$\S\;$ 2.1. CHIA HẾT VÀ CHIA CÓ DƯ.

Trong bài này, ta tìm hiểu các khái niệm chia hết và chia có dư. Qua đó, ta giải được một số bài toán liên quan đến sự chia đều hoặc phân phối các sự vật.

Đây là bài số 1 trong tống số 10 bài của chuỗi bài viết [Bài học Toán 6 - Cơ bản - 02] TÍNH CHIA HẾT TRONG TẬP HỢP SỐ TỰ NHIÊN

Khái niệm chia hết và chia có dư.

Cho hai số tự nhiên $a$ và $b$ (với $b\neq 0).$

+) Nếu $a$ chia $b$ có số dư bằng $0$ thì $a$ chia hết cho $b,$ ký hiệu $a\;\vdots\;b.$

+) Nếu $a$ chia $b$ có số dư khác $0$ thì $a$ không chia hết cho $b,$ ký hiệu $a\;\not{\vdots}\;b.$

Chú ý: Gọi $r$ là số dư thì $0\leq r<b$ (tức SỐ DƯ phải nhỏ hơn SỐ CHIA).

Chẳng hạn:

  • Vì $35$ chia $5$ được thương là $7$ và dư $0$ nên $35$ chia hết cho $5,$ ký hiệu là $35\;\vdots\;5.$
  • Vì $47$ chia $5$ được thương là $9$ và dư $2$ (khác $0)$ nên $47$ không chia hết cho $5,$ ký hiệu là $47\;\not{\vdots}\;5.$

Ví dụ 1:

a) Có thể chia đều $72$ chiếc bánh cho $8$ bạn được không? Khi đó, mỗi bạn được bao nhiêu chiếc bánh?

b) May mỗi bộ màn cần dùng $3$ mét vải (khổ $0,9$ m). Nếu có $53$ mét vải thì may được nhiều nhất là bao nhiêu bộ màn?

Giải:

a) Thực hiện phép chia, ta có:

$72\;:\;8=9$ (dư $0).$

Vậy $72$ chia hết cho $8.$ Do đó, có thể chia đều $72$ chiếc bánh cho $8$ bạn được. Khi đó, mỗi bạn được $9$ chiếc bánh.

b) Thực hiện phép chia, ta có:

$53\;:\;3=17$ (dư $2).$

Vậy nếu có $53$ mét vải thì may được nhiều nhất là $17$ bộ màn (và còn thừa $2$ mét vải không đủ để may một bộ màn).

Dạng tổng quát của phép chia các số tự nhiên.

Trong phép chia số tự nhiên, ta luôn có:

SỐ BỊ CHIA = SỐ CHIA $\times$ THƯƠNG $+$ SỐ DƯ.

Nếu $a$ chia $b$ được thương là $q$ và số dư là $r,$ ta viết:

$a\;:\;b=q$ (dư $r).$

Khi đó, $a=b\cdot q+r$ $(0\leq r < b).$

Chẳng hạn, ta có $47\;:\;5=9$ (dư $2)$ nên $47=5\cdot 9+2.$

Ví dụ 2: Một cửa hàng có $465$ kg gạo cần đóng vào các bao nhỏ, mỗi bao có thể chứa được nhiều nhất là $8$ kg. Cần ít nhất bao nhiêu cái bao để chứa hết số gạo đó?

Giải:

Ta có: $465\;:\;8=58$ (dư $1).$

Vậy $465=58\cdot 8+1.$

Do đó, ta dùng $58$ cái bao để đựng $58\cdot 8$ kg $(=464$ kg) gạo, còn dư $1$ kg gạo, ta dùng thêm $1$ cái bao nữa để đựng.

Tóm lại, cần dùng ít nhất là $59$ cái bao để chứa hết số gạo đó.

Bài tập:

1)- Trong các phép chia sau, đâu là phép chia hết, đâu là phép chia có dư? Xác định số dư trong mỗi trường hợp.

a) $25\;:\;5.$

b) $112\;:\;11.$

2)- Một số tự nhiên không chia hết cho $2$ thì số dư là bao nhiêu khi thực hiện phép chia?

3)- Cho tập hợp $A=\{11; 14; 35; 26; 36; 20; 2\;022\}.$ Viết tập hợp $M$ các số $x$ thuộc $A$ và chia hết cho $2.$

4)- Một đoàn khách gồm $55$ người muốn qua sông, nhưng mỗi thuyền chỉ chở được $5$ người kể cả người lái thuyền. Hỏi cần ít nhất bao nhiêu thuyền để chở hết số khách đó?

Lưu ý: “mỗi thuyền chỉ chở được $5$ người kể cả người lái thuyền” tức là mỗi thuyền chỉ chở được $4$ khách.

Giải:

1)-

a) $25\;:\;5$ là phép chia hết (số dư bằng $0).$

b) $112\;:\;11$ là phép chia có dư (số dư bằng $2).$

2)- Một số tự nhiên không chia hết cho $2$ thì số dư là $1$ vì số dư phải nhỏ hơn số chia (tức là nhỏ hơn $2).$

3)- $M=\{14; 26; 36; 20; 2\;022\}.$

4)- Mỗi thuyền chở được nhiều nhất là $4$ khách.

Ta có: $55\;:\;4=13$ (dư $3).$

Vậy ta dùng $13$ thuyền để chở $13\cdot 4=52$ khách, còn lại $3$ khách thì dùng thêm $1$ thuyền nữa để chở. Tóm lại, cần dùng ít nhất $13+1=14$ thuyền để chở hết số khách đó.

Xem tiếp bài trong cùng Series$\S\;$ 2.2. TÍNH CHẤT CHIA HẾT. >>
Chia sẻ nếu thấy hay:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.