$\S\;$ 4.2. PHÂN SỐ BẰNG NHAU.

Những phân số biểu diễn cùng một giá trị được gọi là các phân số bằng nhau. Trong bài này, chúng ta tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về khái niệm hai phân số bằng nhau, sau đó, ta đưa ra "quy tắc bằng nhau của hai phân số" (làm cơ sở thực hành để xác định hai phân số bất kỳ có bằng nhau hay không).

Đây là bài số 2 trong tống số 12 bài của chuỗi bài viết [Bài học Toán 6 - Cơ bản - 04] PHÂN SỐ

Khái niệm hai phân số bằng nhau.

Hai phân số được gọi là bằng nhau nếu chúng biểu diễn cùng một giá trị.

Chẳng hạn, ta có $\dfrac{15}{-3}=15:(-3)=-5$ và $\dfrac{-10}{2}=(-10):2=-5.$ Ta thấy hai phân số $\dfrac{15}{-3}$ và $\dfrac{-10}{2}$ mặc dù có cách viết khác nhau nhưng đều bằng $-5.$ Do đó, ta nói $\dfrac{15}{-3}$ và $\dfrac{-10}{2}$ là hai phân số bằng nhau, ký hiệu là $\dfrac{15}{-3}=\dfrac{-10}{2}.$

Nếu hai phân số $\dfrac{a}{b}$ và $\dfrac{c}{d}$ bằng nhau, ta viết bằng ký hiệu là $\dfrac{a}{b}=\dfrac{c}{d}.$

Ví dụ 1:

a) Dùng hình vẽ để biểu diễn mỗi phân số $\dfrac{2}{3}$ và $\dfrac{4}{6}.$

b) Dựa vào các hình vẽ ở câu a), em hãy cho biết hai phân số $\dfrac{2}{3}$ và $\dfrac{4}{6}$ có bằng nhau hay không?

Hướng dẫn:

a) Để biểu diễn một phân số bằng hình vẽ, ta vẽ các ô vuông bằng nhau, trong đó:

+) mẫu số tương đương với số ô tổng cộng.

+) tử số tương đương với số ô được tô màu.

b) Nếu chồng khít hai hình lên nhau mà phần tô màu trùng nhau thì hai phân số đó bằng nhau.

Giải:

a)

Hình vẽ biểu diễn phân số $\dfrac{2}{3}$ là:

Hai phân số bằng nhau.

Hình vẽ biểu diễn phân số $\dfrac{4}{6}$ là:

Khái niệm hai phân số bằng nhau.

b) Hai hình vẽ trên có thể chồng khít lên nhau và phần được tô màu trùng nhau nên hai phân số biểu diễn hai hình vẽ đó bằng nhau, tức là $\dfrac{2}{3}=\dfrac{4}{6}.$

Quy tắc bằng nhau của hai phân số.

Ta thừa nhận quy tắc sau khi xem xét hai phân số có bằng nhau hay không:

Xét hai phân số $\dfrac{a}{b}$ và $\dfrac{c}{d}.$

Nếu $a\cdot d=b\cdot c$ thì $\dfrac{a}{b}=\dfrac{c}{d}.$

Ngược lại, nếu $\dfrac{a}{b}=\dfrac{c}{d}$ thì $a\cdot d=b\cdot c.$

Quy tắc bằng nhau của hai phân số.

Ví dụ 2:

a) Hai phân số $\dfrac{-2}{3}$ và $\dfrac{4}{-6}$ có bằng nhau hay không? Vì sao?

b) Hai phân số $\dfrac{8}{-7}$ và $\dfrac{9}{-8}$ có bằng nhau hay không? Vì sao?

Giải:

a) Ta có $(-2)\cdot(-6)=3\cdot 4$ (đều bằng $12).$

Do đó $\dfrac{-2}{3}=\dfrac{4}{-6}.$

b) Ta thấy $8\cdot(-8)=-64$ và $(-7)\cdot 9=-63$ nên $8\cdot(-8)\neq (-7)\cdot 9.$

Do đó $\dfrac{8}{-7}\neq \dfrac{9}{-8}.$

Ví dụ 3: Tìm số nguyên $x,$ biết:

a) $\dfrac{x}{6}=\dfrac{2}{3}.$

b) $\dfrac{-8}{x}=\dfrac{2}{-5}.$

Giải:

a) Để $\dfrac{x}{6}=\dfrac{2}{3}$ thì $x\cdot 3=6\cdot 2.$

Do đó, $x\cdot 3=12.$ Dẫn đến $x=12:3=4.$

Vậy $x=4.$

b) Để $\dfrac{-8}{x}=\dfrac{2}{-5}$ thì $(-8)\cdot(-5)=x\cdot 2.$

Do đó, $40=x\cdot 2.$ Dẫn đến $x=40:2=20.$

Vậy $x=20.$

Bài tập:

1)- Mỗi cặp phân số sau đây có bằng nhau không? Vì sao?

a) $\dfrac{2}{3}$ và $\dfrac{3}{9}.$

b) $\dfrac{-7}{-4}$ và $\dfrac{14}{8}.$

c) $\dfrac{1}{9}$ và $\dfrac{3}{11}.$

d) $\dfrac{4}{-9}$ và $\dfrac{-8}{18}.$

2)- Tìm số nguyên $x,$ biết:

a) $\dfrac{x}{-15}=\dfrac{-2}{5}.$

b) $\dfrac{-7}{-5}=\dfrac{14}{x}.$

c) $\dfrac{x}{-5}=4.$

d) $\dfrac{8}{x}=-2.$

3)- Tìm số nguyên $x,$ biết:

a) $\dfrac{2x}{9}=\dfrac{2}{3}.$

b) $\dfrac{x+1}{15}=-2.$

4)- Tìm các số nguyên $x,y,$ biết: $\dfrac{-10}{15}=\dfrac{x}{-9}=\dfrac{-8}{y}.$

Giải:

1)-

a) $\dfrac{2}{3}\neq\dfrac{3}{9}$ vì $2\cdot 9\neq 3\cdot 3.$

b) $\dfrac{-7}{-4}=\dfrac{14}{8}$ vì $(-7)\cdot 8=(-4)\cdot 14$ (đều bằng $56).$

c) $\dfrac{1}{9}\neq\dfrac{3}{11}$ vì $1\cdot 11\neq 9\cdot 3.$

d) $\dfrac{4}{-9}=\dfrac{-8}{18}$ vì $4\cdot 18=(-9)\cdot(-8)$ (đều bằng $72).$

2)-

a) Muốn $\dfrac{x}{-15}=\dfrac{-2}{5}$ thì $x\cdot 5=(-15)\cdot(-2),$ hay $x\cdot 5=30.$ Dẫn đến $x=30:5=6.$

b) Muốn $\dfrac{-7}{-5}=\dfrac{14}{x}$ thì $(-7)\cdot x=(-5)\cdot 14,$ hay $(-7)\cdot x=-70.$ Dẫn đến $x=(-70):(-7)=10.$

c) Muốn $\dfrac{x}{-5}=4$ thì $x=(-5)\cdot 4=-20.$

d) Muốn $\dfrac{8}{x}=-2$ thì $8=x\cdot(-2).$ Dẫn đến $x=8:(-2)=-4.$

3)-

a) Muốn $\dfrac{2x}{9}=\dfrac{2}{3}$ thì $(2x)\cdot 3=9\cdot 2,$ hay $(2x)\cdot 3=18.$ Dẫn đến $2x=18:3=6.$

Muốn $2x=6$ thì $x=6:2=3.$

b) Muốn $\dfrac{x+1}{15}=-2$ thì $x+1=15\cdot(-2),$ hay $x+1=-30.$ Dẫn đến $x=-30-1=-31.$

4)- Vì $\dfrac{x}{-9}=\dfrac{-10}{15}$ nên $x\cdot 15=(-9)\cdot(-10),$ hay $x\cdot 15=90.$ Dẫn đến $x=90:15=6.$

Vì $\dfrac{-10}{15}=\dfrac{-8}{y}$ nên $(-10)\cdot y=15\cdot(-8),$ hay $(-10)\cdot y=-120.$ Dẫn đến $y=(-120):(-10)=12.$

Xem tiếp bài trong cùng Series<< $\S\;$ 4.1. MỞ RỘNG KHÁI NIỆM PHÂN SỐ.$\S\;$ 4.3. TÍNH CHẤT CƠ BẢN CỦA PHÂN SỐ. RÚT GỌN PHÂN SỐ. QUY ĐỒNG MẪU NHIỀU PHÂN SỐ. >>
Chia sẻ nếu thấy hay:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.