$\S\;$ 4.6. SỐ ĐỐI CỦA PHÂN SỐ. QUY TẮC DẤU NGOẶC.

Ta đã biết rằng: "Tổng của hai số nguyên đối nhau thì bằng 0". Tương tự vậy, mỗi phân số cũng có một số đối sao cho tổng của chúng bằng 0. Trong bài học này, ta cũng nêu ra quy tắc dấu ngoặc, để cho việc tính toán các phân số được nhẹ nhàng hơn và ít sai lầm hơn.

Đây là bài số 6 trong tống số 12 bài của chuỗi bài viết [Bài học Toán 6 - Cơ bản - 04] PHÂN SỐ

Số đối của phân số.

Hai phân số được gọi là đối nhau nếu tổng của chúng bằng $0.$

Ví dụ 1: Mỗi cặp phân số sau đây có phải là hai phân số đối nhau không? Vì sao?

a) $\dfrac{3}{7}$ và $\dfrac{4}{7}.$

b) $\dfrac{5}{20}$ và $\dfrac{1}{-4}.$

Hướng dẫn:

Muốn biết hai phân số có đối nhau hay không, ta thực hiện cộng hai phân số đó: nếu kết quả bằng $0$ thì hai phân số đó đối nhau, nếu kết quả khác $0$ thì hai phân số đó không đối nhau.

Giải:

a) Ta có: $\dfrac{3}{7}+\dfrac{4}{7}=\dfrac{3+4}{7}$ $=\dfrac{7}{7}$ $=1\neq 0.$

Suy ra: $\dfrac{3}{7}$ và $\dfrac{4}{7}$ không phải là hai phân số đối nhau.

b) Ta có: $\dfrac{5}{20}+\dfrac{1}{-4}=\dfrac{1}{4}+\dfrac{-1}{4}$ $=\dfrac{1+(-1)}{4}=0.$

Suy ra: $\dfrac{5}{20}$ và $\dfrac{1}{-4}$ là hai phân số đối nhau.

Nếu hai phân số đối nhau thì phân số này là số đối của phân số kia và ngược lại.

Số đối của phân số $\dfrac{a}{b}$ được ký hiệu là $-\dfrac{a}{b}.$

Ta có: $\dfrac{a}{b}+\left(-\dfrac{a}{b}\right)=0.$

Chẳng hạn, $\dfrac{2}{5}$ và $\dfrac{-2}{5}$ là hai phân số đối nhau (vì $\dfrac{2}{5}+\dfrac{-2}{5}=\dfrac{2+(-2)}{5}=0).$

Do đó, ta viết bằng ký hiệu là: $-\dfrac{2}{5}=\dfrac{-2}{5}.$

Ví dụ 2:

a) Em hãy chứng tỏ rằng $\dfrac{-2}{9}$ và $\dfrac{2}{-9}$ đều là số đối của $\dfrac{2}{9}.$

b) Hãy giải thích vì sao ta có: $-\dfrac{2}{9}=\dfrac{-2}{9}=\dfrac{2}{-9}.$

Giải:

a) Vì $\dfrac{-2}{9}+\dfrac{2}{9}=\dfrac{2+(-2)}=0$ nên $\dfrac{-2}{9}$ là số đối của $\dfrac{2}{9}.$

Tương tự, vì $\dfrac{2}{-9}+\dfrac{2}{9}=\dfrac{-2}{9}+\dfrac{2}{9}=0$ nên $\dfrac{2}{-9}$ là số đối của $\dfrac{2}{9}.$

b) Dựa theo câu a, ta có $\dfrac{-2}{9}$ là số đối của $\dfrac{2}{9}.$ Do đó: $-\dfrac{2}{9}=\dfrac{-2}{9}.$

Cũng vậy, ta có $\dfrac{2}{-9}$ là số đối của $\dfrac{2}{9}.$ Do đó: $-\dfrac{2}{9}=\dfrac{2}{-9}.$

Vậy $-\dfrac{2}{9}=\dfrac{-2}{9}=\dfrac{2}{-9}.$

Lưu ý:

+) Từ ví dụ 2, ta có nhận xét: $-\dfrac{a}{b}=\dfrac{-a}{b}=\dfrac{a}{-b}.$

+) Số đối của $-\dfrac{a}{b}$ là $\dfrac{a}{b}.$ Tức là: $-\left(-\dfrac{a}{b}\right)=\dfrac{a}{b}.$

+) Trừ cho một phân số chính là cộng với số đối của nó: $\dfrac{a}{b}-\dfrac{c}{d} =\dfrac{a}{b}+\left(-\dfrac{c}{d}\right).$

Ví dụ 3: Tính: $\left(-\dfrac{3}{4}\right)+\dfrac{1}{2}.$

Giải:

Vì $-\dfrac{3}{4}=\dfrac{-3}{4}$ nên:

$\left(-\dfrac{3}{4}\right)+\dfrac{1}{2}$ $=\dfrac{-3}{4}+\dfrac{1}{2}$ $=\dfrac{-3}{4}+\dfrac{1}{4}$ $=\dfrac{(-3)+1}{4}$ $=\dfrac{-2}{4}$ $=\dfrac{-1}{2}.$

Quy tắc dấu ngoặc.

Quy tắc dấu ngoặc đối với phân số giống như quy tắc dấu ngoặc đối với số nguyên:

  • Khi bỏ dấu ngoặc kèm theo dấu cộng $(+)$ đằng trước, ta giữ nguyên dấu các số hạng trong ngoặc.
  • Khi bỏ dấu ngoặc kèm theo dấu trừ $(-)$ đằng trước, ta đổi dấu các số hạng trong ngoặc.

Chẳng hạn: $+\left(\dfrac{3}{9}-\dfrac{7}{4}\right)=\dfrac{3}{9}-\dfrac{7}{4};\;\;\;$ $-\left(\dfrac{1}{6}-\dfrac{4}{21}\right)=-\dfrac{1}{6}+\dfrac{4}{21}.$

Lưu ý: Thứ tự khi thực hiện các phép tính với phân số tương tự như khi thực hiện các phép tính với số nguyên.

Ví dụ 4: Bỏ dấu ngoặc rồi tính:

a) $A=\dfrac{1}{2}+\left(-\dfrac{1}{3}\right)-\left(-\dfrac{1}{4}\right).$

b) $B=\dfrac{1}{8}-\left(\dfrac{1}{2}-\dfrac{3}{8}\right).$

Giải:

a) $A=\dfrac{1}{2}+\left(-\dfrac{1}{3}\right)-\left(-\dfrac{1}{4}\right)$ $=\dfrac{1}{2}-\dfrac{1}{3}+\dfrac{1}{4}$

Mà $\dfrac{1}{2}=\dfrac{1\cdot 6}{2\cdot 6}=\dfrac{6}{12};\;\;\;$ $\dfrac{1}{3}=\dfrac{1\cdot 4}{3\cdot 4}=\dfrac{4}{12};\;\;\;$ $\dfrac{1}{4}=\dfrac{1\cdot 3}{4\cdot 3}=\dfrac{3}{12}.$

Vậy $A=\dfrac{6}{12}-\dfrac{4}{12}+\dfrac{3}{12}$ $=\dfrac{6-4+3}{12}$ $=\dfrac{5}{12}.$

b) $B=\dfrac{1}{8}-\left(\dfrac{1}{2}-\dfrac{3}{8}\right)$ $=\dfrac{1}{8}-\dfrac{1}{2}+\dfrac{3}{8}$ $=\dfrac{1}{8}-\dfrac{4}{8}+\dfrac{3}{8}$ $=\dfrac{1-4+3}{8}$ $=\dfrac{0}{8}$ $=0.$

Bài tập:

1)- Chứng tỏ rằng:

a) $\dfrac{-2023}{-2024}$ là số đối của $\dfrac{-2023}{2024}.$

b) $-\dfrac{-9}{8}=-\dfrac{9}{-8}.$

2)- Bỏ dấu ngoặc rồi tính: $-\left(\dfrac{3}{-5}+\dfrac{1}{2}\right)+\left(-\dfrac{1}{5}\right).$

Giải:

1)-

a) Ta có: $\dfrac{-2023}{-2024}+\dfrac{-2023}{2024}$ $=\dfrac{2023}{2024}+\dfrac{-2023}{2024}$ $=\dfrac{2023+(-2023)}{2024}$ $=\dfrac{0}{2024}$ $=0.$

Do đó $\dfrac{-2023}{-2024}$ và $\dfrac{-2023}{2024}$ là hai số đối nhau.

Vậy $\dfrac{-2023}{-2024}$ là số đối của $\dfrac{-2023}{2024}.$

b) Ta có: $-\dfrac{-9}{8}=\dfrac{-(-9)}{8}=\dfrac{9}{8}$ và $-\dfrac{9}{-8}=\dfrac{9}{-(-8)}=\dfrac{9}{8}.$

Do đó $-\dfrac{-9}{8}=-\dfrac{9}{-8}$ (đều bằng $\dfrac{9}{8}).$

2)-

$-\left(\dfrac{3}{-5}+\dfrac{1}{2}\right)+\left(-\dfrac{1}{5}\right)$ $=-\dfrac{3}{-5}-\dfrac{1}{2}-\dfrac{1}{5}$ $=\dfrac{-3}{-5}-\dfrac{1}{2}-\dfrac{1}{5}$ $=\dfrac{3}{5}-\dfrac{1}{2}-\dfrac{1}{5}$ $=\dfrac{6}{10}-\dfrac{5}{10}-\dfrac{2}{10}$ $=\dfrac{6-5-2}{10}$ $=\dfrac{-1}{10}.$

Xem tiếp bài trong cùng Series<< $\S\;$ 4.5. CỘNG, TRỪ PHÂN SỐ.$\S\;$ 4.7. NHÂN, CHIA PHÂN SỐ. >>
Chia sẻ nếu thấy hay:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.