Trắc nghiệm TOÁN 6 – Chủ đề CHIA CÓ DƯ.

Sau đây là danh sách các Bài tập Trắc Nghiệm TOÁN 6 theo chủ đề: CHIA CÓ DƯ. ♫ Nên xem bài học lý thuyết: PHÉP TRỪ – PHÉP CHIA trước khi làm các bài tập trắc nghiệm phía dưới. Câu 1: Thương và số dư của phép chia 45 : 6 là: (a) Thương […]

Sau đây là danh sách các Bài tập Trắc Nghiệm TOÁN 6 theo chủ đề: CHIA CÓ DƯ.

Nên xem bài học lý thuyết: PHÉP TRỪ – PHÉP CHIA trước khi làm các bài tập trắc nghiệm phía dưới.

Câu 1: Thương và số dư của phép chia 45 : 6 là:

(a) Thương là 6. Số dư là 9;

(b) Thương là 7. Số dư là 3;

(c) Thương là 7. Số dư là 4;

(d) Thương là 8. Số dư là 2.

45 : 6 = 7 (dư 3).

Chọn đáp án (b).

Câu 2: Khi chia một số tự nhiên cho 2, ta có thể được số dư là:

(a) 0 hoặc 1;

(b) 1;

(c) 2;

(d) 3.

Phải nhớ: 0 ≤ SỐ DƯ < SỐ CHIA.

(Số dư luôn lớn hơn hoặc bằng 0 và nhỏ hơn số chia).

Khi chia cho 2 thì SỐ CHIA = 2, do đó 0 ≤ SỐ DƯ < 2.

Vậy số dư có thể là 0 hoặc 1.

Chọn đáp án (a).

Câu 3: Khi chia 250 cho số tự nhiên x thì được thương là 4 và dư 10. Giá trị của x là:

(a) 40;

(b) 50;

(c) 60;

(d) 70.

[Số bị chia] = [Thương] . [Số chia] + [Số dư]

250 = 4 . x + 10.

Suy ra: 4x = 250 – 10 = 240.

Suy ra: x = 240 : 4 = 60.

Chọn đáp án (c).

Câu 4: Khi chia số tự nhiên a cho số tự nhiên b thì ta được thương là 5 và số dư là 4. Hãy chọn phát biểu SAI trong các phát biểu sau đây:

(a) 5b + 4 = a;

(b) a – 4 = 5b;

(c) b < 4;

(d) a – 4 chia hết cho 5.

[SỐ BỊ CHIA] = [THƯƠNG] . [SỐ CHIA] + [SỐ DƯ]

Vậy: a = 5 . b + 4

Hay có thể viết cách khác là: 5b + 4 = a hoặc a – 4 = 5b.

Do đó, các câu (a) và (b) đều đúng. => Không chọn (a) và (b).

Hãy nhớ: [Số dư] < [Số chia]

=> 4 < b. Vậy câu (c) sai. => Chọn (c).

Vì a – 4 = 5b nên a – 4 chia hết cho 5. Vậy câu (d) đúng. => Không chọn (d).

Chọn đáp án (c).

Câu 5: Một phép chia có số chia là 6, thương bằng 18 và số dư là số dư lớn nhất có thể. Số bị chia của phép chia đó là:

(a) 111;

(b) 113;

(c) 114;

(d) 112.

Số chia là 6 và số dư là số dư lớn nhất có thể, vậy số dư là 5 (vì số dư nhỏ hơn số chia).

[số bị chia] = [thương] . [số chia] + [số dư] = 18 . 6 + 5 = 113.

Chọn đáp án (b).

Câu 6: Có 15 người khách muốn đi đò sang sông. Mỗi chuyến đò chở được nhiều nhất là 5 người, kể cả người lái đò. Cần ít nhất số chuyến đò để chở hết số người đó qua sông là:

(a) 3 chuyến đò;

(b) 4 chuyến đò;

(c) 5 chuyến đò;

(d) 6 chuyến đò.

Không tính người lái đò thì mỗi chuyến đò chở được nhiều nhất số người là: 5 – 1 = 4 (người).

Ta có: 15 : 4 = 3 (dư 3).

Vậy cần 3 chuyến chở đầy người (4 người) và 1 chuyến nữa để chở 3 người còn lại. Do đó, số chuyến đò ít nhất cần thiết là: 3 + 1 = 4 (chuyến đò).

Chọn đáp án (b).

Câu 7: Chọn phát biểu SAI:

(a) Nếu a chia cho b dư r thì a – r chia hết cho b.

(b) Nếu phép chia a cho c và phép chia b cho c có cùng số dư thì a – b chia hết cho c.

(c) Nếu a chia hết cho b và b chia hết cho c thì a chia hết cho c.

(d) Nếu a chia cho b dư r và b chia cho c dư r thì a chia cho c cũng dư r.

(a) a chia b dư r nên a = bq + r => a – r = bq. Do đó: a – r chia hết cho b (được thương là q). Vậy câu (a) đúng nên không chọn (a).

(b) Giả sử a chia c và b chia c có cùng số dư là r.

Khi đó: a = cq + r và b = cp + r. => a – b = c(q – p). Do đó a – b chia hết cho c. Vậy câu (b) đúng nên không chọn (b).

(c) Vì a chia hết cho b nên a = bq; b chia hết cho c nên b = cp.

Khi đó, a = bq = (cp)q = c . (pq). Do đó a chia hết cho c. Vậy câu (c) đúng nên không chọn (c).

(d) Vì a chia b dư r nên a = bq + r. Vì b chia c dư r nên b = cp + r.

Khi đó: a = bq + r = (cp + r)q + r = c . pq + (rq + r).

Do đó, số dư khi chia a cho c là rq + r. Vậy câu (d) sai nên chọn (d).

Chọn đáp án (d).

Chia sẻ nếu thấy hay:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.