$\S\;$ 4.5. CỘNG, TRỪ PHÂN SỐ.

Một điểm cần để ý khi cộng, trừ phân số là ta phải làm cho mẫu số của các phân số giống nhau (quy đồng mẫu số). Trong bài học này, chúng ta học (ôn tập) các quy tắc cộng, trừ phân số.

Đây là bài số 5 trong tống số 12 bài của chuỗi bài viết [Bài học Toán 6 - Cơ bản - 04] PHÂN SỐ

Cách cộng phân số.

Muốn cộng hai phân số có cùng mẫu, ta cộng các tử và giữ nguyên mẫu: $\dfrac{a}{m}+\dfrac{b}{m}=\dfrac{a+b}{m}.$

Muốn cộng hai phân số không cùng mẫu, ta quy đồng mẫu các phân số đó (để được các phân số có cùng mẫu), rồi cộng các phân số nhận được.

Ví dụ 1: Tính:

a) $\dfrac{-25}{2023}+\dfrac{13}{2023}.$

b) $\dfrac{-5}{11}+\dfrac{-6}{11}.$

c) $\dfrac{2}{5}+\dfrac{-7}{2}.$

d) $\dfrac{-3}{8}+\dfrac{-5}{-12}.$

Hướng dẫn:

a) Hai phân số có cùng mẫu, ta cộng các tử và giữ nguyên mẫu.

b) Hai phân số có cùng mẫu, làm tương tự câu a). Rút gọn kết quả nếu cần.

c) và d) Hai phân số khác mẫu, ta quy đồng mẫu số để được hai phân số có cùng mẫu, rồi thực hiện cộng hai phân số cùng mẫu.

Giải:

a) $\dfrac{-25}{2023}+\dfrac{13}{2023}$ $=\dfrac{(-25)+13}{2023}$ $=\dfrac{-12}{2023}.$

b) $\dfrac{-5}{11}+\dfrac{-6}{11}$ $=\dfrac{(-5)+(-6)}{11}$ $=\dfrac{-11}{11}$ $=-1.$

c) $\dfrac{2}{5}+\dfrac{-7}{2}=?$

Quy đồng mẫu:

$\dfrac{2}{5}=\dfrac{2\cdot 2}{5\cdot 2}=\dfrac{4}{10};$

$\dfrac{-7}{2}=\dfrac{(-7)\cdot 5}{2\cdot 5}=\dfrac{-35}{10}.$

Thực hiện phép cộng:

$\dfrac{2}{5}+\dfrac{-7}{2}$ $=\dfrac{4}{10}+\dfrac{-35}{10}$ $=\dfrac{4+(-35)}{10}$ $=\dfrac{-31}{10}.$

d) $\dfrac{-3}{8}+\dfrac{-5}{-12}=?$

Quy đồng mẫu:

$\dfrac{-3}{8}=\dfrac{(-3)\cdot 3}{8\cdot 3}=\dfrac{-9}{24};$

$\dfrac{-5}{-12}=\dfrac{5}{12}=\dfrac{5\cdot 2}{12\cdot 2}=\dfrac{10}{24}.$

Thực hiện phép cộng:

$\dfrac{-3}{8}+\dfrac{-5}{-12}$ $=\dfrac{-9}{24}+\dfrac{10}{24}$ $=\dfrac{(-9)+10}{24}$ $=\dfrac{1}{24}.$

Ví dụ 2: Một xí nghiệp trong tháng Giêng đạt $\dfrac{3}{8}$ kế hoạch của Quý I, tháng Hai đạt $\dfrac{2}{7}$ kế hoạch của Quý I. Hỏi sau hai tháng đó, xí nghiệp đã đạt được bao nhiêu phần kế hoạch của Quý I?

Giải:

Ta cần tính: $\dfrac{3}{8}+\dfrac{2}{7}=?$

Ta có: $\dfrac{3}{8}=\dfrac{3\cdot 7}{8\cdot 7}=\dfrac{21}{56}$ và $\dfrac{2}{7}=\dfrac{2\cdot 8}{7\cdot 8}=\dfrac{16}{56}.$

Do đó: $\dfrac{3}{8}+\dfrac{2}{7}$ $=\dfrac{21}{56}+\dfrac{16}{56}$ $=\dfrac{21+16}{56}$ $=\dfrac{37}{56}.$

Vậy sau hai tháng đó, xí nghiệp đã đạt được $\dfrac{37}{56}$ kế hoạch của Quý I.

Cách trừ phân số.

Muốn trừ hai phân số có cùng mẫu, ta lấy tử của phân số thứ nhất trừ cho tử của phân số thứ hai và giữ nguyên mẫu: $\dfrac{a}{m}-\dfrac{b}{m}=\dfrac{a-b}{m}.$

Muốn trừ hai phân số không cùng mẫu, ta quy đồng mẫu các phân số đó (để được các phân số có cùng mẫu), rồi trừ các phân số nhận được.

Ví dụ 3: Tính:

a) $\dfrac{7}{15}-\dfrac{9}{15}.$

b) $\dfrac{7}{5}-\dfrac{4}{3}.$

Giải:

a) $\dfrac{7}{15}-\dfrac{9}{15}$ $=\dfrac{7-9}{15}$ $=\dfrac{-2}{15}.$

b) $\dfrac{7}{5}-\dfrac{4}{3}=?$

Quy đồng mẫu:

$\dfrac{7}{5}=\dfrac{7\cdot 3}{5\cdot 3}=\dfrac{21}{15};$

$\dfrac{4}{3}=\dfrac{4\cdot 4}{3\cdot 5}=\dfrac{16}{15}.$

Thực hiện phép trừ:

$\dfrac{7}{5}-\dfrac{4}{3}$ $=\dfrac{21}{15}-\dfrac{16}{15}$ $=\dfrac{21-16}{15}$ $=\dfrac{5}{15}$ $=\dfrac{1}{3}.$

Ví dụ 4: Có hai vòi nước: vòi thứ nhất dùng để cấp nước cho bể (chảy vào bể), mỗi giờ chảy được $\dfrac{1}{5}$ bể; vòi thứ hai dùng để tháo nước trong bể (rút nước ra khỏi bể khi bể có nước), mỗi giờ chảy cạn $\dfrac{1}{7}$ bể. Hỏi nếu mở cả hai vòi cùng lúc thì mỗi giờ được mấy phần bể?

Giải:

Ta cần tính: $\dfrac{1}{5}-\dfrac{1}{7}=?$

Ta có: $\dfrac{1}{5}=\dfrac{1\cdot 7}{5\cdot 7}=\dfrac{7}{35}$ và $\dfrac{1}{7}=\dfrac{1\cdot 5}{7\cdot 5}=\dfrac{5}{35}.$

Do đó: $\dfrac{1}{5}-\dfrac{1}{7}$ $=\dfrac{7}{35}-\dfrac{5}{35}$ $=\dfrac{7-5}{35}$ $=\dfrac{2}{35}.$

Vậy nếu mở cả hai vòi cùng lúc thì mỗi giờ chảy được $\dfrac{2}{35}$ bể.

Ví dụ 5: Tìm $x,$ biết:

a) $x-\dfrac{3}{4}=\dfrac{1}{2}.$

b) $\dfrac{-5}{6}-x=\dfrac{2}{-45}.$

Giải:

a) Muốn $x-\dfrac{3}{4}=\dfrac{1}{2}$ thì $x=\dfrac{1}{2}+\dfrac{3}{4}$ $=\dfrac{2}{4}+\dfrac{3}{4}$ $=\dfrac{2+3}{4}$ $=\dfrac{5}{4}.$

Vậy $x=\dfrac{5}{4}.$

b) Muốn $\dfrac{-5}{6}-x=\dfrac{2}{-45}$ thì $x=\dfrac{-5}{6}-\dfrac{2}{-45}$

Mà $\dfrac{-5}{6}=\dfrac{(-5)\cdot 15}{6\cdot 15}=\dfrac{-75}{90}$ và $\dfrac{2}{-45}=\dfrac{-2}{45}=\dfrac{(-2)\cdot 2}{45\cdot 2}=\dfrac{-4}{90}.$

Do đó: $x=\dfrac{-5}{6}-\dfrac{2}{-45}$ $=\dfrac{-75}{90}-\dfrac{-4}{90}$ $=\dfrac{(-75)-(-4)}{90}$ $=\dfrac{-75+4}{90}$ $=\dfrac{-71}{90}.$

Vậy $x=\dfrac{-71}{90}.$

Bài tập:

1)- Tính:

a) $\dfrac{-1}{24}+\dfrac{-7}{24}.$

b) $\dfrac{4}{15}+\dfrac{7}{18}.$

c) $\dfrac{9}{28}-\dfrac{-5}{28}.$

d) $\dfrac{2}{75}-\dfrac{1}{30}.$

2)- Trong mỗi phép tính sau, hãy viết số nguyên dưới dạng phân số có mẫu thích hợp rồi thực hiện phép tính.

a) $3-\dfrac{4}{7}.$

b) $\dfrac{5}{13}+2.$

3)- Chị Hằng mới đi làm và nhận được tháng lương đầu tiên. Chị quyết định dùng $\dfrac{2}{5}$ số tiền đó để chi tiêu trong tháng, dành $\dfrac{1}{4}$ số tiền để mua quà biếu bố mẹ.

a) Tính tổng số phần tiền lương mà chị Hằng quyết định dùng để chi tiêu trong tháng và mua quà biếu bố mẹ.

b) Tìm số phần tiền lương còn lại của chị Hằng.

4)- Tìm $x,$ biết: $\dfrac{-5}{6}-x=\dfrac{7}{12}+\dfrac{-1}{3}.$

Giải:

1)-

a) $\dfrac{-1}{24}+\dfrac{-7}{24}$ $=\dfrac{(-1)+(-7)}{24}$ $=\dfrac{-8}{24}$ $=\dfrac{-1}{3}.$

b) $\dfrac{4}{15}+\dfrac{7}{18}$

Quy đồng mẫu:

Ta có: $15=3\cdot 5$ và $18=2\cdot 3^2.$

Do đó: $BCNN(15,18)=2\cdot 3^2\cdot 5=90.$

Ta chọn mẫu chung là $90.$ Các thừa số phụ là: $90:15=6$ và $90:18=5.$

Ta được:

$\dfrac{4}{15}=\dfrac{4\cdot 6}{15\cdot 6}=\dfrac{24}{90};$

$\dfrac{7}{18}=\dfrac{7\cdot 5}{18\cdot 5}=\dfrac{35}{90}.$

Thực hiện phép tính:

$\dfrac{4}{15}+\dfrac{7}{18}$ $=\dfrac{24}{90}+\dfrac{35}{90}$ $=\dfrac{24+35}{90}$ $=\dfrac{59}{90}.$

c) $\dfrac{9}{28}-\dfrac{-5}{28}$ $=\dfrac{9-(-5)}{28}$ $=\dfrac{9+5}{28}$ $=\dfrac{14}{28}$ $=\dfrac{1}{2}.$

d) $\dfrac{2}{75}-\dfrac{1}{30}$

Quy đồng:

Ta có: $75=3\cdot 5^2$ và $30=2\cdot 3\cdot 5.$

Do đó: $BCNN(75,30)=2\cdot 3\cdot 5^2=150.$

Ta chọn mẫu chung là $150.$ Các thừa số phụ là: $150:75=2$ và $150:30=5.$

Ta được:

$\dfrac{2}{75}=\dfrac{2\cdot 2}{75\cdot 2}=\dfrac{4}{150};$

$\dfrac{1}{30}=\dfrac{1\cdot 5}{30\cdot 5}=\dfrac{5}{150}.$

Thực hiện phép tính:

$\dfrac{2}{75}-\dfrac{1}{30}$ $=\dfrac{4}{150}-\dfrac{5}{150}$ $=\dfrac{4-5}{150}$ $=\dfrac{-1}{150}.$

2)-

a) $3-\dfrac{4}{7}$ $=\dfrac{3\cdot 7}{7}-\dfrac{4}{7}$ $=\dfrac{21}{7}-\dfrac{4}{7}$ $=\dfrac{21-4}{7}$ $=\dfrac{17}{7}.$

b) $\dfrac{5}{13}+2$ $=\dfrac{5}{13}+\dfrac{2\cdot 13}{13}$ $=\dfrac{5}{13}+\dfrac{26}{13}$ $=\dfrac{6+26}{13}$ $=\dfrac{32}{13}.$

3)-

a) Ta cần tính: $\dfrac{2}{5}+\dfrac{1}{4}$

Ta có: $\dfrac{2}{5}=\dfrac{2\cdot 4}{5\cdot 4}=\dfrac{8}{20}$ và $\dfrac{1}{4}=\dfrac{1\cdot 5}{4\cdot 5}=\dfrac{5}{20}.$

Do đó: $\dfrac{2}{5}+\dfrac{1}{4}$ $=\dfrac{8}{20}+\dfrac{5}{20}$ $=\dfrac{8+5}{20}$ $=\dfrac{13}{20}.$

Tổng số phần tiền lương mà chị Hằng quyết định dùng để chi tiêu trong tháng và mua quà biếu bố mẹ là $\dfrac{13}{20}.$

b) Ta cần tính: $1-\dfrac{13}{20}$ $=\dfrac{20}{20}-\dfrac{13}{20}$ $=\dfrac{20-13}{20}$ $=\dfrac{7}{20}.$

Vậy số phần tiền lương còn lại của chị Hằng là $\dfrac{7}{20}.$

4)- Ta có: $\dfrac{-1}{3}=\dfrac{(-1)\cdot 4}{3\cdot 4}=\dfrac{-4}{12}.$

Do đó: $\dfrac{7}{12}+\dfrac{-1}{3}$ $=\dfrac{7}{12}+\dfrac{-4}{12}$ $=\dfrac{7+(-4)}{12}$ $=\dfrac{7-4}{12}$ $=\dfrac{3}{12}$ $=\dfrac{1}{4}.$

Vậy $\dfrac{-5}{6}-x=\dfrac{1}{4}.$

Dẫn đến $x=\dfrac{-5}{6}-\dfrac{1}{4}.$

Mà $\dfrac{-5}{6}=\dfrac{(-5)\cdot 2}{6\cdot 2}=\dfrac{-10}{12}$ và $\dfrac{1}{4}=\dfrac{1\cdot 3}{4\cdot 3}=\dfrac{3}{12}.$

Do đó: $x=\dfrac{-5}{6}-\dfrac{1}{4}$ $=\dfrac{-10}{12}-\dfrac{3}{12}$ $=\dfrac{-10-3}{12}$ $=\dfrac{-13}{12}.$

Vậy $x=\dfrac{-13}{12}.$

Xem tiếp bài trong cùng Series<< $\S\;$ 4.4. SO SÁNH PHÂN SỐ.$\S\;$ 4.6. SỐ ĐỐI CỦA PHÂN SỐ. QUY TẮC DẤU NGOẶC. >>
Chia sẻ nếu thấy hay:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.