Bài tập TOÁN 6 (CT mới) – Chuyên đề ƯỚC CHUNG VÀ ƯỚC CHUNG LỚN NHẤT.

Các bài tập sau đây phù hợp với cả ba bộ sách của chương trình Toán lớp 6 mới: CÁNH DIỀU, CHÂN TRỜI SÁNG TẠO, KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG. Mức độ DỄ: BT 1: Số nào là ước chung của $48$ và $12$ trong các số sau đây: $2; 5; 8; 12?$ […]

Các bài tập sau đây phù hợp với cả ba bộ sách của chương trình Toán lớp 6 mới: CÁNH DIỀU, CHÂN TRỜI SÁNG TẠO, KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG.

Mức độ DỄ:

BT 1: Số nào là ước chung của $48$ và $12$ trong các số sau đây: $2; 5; 8; 12?$

Các số $2$ và $12$ là các ước chung của $48$ và $12.$ Vì $48$ và $12$ đều chia hết cho các số này.

Vì $12\;\not{\vdots}\;5$ nên $5$ không phải là ước của $12,$ và cũng không phải là ước chung của $48$ và $12.$

Vì $12\;\not{\vdots}\;8$ nên $8$ không phải là ước của $12,$ và cũng không phải là ước chung của $48$ và $12.$

BT 2: Điền ký hiệu $\in$ hoặc $\notin$ vào $(?)$ cho đúng.

a) $4\;(?)\;ƯC(12, 18).$

b) $6\;(?)\;ƯC(12, 18).$

c) $2\;(?)\;ƯC(4, 6, 8).$

a) $4\notin ƯC(12, 18).$

b) $6\in ƯC(12, 18).$

c) $2\in ƯC(4, 6, 8).$

BT 3:

a) Viết tập hợp các ước của $6$ và tập hợp các ước của $9.$

b) Viết tập hợp các ước chung của $6$ và $9.$

a)

$Ư(6) = \{1; 2; 3; 6\}.$

$Ư(9) = \{1; 3; 9\}.$

b) $ƯC(6, 9) = \{1; 3\}.$

BT 4:

a) Viết các tập hợp sau: $Ư(9);$ $Ư(12);$ $ƯC(9,12).$

b) Tìm $ƯCLN(9, 12).$

a)

$Ư(9) = \{1; 3; 9\}.$

$Ư(12) = \{1; 2; 3; 4; 6; 12\}.$

$ƯC(9, 12) = \{1; 3\}.$

b) $ƯCLN(9, 12)=3.$

BT 5: Tìm ước chung lớn nhất của:

a) $56$ và $140;$

b) $24; 84$ và $180.$

c) $18; 30$ và $77.$

a) Phân tích thành thừa số nguyên tố: $56=2^3\cdot 7$ và $140 =2^2\cdot 5\cdot 7.$

Suy ra: $ƯCLN(56, 140) = 2^2\cdot 7 = 28.$

b) Phân tích thành thừa số nguyên tố: $24 = 2^3\cdot 3;$ $84 = 2^2\cdot 3\cdot 7$ và $180 =2^2\cdot 3^2\cdot 5.$

Suy ra: $ƯCLN(24, 84, 180) = 2^2\cdot 3 = 12.$

c) Phân tích thành thừa số nguyên tố: $18 = 2\cdot 3^2;$ $30 = 2\cdot 3\cdot 5$ và $77 = 7\cdot 11.$

Các số không có thừa số chung nên $ƯCLN(18, 30, 77) = 1.$

BT 6:

a) Tìm ước chung lớn nhất của $180$ và $234.$

b) Viết tập hợp các ước chung của $180$ và $234.$

a) Ta có: $180 = 2^2\cdot 3^2\cdot 5$ và $234 = 2\cdot 3^2\cdot 13.$

Suy ra: $ƯCLN(180, 234) = 2\cdot 3^2 = 18.$

b) Vì $ƯCLN(180, 234) = 18$ nên $ƯC(180, 234) = Ư(18) = \{1; 2; 3; 6; 9; 18\}.$

BT 7: Viết các tập hợp sau:

a) $ƯC(16, 24).$

b) $ƯC(16, 80,176).$

c) $ƯC(60, 90, 135).$

a) $ƯC(16, 24) = ?$

Ta có: $16=2^4$ và $24 = 2^3\cdot 3.$

Suy ra: $ƯCLN(16, 24) = 2^3 = 8.$

Suy ra: $ƯC(16, 24) = Ư(8) = \{1; 2; 4; 8\}.$

b) $ƯC(16, 80,176) = ?$

Ta có: $16 = 2^4;$ $80 = 2^4\cdot 5$ và $176 = 2^4\cdot 11.$

Suy ra: $ƯCLN(16, 80, 176) = 2^4 = 16.$

Suy ra: $ƯC(16, 80, 176) = Ư(16) = \{1; 2; 4; 8; 16\}.$

c) $ƯC(60, 90, 135) = ?$

Ta có: $60 = 2^2\cdot 3\cdot 5;$ $90 = 2\cdot 3^2\cdot 5$ và $135= 3^3\cdot 5.$

Suy ra: $ƯCLN(60, 90, 135) = 3\cdot 5 = 15.$

Suy ra: $ƯC(60, 90, 135) = Ư(15) = \{1; 3; 5; 15\}.$

Mức độ TRUNG BÌNH:

BT 8: Tìm các số tự nhiên $x$ thỏa mãn:

a) $36\;\vdots\;x,$ $24\;\vdots\;x$ và $x>3.$

b) $150\;\vdots\;x,$ $84\;\vdots\;x,$ $30\;\vdots\;x$ và $x>2.$

c) $x\in ƯC(70, 84)$ và $x>8.$

a) Vì $36\;\vdots\;x$ và $24\;\vdots\;x$ nên $x$ là ước chung của $36$ và $24.$

Ta có: $36 = 2^2\cdot 3^2$ và $24 = 2^3\cdot 3.$

Suy ra: $ƯCLN(36, 24) = 2^2\cdot 3 = 12.$

Suy ra: $x\in ƯC(36, 24) = Ư(12) = \{1; 2; 3; 4; 6; 12\}.$

Vì $x>3$ nên $x$ bằng $4,$ hoặc $6,$ hoặc $12.$

b) Vì $150\;\vdots\;x,$ $84\;\vdots\;x,$ $30\;\vdots\;x$ nên $x\in ƯC(150, 84, 30).$

Ta có: $150 = 2\cdot 3\cdot 5^2;$ $84 =2^2\cdot 3\cdot 7$ và $30 = 2\cdot 3\cdot 5.$

Suy ra: $ƯCLN(150, 84, 30) = 2\cdot 3 = 6.$

Suy ra: $x\in ƯC(150, 84, 30) = Ư(6) = \{1; 2; 3; 6\}.$

Vì $x>2$ nên $x=3$ hoặc $x=6.$

c) Ta có: $70 = 2\cdot 5\cdot 7$ và $84 = 2^2\cdot 3\cdot 7$

Suy ra: $ƯCLN(70, 84) = 2\cdot 7 = 14.$

Suy ra: $x\in ƯC(70, 84) = Ư(14) =\{1; 2; 7; 14\}.$

Vì $x>8$ nên $x=14.$

BT 9: Tìm số tự nhiên $x$ lớn nhất mà $160\;\vdots\;x$ và $240\;\vdots\;x.$

Vì $x$ là số tự nhiên lớn nhất mà $160\;\vdots\;x$ và $240\;\vdots\;x$ nên $x=ƯCLN(160, 240).$

Ta có: $160 = 2^5\cdot 5$ và $240 = 2^4\cdot 3\cdot 5.$

Do đó, $ƯCLN(160, 240) = 2^4\cdot 5 = 80.$

Vậy $x=80.$

BT 10: Học sinh lớp 6A được nhận phần thưởng của nhà trường và mỗi bạn được nhận phần thưởng như nhau. Cô hiệu trưởng đã chia hết $129$ quyển vở và $215$ bút chì màu. Hỏi lớp 6A có bao nhiêu học sinh?

Gọi $x$ là số học sinh lớp 6A.

Cô hiệu trưởng đã chia hết $129$ quyển vở và $215$ bút chì màu cho $x$ học sinh nên $129\;\vdots\;x$ và $215\;\vdots\;x.$

Do đó $x$ là ước chung của $129$ và $215.$

Ta có: $129 = 3\cdot 43$ và $215 = 5\cdot 43.$

Suy ra: $ƯCLN(129, 215) = 43.$

Suy ra: $x\in ƯC(129, 215) = Ư(43) = \{1; 43\}.$

Vì $x$ là số học sinh của lớp nên $x>1.$ Do đó, $x=43.$

Vậy lớp 6A có $43$ học sinh.

BT 11: Cô giáo chủ nhiệm muốn chia $24$ quyển vở, $48$ bút bi và $36$ gói bánh thành một số phần thưởng như nhau để trao trong dịp sơ kết học kỳ I. Hỏi có thể chia được nhiều nhất bao nhiêu phần thưởng? Khi đó, mỗi phần thưởng có bao nhiêu quyển vở, bút bi và gói bánh?

Gọi $x$ là số phần thưởng nhiều nhất chia được.

Chia đều $24$ quyển vở, $48$ bút bi và $36$ gói bánh thành $x$ phần thưởng nên $24\;\vdots\;x;$ $48\;\vdots\;x$ và $36\;\vdots\;x.$

Do đó, $x$ là ước chung của $24;$ $48$ và $36.$ Nhưng vì cần tìm số phần thưởng nhiều nhất nên $x= ƯCLN(24, 48, 36).$

Ta có: $24 = 2^3\cdot 3;$ $48 = 2^4\cdot 3$ và $36 = 2^2\cdot 3^2.$

Suy ra: $x= ƯCLN(24, 48, 36) = 2^2\cdot 3 = 12.$

Vậy chia được nhiều nhất là $12$ phần thưởng.

Khi đó mỗi phần thưởng có:

+) số quyển vở là: $24 : 12 = 2$ (quyển);

+) số bút bi là: $48 : 12 = 4$ (bút);

+) số gói bánh là: $36 : 12 = 3$ (gói).

BT 12: Lớp 6A và lớp 6B tham gia phong trào “Tết trồng cây”. Mỗi em trồng một số cây như nhau. Kết quả lớp 6A trồng được $132$ cây, lớp 6B trồng được $135$ cây. Hỏi mỗi lớp có bao nhiêu học sinh? Biết mỗi học sinh trồng được nhiều hơn $2$ cây?

Gọi $x$ là số cây mỗi học sinh trồng được.

Vì mỗi học sinh trồng được nhiều hơn $2$ cây nên $x>2.$

Lớp 6A trồng được $132$ cây nên $132\;\vdots\;x.$

Lớp 6B trồng được $135$ cây nên $135 \;\vdots\;x.$

Vậy $x$ là ước chung của $132$ và $135.$

Ta có: $132 =2^2\cdot 3\cdot 11$ và $135 = 3^3\cdot 5.$

Suy ra: $ƯCLN(132, 135) = 3.$

Suy ra: $x\in ƯC(132, 135) = Ư(3) = \{1; 3\}.$

Vì $x>2$ nên $x=3.$

Vậy mỗi học sinh trồng được $3$ cây.

Suy ra:

+) Số học sinh lớp 6A là: $132 : 3 =44$ (học sinh).

+) Số học sinh lớp 6B là: $135 : 3 = 45$ (học sinh).

BT 13: Một lớp học có $28$ nam và $24$ nữ. Có bao nhiêu cách chia đều học sinh thành các tổ với số tổ nhiều hơn $1,$ sao cho số nam trong các tổ bằng nhau và số nữ trong các tổ bằng nhau? Cách chia nào để mỗi tổ có số học sinh ít nhất?

Gọi $x$ là số tổ.

$28$ nam và $24$ nữ chia đều vào $x$ tổ nên $28\;\vdots\;x$ và $24\;\vdots\;x.$

Do đó $x$ là ước chung của $28$ và $24.$

Ta có: $28 = 2^2\cdot 7$ và $24 = 2^3\cdot 3.$

Suy ra: $ƯCLN(28, 24) = 2^2 = 4.$

Suy ra: $x\in ƯC(28, 24) = Ư(4) = \{1; 2; 4\}.$

Vì số tổ nhiều hơn $1$ nên $x>1.$ Suy ra $x=2$ hoặc $x=4.$

Vậy có hai cách chia tổ là chia thành $2$ tổ hoặc chia thành $4$ tổ.

Để mỗi tổ có số học sinh ít nhất thì số tổ nhiều nhất, tức là chia thành $4$ tổ.

BT 14: Một đám đất hình chữ nhật dài $52\;m$ và rộng $36\;m.$ Người ta muốn chia đám đất thành những khoảnh đất hình vuông bằng nhau để trồng các loại rau. Hỏi với cách chia nào thì cạnh hình vuông là lớn nhất và bằng bao nhiêu? (Biết rằng cạnh hình vuông là một số tự nhiên có đơn vị là mét).

Gọi $x$ là giá trị lớn nhất của cạnh hình vuông.

Khi đó, $52\;\vdots\;x$ và $36\;\vdots\;x.$

Do đó, $x$ là ước chung của $52$ và $36.$ Nhưng vì là giá trị lớn nhất nên $x=ƯCLN(52, 36).$

Ta có: $52 = 2^2\cdot 13$ và $36 = 2^2\cdot 3^2.$

Suy ra: $x=ƯCLN(52, 36) = 2^2 = 4.$

Vậy cạnh hình vuông lớn nhất bằng $4$ mét.

Mở rộng:

Khi đó, diện tích mỗi hình vuông là $4\cdot 4 = 16\;(m^2)$ và diện tích hình chữ nhật là $52\cdot 36 = 1\;872\;(m^2).$

Suy ra số hình vuông chia được là: $1\;872 : 16 = 117$ (hình vuông).

BT 15: Một căn phòng hình chữ nhật dài $680\;cm$ và rộng $480\;cm.$ Người ta muốn lát kín căn phòng đó bằng gạch hình vuông mà không có viên gạch nào bị cắt xén. Hỏi cạnh viên gạch có độ dài lớn nhất là bao nhiêu?

Để không viên gạch nào bị cắt xén thì chiều dài và chiều rộng căn phòng đều phải chia hết cho độ dài cạnh của viên gạch. Do đó, độ dài lớn nhất của cạnh viên gạch là ước chung lớn nhất của chiều dài và chiều rộng căn phòng, tức là $ƯCLN(680, 480).$

Ta có: $680 = 2^3\cdot 5\cdot 17$ và $480 = 2^5\cdot 3\cdot 5.$

Suy ra: $ƯCLN(680, 480) = 2^3\cdot 5 = 40.$

Vậy viên gạch có độ dài lớn nhất là $40\;cm.$

Mức độ KHÓ:

BT 16: Tìm số tự nhiên $x$ lớn nhất, biết rằng $x+150$ và $x+375$ đều là bội của $x.$

Vì $x+150$ là bội của $x$ nên $x+150\;\vdots\;x.$ Mà $x\;\vdots\;x$ nên $150\;\vdots\;x.$

Vì $x+375$ là bội của $x$ nên $x+375\;\vdots\;x.$ Mà $x\;\vdots\;x$ nên $375\;\vdots\;x.$

Vậy $x$ là số tự nhiên lớn nhất (theo đề) thỏa mãn $150\;\vdots\;x$ và $375\;\vdots\;x.$ Do đó, $x=ƯCLN(150, 375).$

Ta có: $150 = 2\cdot 3\cdot 5^2$ và $375 = 3\cdot 5^3.$

Suy ra: $ƯCLN(150, 375) = 3\cdot 5^2 = 75.$

Vậy $x=75.$

BT 17: Một mảnh đất hình chữ nhật chiều dài $120\;m,$ chiều rộng $36\;m.$ Người ta muốn trồng cây xung quanh vườn sao cho mỗi góc vườn có một cây và khoảng cách giữa hai cây liên tiếp bằng nhau. Hỏi số cây phải trồng ít nhất là bao nhiêu?

Muốn số cây phải trồng là ít nhất thì khoảng cách giữa hai cây trồng liên tiếp phải lớn nhất; gọi $a$ (mét) là khoảng cách này thì $a$ là số lớn nhất thỏa mãn $120\;\vdots\;a$ và $36\;\vdots\;a.$

Suy ra $a = ƯCLN(120, 36).$

Ta có: $36 = 2^2\cdot 3^2$ và $120 = 2^3\cdot 3\cdot 5.$

Do đó: $a = ƯCLN(120, 36) = 3\cdot 2^2 = 12.$

Vậy khoảng cách lớn nhất giữa hai cây trồng liên tiếp là $12$ mét.

Chu vi của vườn là: $(120+36)\cdot 2 = 312\;(m).$

Tổng số cây trồng ít nhất là: $312 : 12 = 26$ (cây).

BT 18: Tìm số tự nhiên $a,$ biết rằng $332$ chia cho $a$ thì dư $17$ và $555$ chia cho $a$ thì dư $15.$

Vì $322$ chia cho $a$ thì dư $17$ nên $332-17=315\;\vdots\;a$ và $a>17.$

Vì $555$ chia cho $a$ thì dư $15$ nên $555-15=540\;\vdots\;a$ và $a>15.$

Do hai điều trên, ta suy ra: $a\in ƯC(315, 540)$ và $a>17.$

Ta có: $315 = 3^2\cdot 5\cdot 7$ và $540 = 2^2\cdot 3^3\cdot 5.$

Suy ra: $ƯCLN(315, 540) = 3^2\cdot 5 = 45.$

Do đó: $a\in ƯC(315, 540) = Ư(45) = \{1; 3; 5; 9; 15; 45\}.$

Vì $a>17$ nên $a=45.$

Vậy $a=45.$

BT 19: Có $100$ quyển vở và $90$ bút chì được thưởng đều cho một số học sinh, còn lại $4$ quyển vở và $18$ bút chì không đủ chia đều. Tính số học sinh được thưởng.

Gọi $x$ là số học sinh được thưởng.

Vì $100$ quyển vở chia cho $x$ học sinh còn dư $4$ quyển, nên $100$ chia cho $x$ dư $4.$

Suy ra: $100-4=96\;\vdots\;x$ và $x>4.$

Vì $90$ bút chì chia cho $x$ học sịnh còn dư $18$ bút, nên $90$ chia cho $x$ dư $18.$

Suy ra: $90-18=72\;\vdots\;x,$ hay $x>18.$

Do đó: $x\in ƯC(96, 72)$ và $x>18.$

Ta có: $96 = 2^5\cdot 3$ và $72 = 2^3\cdot 3^2.$

Suy ra: $ƯCLN(96, 72) = 2^3\cdot 3 = 24.$

Do đó: $x\in ƯC(96, 72) = Ư(24) = \{1; 2; 3; 4; 6; 8; 12; 24\}.$

Vì $x>18$ nên $x=24.$

Vậy có $24$ học sinh được thưởng.

BT 20: Tìm ước chung lớn nhất của hai số tự nhiên $a$ và $a+2.$

Gọi $d$ là một ước chung của $a$ và $a+2.$ Khi đó, $a\;\vdots\;d$ và $a+2\;\vdots\;d.$

Suy ra: $(a+2) – a \;\vdots\;d,$ hay $2\;\vdots\;d.$

Do đó $d=1$ hoặc $d=2.$

+) Nếu $a$ là số lẻ thì $a+2$ là số chẵn, và $ƯCLN(a, a+2) = 1.$

+) Nếu $a$ là số chẵn thì $a+2$ là số chẵn, và $ƯCLN(a, a+2)=2.$

BT 21: Cho $ƯCLN(a, b) = 1.$ Hãy tìm $ƯCLN(11a+2b, 18a+5b).$

Gọi $ƯCLN(11a+2b, 18a+5b) = d.$

Khi đó, $11a+2b\;\vdots\;d$ và $18a+5b\;\vdots\;d.$

Suy ra: $11\cdot (18a+5b)-18\cdot (11a+2b) = 19b\;\vdots\;d$ và $5\cdot (11a+2b) – 2\cdot (18a+5b) = 19a\;\vdots\;d.$

Vì $ƯCLN(a, b) = 1$ nên $a$ và $b$ không cùng chia hết cho $d.$

Suy ra: $19\;\vdots\;d.$

Do đó $d=1$ hoặc $d=19.$

BT 22: Tìm số tự nhiên $n$ nhỏ hơn $30$ để các số $3n+4$ và $5n+1$ có ước chung khác $1.$

Gọi $d$ là một ước chung của $3n+4$ và $5n+1.$

Ta có $3n+4\;\vdots \;d$ và $5n+1\;\vdots\; d.$

Suy ra $5(3n+4) – 3(5n+1) \;\vdots\; d,$ tức là $17\;\vdots\; d.$

Vậy $d\in Ư(17) = \{1; 17\}.$

Để $3n+4$ và $5n+1$ có ước chung khác $1$ thì $3n+4\;\vdots\;17.$

Suy ra: $3n+4 – 34 \;\vdots\;17,$ hay $3(n-10)\;\vdots\;17.$

Ta lại có: $ƯCLN(3,17) = 1$ nên $n-10 \;\vdots\;17.$

Do $n<30$ nên $n=10$ hoặc $n=27.$

BT 23: Tổng của năm số tự nhiên bằng $156.$ Ước chung lớn nhất của chúng có thể nhận giá trị lớn nhất bằng bao nhiêu?

Gọi năm số tự nhiên đã cho là $a_1,$ $a_2,$ $a_3,$ $a_4,$ $a_5,$ ước chung lớn nhất của chúng là $d.$

Ta có: $a_1=dk_1,$ $a_2=dk_2,$ $a_3=dk_3,$ $a_4=dk_4,$ $a_5=dk_5.$

Nên: $a_1+a_2+a_3+a_4+a_5 = d(k_1+k_2+k_3+k_4+k_5)$

Do đó: $156 = d(k_1+k_2+k_3+k_4+k_5)$

Suy ra $156\;\vdots\;d,$ hay $d$ là ước của $156.$

Ta lại có $k_1+k_2+k_3+k_4+k_5\geq 5$ nên $156= d(k_1+k_2+k_3+k_4+k_5) \geq d\cdot 5,$ suy ra $d\leq 31.$

Phân tích ra thừa số nguyên tố: $156 = 2^2\cdot 3\cdot 13.$

Ước lớn nhất của $156$ không vượt quá $31$ là $26.$

Giá trị lớn nhất của $d$ là $26,$ xảy ra khi chẳng hạn $a_1=a_2=a_3=a_4=26$ và $a_5=52.$

BT 24: Chứng minh rằng các cặp số sau nguyên tố cùng nhau với mọi số tự nhiên $n:$

a) $2n+1$ và $6n+5.$

b) $3n+2$ và $5n+3.$

a) Gọi $d$ là ước chung của $2n+1$ và $6n+5$ thì $2n+1\;\vdots\;d$ và $6n+5\;\vdots\;d.$

Do đó $(6n+5) – 3\cdot (2n+1) \;\vdots\; d,$ hay $2\;vdots\;d.$

Vì $d$ là ước của số lẻ $2n+1$ nên $d\neq 2.$ Vậy $d=1,$ tức là $ƯCLN(2n+1, 6n+5) = 1.$

Do đó, $2n+1$ và $6n+5$ nguyên tố cùng nhau.

b) Gọi $d$ là ước chung của $3n+2$ và $5n+3$ thì $3n+2\;\vdots\;d$ và $5n+3\;\vdots\;d.$

Do đó $5\cdot (3n+2) – 3\cdot (5n+3) \;\vdots\;d,$ hay $1\;\vdots\;d.$

Suy ra: $d=1,$ tức là $ƯCLN(3n+2, 5n+3) = 1.$

Do đó, $3n+2$ và $5n+3$ nguyên tố cùng nhau.

BT 25: Tìm số tự nhiên $n$ để $2n+1$ và $7n+2$ là hai số nguyên tố cùng nhau.

Gọi $d$ là ước chung của $2n+1$ và $7n+2$ thì $2n+1\;\vdots\;d$ và $7n+2\;\vdots\;d.$

Do đó: $7\cdot (2n+1) – 2\cdot (7n+2) \;\vdots\;d,$ hay $3\;\vdots\;d.$

Suy ra $d\in\{1; 3\}.$

Để $2n+1$ và $7n+2$ nguyên tố cùng nhau thì $ƯCLN(2n+1, 7n+2) =1.$ Khi đó, $d\neq 3.$

Vậy ta cần tìm $n$ để $2n+1 \;\not{\vdots}\;3.$ Một cách khác, ta tìm những số $n$ để $2n+1\;\vdots\;3,$ rồi loại những số này ra để được những số cần tìm.

Khi $2n+1\;\vdots\;3$ thì $2n+1 +3\;\vdots\;3,$ tức là $2\cdot (n+2)\;\vdots\;3.$

Do $ƯCLN(2, 3) =1$ nên $n+2\;\vdots\;3.$ Suy ra $n=3k+1$ với $k\in\mathbb{N}.$

Vậy khi $2n+1\;\vdots\;3$ thì $n=3k+1$ (với $k\in\mathbb{N}).$

Do đó, khi $n\neq 3k+1$ (với $k\in\mathbb{N})$ thì $2n+1\;\not{\vdots}\;3,$ tức là $d\neq 3.$ Do đó, $2n+1$ và $7n+2$ nguyên tố cùng nhau.

Đáp án: $n\neq 3k+1$ với $k\in\mathbb{N}.$

BT 26: Tìm các số tự nhiên $a$ và $b$ nhỏ hơn $200,$ biết:

a) $a-b=96$ và $ƯCLN(a, b) = 16.$

b) $a-b=90$ và $ƯCLN(a, b) = 15.$

a) $a-b=96$ và $ƯCLN(a, b) = 16.$

Vì $ƯCLN(a, b) = 16$ nên $a=16m,$ $b=16n$ và $ƯCLN(m, n) =1.$

Ta có: $a-b=96$ nên $16m – 16n = 96,$ suy ra $m-n=6.$

Do $a=16m<200,$ nên $m\leq 12.$

Mặt khác, $m-n=6$ nên $m=6+n\geq 7$ (vì $n\geq 1).$

Vậy $7\leq m\leq 12,$ $m-n=6,$ $ƯCLN(m,n)=1.$

Suy ra: $m=7, n=1;$ hoặc $m=11, n=5.$

Khi đó: $a=112, b=16;$ hoặc $a=176, b= 80.$

b) $a-b=90$ và $ƯCLN(a, b) = 15.$

Vì $ƯCLN(a, b) = 15$ nên $a=15m,$ $b=15n$ và $ƯCLN(m, n) =1.$

Ta có: $a-b=90$ nên $15m – 15n = 90,$ suy ra $m-n=6.$

Do $a=15m<200,$ nên $m\leq 13.$

Mặt khác, $m-n=6$ nên $m=6+n\geq 7$ (vì $n\geq 1).$

Vậy $7\leq m\leq 13,$ $m-n=6,$ $ƯCLN(m,n)=1.$

Suy ra: $m=7, n=1;$ hoặc $m=11, n=5;$ hoặc $m=13, n=7.$

Khi đó: $a=105, b=15;$ hoặc $a=165, b= 75;$ hoặc $a=195, b=105.$

BT 27: Tìm các số tự nhiên $a$ và $b$ $(a<b),$ biết: $ab=448$ và $ƯCLN(a, b) = 4.$

Vì $ƯCLN(a, b) = 4$ nên $a=4m,$ $b=4n$ và $ƯCLN(m, n) = 1.$

Ta có $ab=448$ nên $4m\cdot 4n = 448,$ suy ra $mn = 28.$

Suy ra: $28\;\vdots\;m,$

Suy ra: $m\in Ư(28)=\{ 1; 2; 4; 7; 14; 28\}$

Vì $a<b$ nên $m<n.$

Chú ý rằng $ƯCLN(m,n)=1,$ ta có:

+) Nếu $m= 1$ thì $n=28:m=28.$

+) Nếu $m=2$ thì $n= 28:2=14.$ (loại vì $ƯCLN(m,n) = ƯCLN(2, 14) = 2\neq 1)$

+) Nếu $m=4$ thì $n= 28:4=7.$

+) Nếu $m= 7$ thì $n= 28:7 = 4.$ (loại vì $m>n)$

+) Nếu $m=14$ thì $n=28:14=2.$ (loại vì $m>n)$

+) Nếu $m=28$ thì $n=28:28=1.$ (loại vì $m>n)$

Vậy $m=1, n=28;$ hoặc $m= 4, n=7.$

Khi đó, $a=4, b=112;$ hoặc $a=16, b=28.$

Chia sẻ nếu thấy hay:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.