$\S\;$ 1.4. PHÉP CỘNG VÀ PHÉP TRỪ SỐ TỰ NHIÊN.

Đây là bài số 4 trong tống số 5 bài của chuỗi bài viết [Bài học Toán 6 - Nâng cao - 01] TẬP HỢP SỐ TỰ NHIÊNPhép cộng. Phép cộng hai số tự nhiên $a$ và $b$ (ký hiệu là $a+b)$ cho ta kết quả là một số tự nhiên. Kết quả này được […]

Đây là bài số 4 trong tống số 5 bài của chuỗi bài viết [Bài học Toán 6 - Nâng cao - 01] TẬP HỢP SỐ TỰ NHIÊN

Phép cộng.

Phép cộng hai số tự nhiên $a$ và $b$ (ký hiệu là $a+b)$ cho ta kết quả là một số tự nhiên. Kết quả này được gọi là tổng của $a$ và $b$ (trong đó, $a,b$ được gọi là các số hạng).

Có thể hình dung phép cộng hai số tự nhiên $a$ và $b$ như sau: Đếm ra $a$ viên bi rồi cho vào túi, đếm thêm $b$ viên bi khác rồi cho vào cùng chiếc túi đó; khi đó, đếm tất cả số bi hiện có trong túi, ta được $a+b.$

Theo trên, việc cho $a$ viên bi hay $b$ viên bi vào túi trước hay sau thì không ảnh hưởng đến tổng số bi có trong túi, tức là $a+b=b+a.$ Đây được gọi là tính chất giao hoán của phép cộng.

Tính chất của phép cộng:

  • Giao hoán: $a+b=b+a.$
  • Kết hợp: $(a+b)+c=a+(b+c).$
  • Cộng với số $0$ thì bằng chính nó: $a+0=0+a=a.$

Chú ý rằng, do $(a+b)+c=a+(b+c)$ (tính chất kết hợp) nên ta có thể định nghĩa $a+b+c=(a+b)+c=a+(b+c).$ Tương tự như vậy cho một tổng có nhiều số hạng hơn.

Ví dụ 1: Tính giá trị biểu thức sau một cách hợp lý nhất:

$1+2+3+4+5+6+7+8+9.$

Hướng dẫn:

– Dùng tính chất giao hoán, ta có quyền đổi chỗ và đưa các cặp số hạng có tổng tròn chục lại gần nhau: $1+2+3+4+5+6+7+8+9$ $=1+9+2+8+3+7+4+6+5.$

– Dùng tính chất kết hợp, ta tính riêng từng nhóm tròn chục: $1+9+2+8+3+7+4+6+5$ $=(1+9)+(2+8)+(3+7)+(4+6)+5.$

Giải:

$1+2+3+4+5+6+7+8+9$

$=1+9+2+8+3+7+4+6+5$

$=(1+9)+(2+8)+(3+7)+(4+6)+5$

$=10+10+10+10+5=45.$

Ví dụ 2:

a) Tính: $A=1+2+3+4+…+100.$

(Lưu ý: $A$ là tổng của các số tự nhiên từ $1$ đến $100.)$

b) Cho $x\in\mathbb{N}.$ Hãy thu gọn biểu thức sau: $B=(x+1)+(x+2)+(x+3)+…+(x+100).$

Hướng dẫn:

a) Đổi chỗ và nhóm theo cặp $(1+100),$ $(2+99),$ $(3+98),…,$ mỗi cặp đều có tổng bằng $101.$ Vì dãy $1;2;3;…;100$ có $100$ số nên ta có $100:2=50$ cặp như vậy. Do đó, $A=50\times 101.$

b) Vì có $100$ số từ $1$ đến $100$ nên có $100$ số $x$ đi theo đó.

Giải:

a) $A=1+2+3+…+100$

$=(1+100)+(2+99)+(3+98)+…+(50+51)$

$=101+101+101+…+101$

$=50\times 101=5050.$

b) Ta có: $B=(x+1)+(x+2)+(x+3)+…+(x+100)$ $=(x+x+x+…+x)+(1+2+3+…+100).$

Vì dãy $1;2;3;…;100$ bao gồm $100$ số nên có $100$ số $x$ đi theo đó. Vậy $(x+x+x+…+x)=x\times 100.$

Theo kết quả ở câu a) thì $(1+2+3+…+100)=5050.$

Tóm lại, $B=x\times 100+5050.$

Phép trừ.

Ta định nghĩa phép trừ số tự nhiên dựa vào phép cộng: “Với $a,b$ là các số tự nhiên, nếu ta tìm được số $t$ sao cho $a=b+t$ thì ta gọi $t$ là hiệu của $a$ và $b,$ ký hiệu là $a-b$”.

Trong phép trừ $a-b$ thì $a$ được gọi là số bị trừ và $b$ là số trừ.

Ta có thể hình dung phép trừ số tự nhiên $a$ cho số tự nhiên $b$ như sau: Trong túi đang có $a$ viên bi, đếm và lấy ra ngoài $b$ viên bi từ trong túi; khi đó, đếm số bi còn lại trong túi, ta được $a-b.$

Nếu để ý, ta thấy việc lấy ra $b$ viên bi từ trong túi đang có $a$ viên bi chỉ thực hiện được khi $b$ không lớn hơn $a,$ tức là $a\geq b.$ Như vậy, trong phạm vi số tự nhiên, phép trừ chỉ thực hiện được khi $a\geq b.$

Ví dụ 3:

a) Tìm $x,$ biết: $17+x=23.$

b) Viết lại tập hợp sau bằng cách liệt kê các phần tử của nó: $B=\{x\in\mathbb{N}\;|\;17+x=23\}.$

Giải:

a) Để $17+x=23$ thì $x=23-17=6.$

b) Tập hợp $B$ bao gồm các số tự nhiên $x$ sao cho $17+x=23.$

Theo câu a) thì $x=6.$

Vậy $B=\{6\}.$

Ví dụ 4: Hãy sắp xếp sáu số $1;2;3;4;5;6$ vào các hình tròn đặt trên các cạnh của tam giác sao cho tổng các số trên cạnh nào của tam giác cũng bằng $9.$

Bài tập về phép cộng số tự nhiên.

Hướng dẫn:

Tìm các số ở ba đỉnh của tam giác trước. Sau đó, trên mỗi cạnh của tam giác, số ở giữa bằng hiệu giữa $9$ với tổng hai đỉnh.

Giải:

Giả sử khi xếp sáu số $1;2;3;4;5;6$ vào các hình tròn để thỏa mãn đề bài, ta có thứ tự các số $a;b;c;d;e;f$ như hình dưới:

Bài tập về phép cộng số tự nhiên.

Theo tính chất giao hoán của phép cộng, ta có:

$$a+b+c+d+e+f=1+2+3+4+5+6=21\;\;\;(i)$$

Tổng các số trên cạnh nào của tam giác cũng bằng $9$ nên: $a+b+c=9;$ $c+d+e=9;$ $e+f+a=9.$

Do đó: $(a+b+c)+(c+d+e)+(e+f+a)=9+9+9=27.$

Áp dụng tính chất giao hoán và kết hợp của phép cộng, ta suy ra:

$$(a+b+c+d+e+f)+(c+e+a)=27\;\;\;(ii)$$

Từ $(i)$ và $(ii),$ ta suy ra: $21+(c+e+a)=27,$ hay $c+e+a=27-21=6.$

Vậy tổng các số ở ba đỉnh bằng $6.$ Do đó, các số ở ba đỉnh chỉ có thể là $1;2;3.$

Từ đó ta điền sáu số vào tam giác như sau:

Bài tập về phép cộng và trừ số tự nhiên.

Bài tập:

1)- Viết các tập hợp sau bằng cách liệt kê các phần tử của nó:

a) Tập hợp $A$ các số tự nhiên $x$ sao cho $15-x=8.$

b) Tập hợp $B$ các số tự nhiên $x$ sao cho $x+7=14.$

c) Tập hợp $C$ các số tự nhiên $x$ sao cho $35-x=45.$

d) Tập hợp $D$ các số tự nhiên $x$ sao cho $x+13=12.$

2)- Có thể viết được hay không chín số vào một bảng ô vuông $3\times 3$ sao cho: Tổng các số trong ba dòng theo thứ tự bằng $352, 463, 541;$ tổng các số trong ba cột theo thứ tự bằng $335, 687, 234?$

3)- Điền các số tự nhiên vào các ô trống sau đây sao cho tổng ba số ở ba ô liền nhau bất kỳ đều bằng $17.$

Bài tập về cộng trừ số tự nhiên.

4)- Hãy xếp chín số $1,2,3,4,5,6,7,8,9$ vào các hình tròn đặt trên các cạnh của tam giác bên dưới, sao cho tổng các số trên cạnh nào của tam giác cũng bằng $17.$

Bài tập về cộng trừ số tự nhiên.

Giải:

1)-

a) Để $15-x=8$ thì $x=15-8=7.$ Vậy $A=\{7\}.$

b) Để $x+7=14$ thì $x=14-7=7.$ Vậy $B=\{7\}.$

c) Vì $45 > 35$ nên không có số tự nhiên nào để $35-x=45$ (do hiệu thì không được lớn hơn số bị trừ). Vậy $C=\varnothing.$

d) Vì $12 < 13$ nên không có số tự nhiên nào để $x+13 = 12$ (do tổng thì không được nhỏ hơn số hạng). Vậy $D=\varnothing.$

2)- Tổng của chín số theo dòng bằng: $352+463+541=1356.$

Tổng của chín số theo cột bằng: $335+687+234=1256.$

Ta thấy tổng của chín số theo dòng khác với theo cột $(1356\neq 1256)$ là điều vô lý nên không thể viết được chín số vào bảng ô vuông như đề bài yêu cầu.

3)- Giả sử ta xếp được các số $a, b, c, d, e, f, g$ vào các ô vuông như hình sau:

Bài tập về cộng trừ nhân chia số tự nhiên.

Vì tổng của ba ô liền nhau bất kỳ đều bằng $17$ nên $4+a+b=a+b+c.$ Do đó, $c=4.$

Làm tương tự như trên, vì $e+f+g=f+g+8$ nên $e=8.$

Vậy ta đã được:

Ta có $4+d+8=17,$ hay $12+d=17.$ Do đó, $d=17-12=5.$

Làm theo cách tương tự ta tìm được các số còn lại.

Kết quả là:

Bài tập về cộng trừ số tự nhiên.

4)- Hãy xếp chín số $1,2,3,4,5,6,7,8,9$ vào các hình tròn đặt trên các cạnh của tam giác bên dưới, sao cho tổng các số trên cạnh nào của tam giác cũng bằng $17.$

Giả sử ta xếp được chín số vào tam giác như hình sau:

Bài tập về cộng trừ số tự nhiên.

Tổng của chín số đó bằng: $a+b+c+d+e+f+g+h+i$ $=1+2+3+4+5+6+7+8+9=45.$

Tổng các số trên mỗi cạnh của tam giác đều bằng $17$ nên: $a+b+c+d$ $=d+e+f+g$ $=g+h+i+a=17.$

Do đó: $(a+b+c+d)+(d+e+f+g)+(g+h+i+a)=17+17+17=51.$

Suy ra: $(a+b+c+d+e+f+g+h+i)+(d+g+a)=51.$

Suy ra: $45+(d+g+a)=51,$ hay $d+g+a=51-45=6.$

Vậy tổng các số ở ba đỉnh bằng $6,$ chỉ có thể là ba số $1, 2, 3.$ Ta chọn $a=1, d=2, g=3.$

Khi đó: $b+c=17-(a+d)=14.$ Ta chọn $b=5, c=9.$

Tương tự:

+) $e+f=17-(d+g)=12.$ Ta chọn $e=4, g=8.$

+) $h+i=17-(g+a)=13.$ Ta chọn $h=6, i=7.$

Vậy ta có thể điền chín số vào tam giác như sau để thỏa mãn đề bài:

Bài tập nâng cao về cộng trừ số tự nhiên.
Xem tiếp bài trong cùng Series<< $\S\;$ 1.3. THỨ TỰ TRONG TẬP HỢP CÁC SỐ TỰ NHIÊN.$\S\;$ 1.5. PHÉP NHÂN, PHÉP CHIA SỐ TỰ NHIÊN. >>
Chia sẻ nếu thấy hay:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.