$\S\;$ 1.5. SỐ ĐỐI CỦA MỘT SỐ HỮU TỶ.
Mỗi số hữu tỷ đều có một số đối của nó, sao cho tổng của hai số này bằng $0.$
Chẳng hạn: Ta có $\dfrac{4}{5}+\dfrac{-4}{5}=0$ nên $\dfrac{4}{5}$ có số đối là $\dfrac{-4}{5}$ (ta còn nói $\dfrac{4}{5}$ và $\dfrac{-4}{5}$ là hai số đối nhau).
Ví dụ 1: Các số hữu tỷ $-1,75$ và $\dfrac{-7}{-4}$ có là hai số đối nhau không? Vì sao?
Giải: Ta có $-1,75+\dfrac{-7}{-4}=-1,75+1,75=0.$ Do đó, $-1,75$ và $\dfrac{-7}{-4}$ là hai số đối nhau.
Mẹo: Muốn biết hai số $x$ và $y$ có phải là hai số đối nhau hay không, ta thực hiện phép cộng $x+y.$
+) Nếu $x+y=0$ thì $x,y$ là hai số đối nhau.
+) Nếu $x+y\neq 0$ thì $x,y$ không phải là hai số đối nhau.
Số đối của số hữu tỷ $a$ được ký hiệu là $-a.$ (Vậy $a+(-a)=0).$
Số đối của $0$ là $0.$ (Tức là $-0=0).$
Chẳng hạn: Ta đã biết $\dfrac{4}{5}$ và $\dfrac{-4}{5}$ là hai số đối nhau nên $-\dfrac{4}{5}=\dfrac{-4}{5}$ và $-\dfrac{-4}{5}=\dfrac{4}{5}.$
Ví dụ 2: Tính: $-(-4,3)$ và $-\dfrac{-7}{4}.$
Giải:
+) $-(-4,3)=4,3$ (vì $(-4,3)+4,3=0).$
+) $-\dfrac{-7}{4}=\dfrac{7}{4}$ (vì $\dfrac{-7}{4}+\dfrac{7}{4}=0).$
Chú ý: Khi biểu diễn hai số hữu tỷ đối nhau trên trục số, chúng nằm về hai phía của số $0$ và cách đều số $0.$

Bài tập:
1)- Các số hữu tỷ $\dfrac{-12}{13}$ và $\dfrac{12}{-13}$ có phải là hai số đối nhau không?
2)- Cho $x$ là một số hữu tỷ. Hãy giải thích tại sao $-(-x)=x.$
Giải:
1)- Ta có $\dfrac{-12}{13}+\dfrac{12}{-13}=\frac{-12}{13}+\dfrac{-12}{13}=\dfrac{-24}{13}\neq 0.$ Do đó, $\dfrac{-12}{13}$ và $\dfrac{12}{-13}$ không phải là hai số đối nhau.
2)- Ta có $-(-x)$ là số đối của $-x.$ Mà số đối của $-x$ là $x$ nên $-(-x)=x.$