3.9. THỨ TỰ THỰC HIỆN PHÉP TÍNH. QUY TẮC DẤU NGOẶC. >>
Chia sẻ nếu thấy hay:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.