Giải Toán 7 (t1) [Chương 3] Bài 8 – GÓC Ở VỊ TRÍ ĐẶC BIỆT. TIA PHÂN GIÁC CỦA MỘT GÓC. (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống)
Sau đây là Hướng dẫn và lời giải chi tiết các bài tập của Bài 8 – Chương 3, trong sách giáo khoa môn Toán lớp 7 – tập 1, thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Luyện tập 1 (Trang 42 / Toán 7 – tập 1 / Kết nối tri thức với cuộc sống) Viết tên hai góc kề bù trong Hình 3.4 và tính số đo góc $mOt.$

Giải
Hai góc kề bù là: $\widehat{mOt}$ và $\widehat{nOt}.$
Vì hai góc kề bù có tổng số đo bằng $180^o$ nên: $\widehat{mOt}+\widehat{nOt} = 180^o.$
Nhìn Hình 3.4, ta thấy $\widehat{nOt} = 60^o.$
Vậy: $\widehat{mOt}+60^o = 180^o.$ Suy ra: $\widehat{mOt} = 180^o – 60^o = 120^o.$
Luyện tập 2 (Trang 43 / Toán 7 – tập 1 / Kết nối tri thức với cuộc sống) Hai đường thẳng $xx’$ và $yy’$ cắt nhau tại $O$ sao cho góc $xOy$ vuông (H.3.8). Khi đó các góc $yOx’, x’Oy’, xOy’$ cũng đều là góc vuông. Vì sao?

Giải
+) Ta có: $\widehat{x’Oy’} = \widehat{xOy}$ (hai góc đối đỉnh)
Mà: $\widehat{xOy} = 90^o$ (góc vuông)
Nên: $\widehat{x’Oy’} = 90^o.$ Vậy $\widehat{x’Oy’}$ là góc vuông.
+) Ta có: $\widehat{x’Oy} + \widehat{xOy} =180^o$ (hai góc kề bù)
Suy ra: $\widehat{x’Oy} = 180^o – \widehat{xOy} = 180^o – 90^o = 90^o.$
Vậy $\widehat{x’Oy}$ là góc vuông.
+) Ta có: $\widehat{xOy’} = \widehat{x’Oy}$ (hai góc đối đỉnh)
Mà $\widehat{x’Oy} = 90^o$ (mới tìm được phía trên) nên $\widehat{xOy’} = 90^o.$
Vậy $\widehat{xOy’}$ là góc vuông.
Luyện tập 3 (Trang 44 / Toán 7 – tập 1 / Kết nối tri thức với cuộc sống) Cho góc $xAm$ có số đo bằng $65^o$ và $Am$ là tia phân giác của góc $xAy$ (H.3.12). Tính số đo góc $xAy.$

Giải
Vì $Am$ là tia phân giác của góc $xAy$ nên: $\widehat{xAm} = \frac{1}{2} \widehat{xAy}$
Suy ra: $\widehat{xAy} = 2\widehat{xAm} = 2\cdot 65^o = 130^o.$
Vận dụng (Trang 45 / Toán 7 – tập 1 / Kết nối tri thức với cuộc sống) Quan sát hình vẽ bên (dưới).

Quả cân ở đĩa cân bên trái nặng bao nhiêu ki-lô-gam để cân thăng bằng, tức là kim trên mặt đồng hồ của cân là tia phân giác của góc $AOB?$
Giải
Đổi: $500 g = 0,5kg.$
Muốn cân thăng bằng, khối lượng hai dĩa cân (bên trái và bên phải) phải bằng nhau, tức là: $1+? = 3,5+0,5$
Suy ra: $? = 3,5+0,5-1 = 3.$
Vậy quả cân ở đĩa cân bên trái (mà đề bài hỏi) nặng $3kg.$
Bài tập 3.1 (Trang 45 / Toán 7 – tập 1 / Kết nối tri thức với cuộc sống) Cho Hình 3.13, hãy kể tên các cặp góc kề bù.

Giải
Các cặp góc kề bù là:
a) $\widehat{mOx}; \widehat{nOx}.$
b) $\widehat{BMA}; \widehat{BMC}.$
Bài tập 3.2 (Trang 45 / Toán 7 – tập 1 / Kết nối tri thức với cuộc sống) Cho Hình 3.14, hãy kể tên các cặp góc đối đỉnh.

Giải
Các cặp góc đối đỉnh là:
a) $\widehat{xHy}$ và $\widehat{tHm}$; $\widehat{xHt}$ và $\widehat{yHm}.$
b) $\widehat{AOD}$ và $\widehat{BOC}$; $\widehat{AOB}$ và $\widehat{DOC}$.
Bài tập 3.3 (Trang 45 / Toán 7 – tập 1 / Kết nối tri thức với cuộc sống) Vẽ góc $xOy$ có số đo bằng $60^o.$ Vẽ tia $Om$ là tia đối của tia $Ox.$
a) Viết tên hai góc kề bù có trong hình vừa vẽ.
b) Tính số đo góc $yOm.$
c) Vẽ tia $Ot$ là tia phân giác của góc $xOy.$ Tính số đo các góc $tOy$ và $tOm.$
Hướng dẫn
Dùng thước đo độ để vẽ góc $60^o.$ (Xem lại bài Cách vẽ góc.)
Tia $Om$ là tia đối của tia $Ox$ nghĩa là chúng tạo thành một đường thẳng và nằm ngược hướng nhau.
a) Hai góc kề bù là hai góc có một cạnh chung và hai cạnh còn lại tạo thành một đường thẳng.
b) Dựa vào tính chất tổng của hai góc kề bù bằng $180^o.$
c) Dựa vào đặc điểm: tia phân phân giác chia góc ra thành hai góc bằng nhau (và bằng một nửa góc ban đầu.)
Giải

a) Hai góc kề bù có trong hình vẽ là: $\widehat{yOm}$ và $\widehat{xOy}.$
b) Vì hai góc $yOm$ và $xOy$ là hai góc kề bù nên $\widehat{yOm}+\widehat{xOy} = 180^o.$
Suy ra: $\widehat{yOm} = 180^o – \widehat{xOy} = 180^o-60^o = 120^o.$
c)
+) Vì $Ot$ là tia phân giác của góc $xOy$ nên:
$$\widehat{tOy} = \frac{1}{2}\widehat{xOy} = \frac{1}{2} \cdot 60^o = 30^o.$$
+) Ta có: $\widehat{tOm} = \widehat{tOy} +\widehat{yOm} = 30^o+120^o = 150^o.$
Lưu ý
Có thể tính góc $tOm$ bằng cách khác! Để ý rằng hai góc $tOm$ và $tOx$ là hai góc kề bù, nên ta có: $\widehat{tOm} + \widehat{tOx} = 180^o.$
Mặt khác, vì $Ot$ là tia phân giác của góc $xOy$ nên: $\widehat{tOx} = \widehat{tOy} = \frac{1}{2}\widehat{xOy} = 30^o.$
Từ đó, ta tính được: $\widehat{tOm} = 180^0 – \widehat{tOx} = 180^o – 30^o = 150^o.$
Bài tập 3.4 (Trang 45 / Toán 7 – tập 1 / Kết nối tri thức với cuộc sống) Cho hình 3.15a, biết $\widehat{DMA} = 45^o.$ Tính số đo góc $DMB.$

Giải
Ta có: $\widehat{DMA} + \widehat{DMB} = 180^o$ (hai góc kề bù)
Suy ra: $\widehat{DMB} = 180^o – \widehat{DMA} = 180^o – 45^o = 135^o.$
Bài tập 3.5 (Trang 45 / Toán 7 – tập 1 / Kết nối tri thức với cuộc sống) Cho hình 3.15b, biết $\widehat{xBm} = 36^o.$ Tính số đo góc các góc còn lại trong hình vẽ.

Giải
Vì $\widehat{nBy}$ và $\widehat{xBm}$ là hai góc đối đỉnh nên: $\widehat{nBy} = \widehat{xBm} = 36^o.$
Vì $\widehat{mBy}$ và $\widehat{xBm}$ là hai góc kề bù nên: $\widehat{mBy}+\widehat{xBm} = 180^o$
Suy ra: $\widehat{mBy} = 180^o – \widehat{xBm} = 180^o – 36^o = 144^o.$
Vì $\widehat{xBn}$ và $\widehat{mBy}$ là hai góc đối đỉnh nên: $\widehat{xBn} = \widehat{mBy} = 144^o.$
Kết luận: $\widehat{nBy} = 36^o;$ $\widehat{mBy} = \widehat{xBn} = 144^o.$