Trắc nghiệm TOÁN 6 – Chủ đề TẬP HỢP

Sau đây là danh sách các Bài tập Trắc Nghiệm TOÁN 6 theo chủ đề: TẬP HỢP. ♫ Nên xem các bài học lý thuyết: TẬP HỢP và CÁCH VIẾT TẬP HỢP trước khi làm các bài tập trắc nghiệm phía dưới. 1 – Cách viết Tập hợp Câu 1.1: Cách viết tập hợp nào […]

Sau đây là danh sách các Bài tập Trắc Nghiệm TOÁN 6 theo chủ đề: TẬP HỢP.

Nên xem các bài học lý thuyết: TẬP HỢPCÁCH VIẾT TẬP HỢP trước khi làm các bài tập trắc nghiệm phía dưới.

1 – Cách viết Tập hợp

Câu 1.1: Cách viết tập hợp nào sau đây ĐÚNG?

(a) A = [1; 2; 3; 4; 5]

(b) A = (1; 2; 3; 4; 5)

(c) A = {5; 4; 3; 2; 1}

(d) A = 5; 4; 3; 2; 1

Các phần tử của tập hợp được viết bên trong hai dấu ngoặc nhọn { }.

Câu (a) sai vì dùng ngoặc vuông, câu (b) sai vì dùng ngoặc tròn, câu (d) sai vì thiếu dấu ngoặc. Chỉ có câu (c) là ĐÚNG.

Chọn đáp án (c).

Câu 1.2: Cách viết tập hợp nào sau đây ĐÚNG?

(a) D = 15; 17; 20

(b) D = {15; 17; 20; 15}

(c) D = [15; 17; 20]

(d) D = {17; 15; 20}

Khi viết tập hợp cần nhớ 3 điều:

  • Các phần tử được viết bên trong hai dấu ngoặc nhọn { };
  • Mỗi phần tử chỉ được liệt kê 1 lần;
  • Thứ tự liệt kê tùy ý (trước sau không quan trọng).

Vậy câu (a) sai vì thiếu ngoặc nhọn { }; câu (b) sai vì 15 lặp lại 2 lần; câu (c) sai vì dùng ngoặc vuông [ ]. Chỉ có câu (d) là ĐÚNG.

Chọn đáp án (d).

Câu 1.3: Gọi A là tập hợp các chữ cái tiếng Việt trong từ “PHƯƠNG PHÁP”. Trong các cách viết sau, cách viết nào ĐÚNG?

(a) A = {P; H; Ư; Ơ; N; G; P; H; A; P}

(b) A = (P; H; Ư; Ơ; N; G)

(c) A = {P; H; A; Ư; Ơ; N; G}

(d) A = {P; H; Ư; Ơ; N}

Câu (a) sai vì P lặp lại 3 lần và H lặp lại hai lần; câu (b) sai vì dùng ngoặc tròn; câu (d) sai vì liệt kê thiếu phần tử G và A. Chỉ có câu (c) là đúng.

Chọn đáp án (c).

Câu 1.4: Tập hợp các số số tự nhiên lớn hơn 3 và nhỏ hơn 8 là:

(a) A = {3; 4; 5; 6; 7; 8}

(b) A = {4; 5; 6; 7}

(c) A = {4; 5; 6; 7; 8}

(d) A = {3; 4; 5; 6; 7}

Chọn đáp án (b).

Câu 1.5: Cho tập hợp A = {15; 16; 17}. Tập hợp A được viết dưới dạng chỉ ra tính chất đặc trưng cho các phần tử của tập hợp là:

(a) A = {x | 15 < x < 17}

(b) A = {x | 14 < x < 17}

(c) A = {x | x là số tự nhiên và 15 < x < 17}

(d) A = {x | x là số tự nhiên và 14 < x < 18}

Ta thấy các số 15; 16; 17 là các số tự nhiên lớn hơn 14 và nhỏ hơn 18.

Vậy A = {x | x là số tự nhiên và 14 < x < 18}

Các câu (a) và (b) sai vì thiếu tính chất “x là số tự nhiên”; câu (c) sai vì tính chất “15 < x < 17” là không đúng.

Chọn đáp án (d).

Câu 1.6: Tập hợp E gồm các số tự nhiên không vượt quá 6 là:

(a) E = {0; 1; 2; 3; 4; 5}

(b) E = {1; 2; 3; 4; 5}

(c) E = {0; 1; 2; 3; 4; 5; 6}

(d) E = {1; 2; 3; 4; 5; 6}

“Không vượt quá 6” cũng có thể hiểu theo cách khác là “từ 6 trở xuống” hay “nhỏ hơn hoặc bằng 6”. (có cả số 6 trong đó)

Vậy các số tự nhiên không vượt quá 6 là: 0; 1; 2; 3; 4; 5; 6.

Câu (a) sai vì thiếu số 6; câu (b) sai vì thiếu số 0 và 6; câu (d) sai vì thiếu số 0. Chỉ có câu (c) là đầy đủ.

Chọn đáp án (c).

Câu 1.7: Chọn phát biểu SAI trong các phát biểu sau:

(a) Tập hợp các số tự nhiên được ký hiệu là ℕ;

(b) Tập hợp các số tự nhiên lớn hơn 3 và nhỏ hơn 5 là: A = {3; 4; 5};

(c) ℕ* là tập hợp các số tự nhiên lớn hơn 0.

(d) 2 021 là một số tự nhiên.

Các phát biểu (a), (c) và (d) là phát biểu đúng.

Phát biểu trong câu (b) là phát biểu sai, vì tập hợp các số tự nhiên lớn hơn 3 và nhỏ hơn 5 phải là: A = {4}.

Chọn đáp án (b).

Câu 1.8: Một năm gồm có bốn Quý. Tập hợp Q gồm tên các tháng của Quý II là:

(a) Q = {tháng Một; tháng Hai; tháng Ba};

(b) Q = {tháng Tư; tháng Năm};

(c) Q = {tháng Tư; tháng Năm; tháng Sáu};

(d) Q = {tháng Bảy; tháng Tám}

Một năm có 4 Quý. Vậy mỗi Quý có 12 : 4 = 3 tháng.

Các tháng của Quý I là: tháng Một; tháng Hai; tháng Ba.

Các tháng của Quý II là: tháng Tư; tháng Năm; tháng Sáu.

Các tháng của Quý III là: tháng Bảy; tháng Tám; tháng Chín.

Các tháng của Quý IV là: tháng Mười; tháng Mười Một; tháng Mười Hai.

Chọn đáp án (c).

2 – Sử dụng ký hiệu ∈ hoặc ∉

Câu 2.1: Cho B = {7; 8; 9; 10}. Chọn đáp án sai trong các đáp án sau:

(a) 8 ∈ B;

(b) 6 ∉ B;

(c) 9 ∈ B;

(d) 10 ∉ B.

Chọn đáp án (d).

Câu 2.2: Cho tập hợp A = {3; 4; a; b} và B = {4; b; c}. Tập hợp C gồm các phần tử vừa thuộc A vừa thuộc B là:

(a) C = {3; 4; b};

(b) C = {4};

(c) C = {4; a};

(d) C = {4; b}.

Câu (a) sai vì 3 thuộc A nhưng không thuộc B; câu (b) sai vì thiếu phần tử b; câu (c) sai vì a thuộc A nhưng không thuộc B. Chỉ có câu (d) là đúng và đầy đủ nhất.

Chọn đáp án (d).

Câu 2.3: Tập hợp A gồm các số tự nhiên không vượt quá 7 là:

(a) A = {x ∈ ℕ | x < 7};

(b) A = {x | x là số tự nhiên và x < 7};

(c) A = {0; 1; 2; 3; 4; 5; 6; 7};

(d) A = {1; 2; 3; 4; 5; 6; 7}.

“Không vượt quá 7” có nghĩa là “từ 7 trở xuống”, đó là các số: 0; 1; 2; 3; 4; 5; 6; 7.

Chọn đáp án (c)

Câu 2.4: Cho P là tập hộp gồm các số tự nhiên lớn hơn 50 nhưng không lớn hơn 57. Kết luận nào sau đây SAI?

(a) 55 ∈ P;

(b) 57 ∈ P;

(c) 58 ∈ P;

(d) 50 ∉ P.

Các số tự nhiên lớn hơn 50 nhưng không lớn hơn 57 là: 51; 52; 53; 54; 55; 56; 57.

Lưu ý: Đề bài yêu cầu chọn kết luận SAI.

Chọn đáp án (c).

Câu 2.5: Cho A là tập hợp các số tự nhiên nhỏ hơn 5. Chọn phát biểu đúng:

(a) A = {x ∈ ℕ | x < 5};

(b) A = {0; 1; 2; 3; 4; 5}

(c) 4 ∉ A;

(d) 5 ∈ A.

Các số tự nhiên nhỏ hơn 5 là; 0; 1; 2; 3; 4 nên các câu (b), (c) và (d) sai.

Chọn đáp án (a).

Câu 2.6: Gọi T là tập hợp các tháng (dương lịch) có 30 ngày. Chọn phát biểu đúng:

(a) tháng Hai ∈ T;

(b) tháng Ba ∉ T;

(c) tháng Bảy ∈ T;

(d) tháng Chín ∉ T.

Câu (a) sai vì tháng Hai có 28 ngày (hoặc 29 ngày nếu là năm nhuận), nên tháng Hai ∉ T.

Câu (b) đúng vì tháng Ba có 31 ngày nên tháng Ba ∉ T.

Câu (c) sai vì tháng Bảy có 31 ngày, nên tháng Bảy ∉ T.

Câu (d) sai vì tháng Chín có 30 ngày, nên tháng Chín ∈ T.

Chọn đáp án (b).

Câu 2.7: Gọi A là tập hợp các tháng của Quý III và B là tập hợp các tháng có 30 ngày trong năm (dương lịch). Chọn kết luận SAI:

(a) tháng Chín ∈ A;

(b) tháng Chín ∈ B;

(c) tháng Chín vừa là phần tử của tập A vừa là phần tử của tập B;

(d) tháng Chín là phần tử của tập A nhưng không là phần tử của tập B.

Chọn đáp án (d).

3 – Mô tả tập hợp bằng hình

Câu 3.1: Hình vẽ sau mô tả tập hợp D.

Bài tập trắc nghiệm toán 6

Tập hợp D là:

(a) D = {8; 9; 10; 12};

(b) D = {1; 9; 10};

(c) D = {9; 10; 12};

(d) D = {1; 9; 10; 12}.

Chọn đáp án (d).

Câu 3.2: Hình vẽ sau mô tả các tập hợp P và Q.

Bài tập trắc nghiệm toán 6

Tập hợp P và tập hợp Q là:

(a) P = { Huế; Thu; Nương }; Q = { Đào; Mai };

(b) P = { Huế; Thu; Nương; Đào}; Q = { Đào; Mai };

(c) P = { Huế; Thu; Nương; Đào}; Q = { Mai };

(d) P = { Huế; Thu; Đào}; Q = { Đào; Mai }.

Dấu chấm nào nằm trong vòng tròn là phần tử của tập hợp đó.

P = {Huế; Thu; Nương; Đào}

Q = {Đào; Mai}

Chọn đáp án (b).

Câu 3.3: Hình vẽ sau mô tả các tập hợp C và D.

Bài tập trắc nghiệm toán 6

Chọn phát biểu SAI:

(a) 106 ∈ D;

(b) C = {102; 106};

(c) 101 ∈ D;

(d) D = {3; 20; 101}.

Các phần tử 3; 20; 101; 102; 106 đều thuộc D.

Vậy câu (d) ghi thiếu hai phần tử 102 và 106.

Chọn đáp án (d).

Chia sẻ nếu thấy hay:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.