Trước khi tìm hiểu về số nguyên tố và hợp số, cần phải nắm thật vững vàng về khái niệm ước là gì, đã được học ở Bài 13. Đó là nền tảng để chúng ta định nghĩa số nguyên tố và hợp số.
1 – Số nguyên tố là gì?
Số nguyên tố là số tự nhiên lớn hơn 1, chỉ có hai ước là 1 và chính nó.
Như vậy, một số tự nhiên là số nguyên tố nếu có cả 2 yếu tố:
- Nó phải lớn hơn 1;
- Nó chỉ có hai ước là 1 và chính nó (ngoài ra, không còn ước nào cả).
Ví dụ:
- Số 0 và 1 không phải là các số nguyên tố, vì chúng không lớn hơn 1.
- Số 5 là một số nguyên tố, vì 5 >1 và 5 chỉ có hai ước là 1 và 5.
- Số 9 không phải là một số nguyên tố, vì 9 có đến ba ước là 1; 3; 9.
2 – Hợp số là gì?
Hợp số là số tự nhiên lớn hơn 1 và có nhiều hơn hai ước.
Như vậy, một số tự nhiên là hợp số nếu có cả hai yếu tố:
- Nó phải lớn hơn 1;
- Nó có nhiều hơn hai ước (tức là, nó phải có từ ba ước trở lên).
Ví dụ:
- Số 0 và 1 không phải là hợp số vì chúng không lớn hơn 1.
- Số 4 là hợp số vì nó lớn hơn 1 và có ba ước là 1; 2; 4.
- Số 5 không phải là hợp số, vì 5 chỉ có hai ước (là 1 và 5), trong khi hợp số thì phải có nhiều hơn hai ước.
Lưu ý:
- Số 0 và 1 không phải là số nguyên tố, cũng không phải là hợp số.
- Số nguyên tố nhỏ nhất là số 2, và đó là số nguyên tố chẵn duy nhất.
- Số nào là số nguyên tố thì nó không phải là hợp số. Ngược lại, đã là hợp số thì không phải là số nguyên tố.
3 – Bài tập
Các bài tập 115-119 trong sách giáo khoa Toán lớp 6, trang 47 được tổng hợp lại, cùng những hướng dẫn và lời giải chi tiết, trong đường link sau:
Hãy click vào đường link trên để làm bài tập và tìm hiểu cách tìm lời giải.